Thấy vợ chồng tôi làm ăn phát đạt, mẹ chồng đưa ra yêu cầu quá quắt

Mấy ngày nay, tôi “chiến tranh lạnh” mẹ chồng. Mẹ chồng tôi đã tự nhốt mình trong phòng, không ăn, không uống. Bố chồng và chồng chỉ tay vào tôi. Họ nói rằng tôi hỗn hào và ép tôi phải xin lỗi mẹ chồng.

Họ hàng, anh chị em nhà chồng người thì mắng mỏ, người thì mát mẻ khuyên tôi nên xuống nước xin lỗi mẹ chồng. Nhưng tôi không muốn nói gì với bà nữa cả, tôi cũng không muốn xin lỗi vì tôi không cảm thấy mình sai! Mâu thuẫn giữa tôi và mẹ chồng bắt nguồn từ đám cưới của Ngân - em chồng tôi. 

Tôi với chồng vốn xuất thân từ những gia đình thuần nông, kinh tế khá khó khăn. Đám cưới của chúng tôi cũng được tổ chức giản dị và tiết kiệm nhất có thể. Sau đám cưới, bố mẹ chồng cũng chẳng cho chúng tôi lấy một đồng vốn làm ăn. Thấ cứ mãi làm ruộng chẳng thể thoát nghèo, tôi với chồng phải nhờ nhà ngoại vay mượn thì mới có tiền đi xuất khẩu lao động ở Nhật.

 

Thấy vợ chồng tôi làm ăn phát đạt, mẹ chồng đưa ra yêu cầu quá quắt - 1

Hình minh họa

 

 

5 năm bươn chải xứ người, chịu đủ khổ nhục, vợ chồng tôi tích cóp được một khoản tiền đủ để về nước mở cửa hàng kinh doanh đúng như dự định ban đầu. Cửa hàng đồ gia dụng của vợ chồng tôi ngày càng phát đạt, có tháng tiền lãi lên tới 100 triệu. Chúng tôi đã xây được nhà rộng, mua xe hơi như mơ ước bấy lâu nay.

Tháng trước, Ngân - em chồng tôi dẫn người yêu về nhà ra mắt. Sau ngày dạm ngõ, định ngày cưới hỏi, bố mẹ chồng gọi vợ chồng tôi vào nói chuyện. Mẹ chồng tôi bảo giờ bố mẹ tôi già rồi, kinh tế bấp bênh vì cả hai bố mẹ đều là lao động tự do, không có lương. Bố mẹ chồng muốn vợ chồng tôi đứng ra tổ chức hôn lễ cho em Ngân và mua cho em chút của hồi môn như xe tay ga, vàng bạc.

Nghe đến chuyện đây, chồng tôi gật đầu đồng ý vì nói dù sao anh cũng là anh cả, lo cho em là chuyện đương nhiên nhưng tôi phản đối kịch liệt. Tôi nói rõ rằng việc tổ chức lễ cưới, cho cô út của hồi môn là trách nhiệm của bố mẹ chồng chứ không phải là của vợ chồng tôi.

“Bố mẹ có nhớ ngày xưa chúng con đi xuất khẩu lao động, bố mẹ không cho chúng con một đồng nào. Trong khi con nhà người ta đi xuất khẩu lao động thì bố mẹ cho năm, cho mười. Nay chúng con làm ăn phát đạt, cớ sao chúng con phải thay bố mẹ lo cho em Ngân?”, tôi nói thẳng.

Tôi với bố mẹ chồng lời qua tiếng lại suốt cả buổi chiều. Cuối cùng tôi chỉ đồng ý cho em chồng vài chỉ vàng chứ tuyệt đối không đứng ra tổ chức đám cưới hay mua của hồi môn cho em như ý của ông bà. Mẹ chồng mắng tôi giàu có mà sống ích kỷ, ngang ngược.

Tôi và chồng đã nói chuyện nhưng cả hai vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Nói thật, tôi và chồng được như hôm nay tất cả là do nhà ngoại vun vén.

Năm xưa, bố mẹ tôi đã phải thế chấp 1 miếng đất để vay nợ giúp để vợ chồng tôi đi xuất khẩu lao động. Vậy mà giờ tôi còn chưa báo đáp gì bố mẹ.

Trong khi đó, nhà nội khi xưa không cho vợ chồng tôi lấy 1 đồng nay vợ chồng tôi giàu có, thành đạt thì lại ép chúng tôi đứng ra chịu trách nhiệm khi nhà có công có việc. Tôi cảm thấy không hợp lý nên sẽ vẫn bảo vệ ý kiến của mình.

Cũng vì chuyện này mà nhà tôi tuy sắp có hỷ sự mà ai cũng mang vẻ mặt rầu rĩ. Mẹ chồng thì đóng cửa nhốt mình trong phòng, không ăn không uống. Cô út khóc lóc nói không lấy chồng nữa.

Bố chồng và chồng chỉ tay vào tôi. Họ nói rằng tôi hỗn hào với mẹ chồng và ép tôi phải xin lỗi mẹ chồng. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa mở lời, tôi vẫn chưa thấy mình sai ở đâu. Theo các bạn vợ chồng tôi có nên thay bố mẹ đứng ra tổ chức đám cưới cho cô út hay không?

Theo Quỳnh Trang
Dân Việt