Thà ở nhà thuê còn hơn sống cảnh “chó chui gầm chạn”

Được bố mẹ vợ hứa cho căn hộ chung cư, ai cũng bảo số tôi sướng, “chuột sa chĩnh gạo”, nhưng vì mâu thuẫn vợ chồng, tôi muốn trả lại ngôi nhà cho nhạc phụ, nhạc mẫu để khỏi mang tiếng đào mỏ mà lép vế nhà vợ.


Thà ở nhà thuê còn hơn sống cảnh “chó chui gầm chạn”



Tôi năm nay 30 tuổi, là kĩ sư phần mềm, còn vợ tôi 28 tuổi, đang nghỉ sinh ở nhà. Chúng tôi mới chào đón đứa con đầu lòng được hơn 1 tháng.

Vợ chồng tôi mới cưới nhau tháng 10 năm ngoái, đến nay cũng chưa được một năm, vẫn trong thời gian mật ngọt nhưng đã phát sinh nhiều vấn đề do quan điểm sống của hai vợ chồng không đồng nhất.

Gia đình tôi ở quê chỉ làm nông nghiệp đơn thuần nên kinh tế có phần khó khăn. Còn vợ tôi là gái thành phố, gia đình kinh doanh từ lâu đời nên rất khá giả, nhà lầu, xe hơi.

Sau khi chúng tôi kết hôn, bố mẹ vợ đã hứa cho vợ chồng tôi một căn hộ chung cư ngay gần trung tâm để chúng tôi yên tâm công tác và nuôi con.

Ai cũng bảo số tôi sướng, đúng là “chuột sa chĩnh gạo”, vừa lấy được cô vợ thành phố xinh đẹp giỏi giang, bố mẹ vợ có điều kiện lại tâm lý, hết lòng vì con cái.

Trong thời gian chờ bàn giao nhà, vợ chồng tôi ở nhờ trong căn nhà của anh chị vợ vì trong thời gian này anh chị đang đi công tác ở nước ngoài nên cuộc sống của đôi vợ chồng son rất thoải mái.

Cứ tưởng cuộc sống của vợ chồng tôi viên mãn như vậy thì còn phàn nàn gì nữa nhưng từ khi vợ tôi sinh con đã bắt đầu nảy sinh những mâu thuẫn, bất đồng. Vợ tôi cậy nhà có điều kiện, mọi thứ vật chất là do bố mẹ cô ấy lo nên lên mặt cả với chồng, làm việc gì cũng toàn theo ý mình, không thèm bàn bạc với tôi. Ngay cả việc sinh con ở đâu, mua nhà chỗ nào vợ tôi cũng tự mình quyết định mà không thèm nói với chồng. Nhưng vì vợ đang trong thời gian bầu bì, sinh nở nên tôi cũng cố nhường nhịn, bỏ qua.

Trước khi vợ sinh con 1 tuần, tôi đón mẹ lên chăm vợ đẻ, mẹ tôi hết lòng thương yêu con dâu, coi cô ấy cũng như con gái nhưng vợ tôi lại cư xử không đúng mực và thiếu tôn trọng mẹ chồng, còn hỗn hào với bà.

Mẹ tôi tuy đau ốm nhưng vẫn cố gắng ra chăm cháu nội, dù không giúp được gì nhiều bà vẫn cố gắng phụ việc quét dọn nhà cửa, cơm nước, bỉm tã cho cháu. Nhưng với vợ tôi, tất cả những điều ấy còn chưa đủ. Nhiều lần, vợ tôi còn lớn tiếng quát vì bà chậm chạp không pha kịp sữa làm cháu khóc, tắm cháu lóng ngóng suýt làm rơi thằng bé…

Rồi những mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu về cách chăm trẻ sơ sinh cũng khiến tôi mệt mỏi vô cùng. Mẹ tôi thì cứ muốn theo cách của các cụ xa xưa truyền lại cộng với kinh nghiệm bản thân đã sinh 3 đứa con mà muốn con dâu làm theo. Nhưng vợ tôi thì chỉ thích nghe theo sách vở, làm theo những lời chỉ dẫn trên mạng Internet và bảo những kiêng kị của mẹ chồng là cổ hủ, lạc hậu. Hai trường phái khác nhau khiến mẹ chồng nàng dâu lúc nào cũng mặt nặng mày nhẹ với nhau.

Mẹ tôi vì tủi thân mà lắm lúc ngồi khóc một mình, vợ tôi đã không biết hối lỗi được thể lại càng lấn tới.

