Thể diện đàn ông
Mai và Việt quen và yêu nhau khi đang là sinh viên. Tính đến bây giờ, thời gian họ kết hôn chưa lâu, hơn hai năm. Hai năm cho cuộc sống vợ chồng, yêu thương nhiều và hờn giận cũng lắm.
Nể ông Nam, người láng giềng tốt bụng, và cũng muốn xem đội bóng mà anh thần tượng thi đấu, anh mới nhận lời mời đi café. Chẳng nhậu nhẹt, chẳng bù khú, đơn giản chỉ là đi xem một trận bóng. Mai biết điều đó. Thế nhưng khi hai mẹ con từ nhà ngoại về không thấy Việt ở nhà, Mai lồng lên. Giận chồng, giận lây sang con. Ku Bin đang mệt cũng bị mẹ quát vô cớ. Thằng bé không hiểu sự tình, chỉ biết khóc. Mai càng được thể giận hơn, cô gọi điện cho chồng nói những câu nặng nề: “Anh đang chết dí ở đâu? Hở ra một tí là đi. Về nhà ngay, con đang sốt đây này, về mà đưa nó đi viện, hay là để tôi tự đưa nó đi thì bảo”. Mà sự việc có gì nghiêm trọng đâu, ku Bin cũng chẳng ốm đau gì, nó chỉ sốt mọc răng, thế thôi. Thằng bé ngoan, cũng chẳng quấy mẹ gì cả...
Việt đành ngậm ngùi bỏ lại ông Nam ngồi lại một mình ở quán café. Anh về, anh về không phải vì anh sợ vợ, bởi đơn giản anh không thích cái kiểu hành xử của Mai. Vì anh biết, nếu anh không về, vợ anh sẽ liên tục gọi điện, rồi nếu gọi không được thì chạy đi tìm. Mà anh thì không muốn điều đó. Anh không muốn vợ đến chỗ anh làm ầm lên. Chuyện bé xé ra to. Rồi trước mặt ông Nam, vợ anh sẽ cằn nhằn anh, sỉ vả anh, những lời lẽ không được văn minh, không được lịch sự.
Người ta bảo vợ chồng có chuyện gì thì đóng cửa bảo nhau, nhưng Mai không biết hay không thèm quan tâm đến điều đó. Trước mặt mọi người, Mai luôn muốn làm căng mọi chuyện, cố để khẳng định mình đúng. Mai không biết, khi thể diện của một người đàn ông bị dẫm đạp thì không biết sẽ có điều gì xảy ra.
Việt đã nhẫn nhịn nhiều lần vì nghĩ đến con. Anh không muốn con trai lớn lên thiếu đi tình thương của bố. Nhưng sức chịu đựng của con người có hạn. Tối nay, anh sẽ phải làm việc cần làm, dù hoàn toàn không muốn. Và nếu Mai không thay đổi, anh sẽ ra đi.