Tôi rất thất vọng và tức giận khi vợ không tôn trọng mẹ mình như vậy. Dù sao bà cũng chỉ muốn tốt cho con cho cháu. Tôi đã nói chuyện với vợ và yêu cầu vợ xin lỗi mẹ nhưng vợ tôi không nghe. Cô ấy còn la làng kể lể những nỗi khổ khi phải ở nhà chăm con.

Sau khi tổ chức lễ đầy tháng cho con, tôi có ngỏ ý bảo vợ đưa con về quê để ông bà tiện bề chăm sóc. Ông bà vẫn còn vườn tược cấy hái ở nhà nên mẹ tôi không thể cứ mãi ở trên Hà Nội để chăm con dâu và cháu nội. Ông bà cũng rất muốn cho cháu nội về quê để tận hưởng không khí trong lành, tươi mát. Hơn nữa đồ ăn thức uống ở quê đều là do nhà trồng được nên ăn uống rất yên tâm, không phải lo sợ rau, thịt nhiễm thuốc sâu, thuốc tăng trọng như ở trên thành phố. Nhưng vợ tôi nhất định không chịu. Bởi vì theo cô ấy điều kiện ở thành phố tốt hơn nhiều, gần bệnh viện nếu có vấn đề gì có thể đưa con kịp thời đi khám bác sĩ. Cơ sở vật chất tiện nghi cũng đầy đủ hơn. Về quê thì thiếu thốn đủ thứ, vợ tôi lại quen sống sung sướng nên không quen với cách sống của người nhà quê và nằng nặc đòi đem con về nhà ông bà ngoại.

Vẫn biết nhà vợ ở phố điều kiện tốt hơn nhà mình ở quê rất nhiều nhưng tôi vẫn cảm thấy buồn vì không có sự cảm thông của vợ để vượt lên khó khăn cùng với chồng. So với ở quê thì môi trường sống nhà tôi cũng tương đối tốt, nhà mới xây cao ráo, sạch sẽ, có vườn cây, ao cá, công trình vệ sinh, nước non đủ cả. Dù không giàu có dư dả gì nhưng cũng là mong ước của nhiều gia đình ở cùng quê tôi.

Bố mẹ tôi vốn sống giản dị, giàu tình cảm lại rất thương con thương cháu nên khi biết con dâu không muốn về quê ở thì ai cũng buồn, tôi lại là con trai duy nhất của ông bà, con tôi là cháu đích tôn của ông bà mà không được chăm bẵm, bế bồng nên cảm thấy tủi vô cùng. Bố mẹ tuy không nói ra nhưng tôi cũng hiểu. Tôi rất buồn vợ mình, lại là người đứng giữa khiến tôi rất khó xử nhưng dù nói thế nào vợ tôi cũng không thay đổi ý định. Đã nhiều lần góp ý với vợ nhưng chẳng ăn thua gì cả. Tôi cũng muốn vợ chồng có gì cứ to nhỏ với nhau thì mọi chuyện đều có thể giải quyết được. Nhưng vợ tôi chỉ thích làm theo ý mình và kiểu ăn nói rất khó nghe. Tôi thấy rằng vợ đang cậy bố mẹ có điều kiện mà sống thiếu sự chia sẻ khó khăn với chồng, đó là điều đáng buồn nhất.

Vì chán chường với lối sống và cách cư xử của vợ nên tôi nghĩ sẽ trả lại ông bà ngoại căn hộ mà ông bà đã mua cho. Mặc dù bố mẹ vợ không hề nói hay tỏ thái độ gì với con rể nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác. Không thể vì tiền bạc, nhà cửa mà bất chấp để sống một cuộc sống phụ thuộc vô vị không có định hướng, không có sự cảm thông chia sẻ của vợ được.

Bây giờ còn chưa dọn vào ở trong căn nhà mà bố mẹ cô ấy cho cô ấy còn tỏ thái độ như vậy thì không biết sau này nếu dọn vào ở rồi sẽ còn chuyện gì nữa. Cuộc sống chắc chắn sẽ căng thẳng không lối thoát, thà sống thiếu thốn một chút nhưng nhẹ cái đầu còn hơn.

Tôi chẳng thể nào chấp nhận một người vợ không muốn hòa nhập với gia đình chồng, hỗn xược với mẹ chồng, cái kiểu cậy ta có nhà riêng nên muốn làm gì thì làm, nói gì thì nói, không có phép tắc là không thể chấp nhận được.

Dù rất thương con nhưng tôi không thể nhận nhà của ông bà ngoại lúc này. Vì con tôi sẽ phải phấn đấu và cố gắng rất nhiều để con mình không phải chịu khổ nhưng không phải là phụ thuộc vào gia đình vợ để rồi phải câm lặng theo kiểu “chó chui gầm chạn”.

Theo Hoàng Anh
Vietnamnet