Tết về, nhớ hương bánh thuẫn

(Dân trí) - Bánh thuẫn hay còn gọi là bánh xoài, là thứ bánh quen thuộc ở quê tôi mỗi khi Tết về. Nhớ ngày nhỏ, mỗi lần mẹ chuẩn bị làm bánh, cả nhà lại háo hức như chờ đợi một sự kiện quan trọng lắm.

 
Tết về, nhớ hương bánh thuẫn


Bánh thuẫn tựa như một niềm tự hào của mỗi bà nội trợ, vì những ngày Tết, đi loanh quanh trong xóm, mọi người lại bình phẩm so sánh bánh của mỗi nhà. Thế nên, mỗi khi mẹ bắt đầu trộn bột, ba lại được giao việc đánh bột cho đều. Bánh thuẫn được làm bằng bột mỳ, trứng gà và đường. Trước đó, ba hì hụi vót một thanh tre, một đầu chẻ làm tư. Ba cầm thanh tre bằng hai tay, cho đầu bị chẻ vào chậu bột đã trộn rồi lăn mạnh.

 

Bánh ngon hay không là tùy thuộc vào khâu này. Đánh bột rất vất vả, có khi mất vài tiếng đồng hồ. Mẹ như ban giám khảo khó tính, chốc chốc ngó qua chậu bột, lắc đầu, vậy là ba lại còng lưng đánh tiếp.

 

Tôi được giao chạy qua xóm mượn chiếc khuôn về để đổ bánh. Hồi ấy, cả xóm chỉ có một khuôn bánh duy nhất, cứ nhà này làm xong lại đưa cho nhà khác. Cửa ngõ ngày xưa thông nhau, ba bước đã tới nhà bên cạnh. Lại nghe hỏi thăm nhau, “năm nay nhà cháu làm bao nhiêu cân bột, ừ, mấy đứa con trong Nam về nên dì làm nhiều hơn năm ngoái...”.

 

Mẹ lau chùi sạch sẽ khuôn bánh rồi bỏ khuôn lên bếp than đã chuẩn bị sẵn. Bánh chỉ nướng trên than đỏ vừa, nên mẹ cứ lấy cơi khều cho những hòn than cháy bớt. Chị em tôi luôn ngồi chực sẵn ở góc bếp để giành nhau chạy đon đả mỗi khi mẹ sai đi lấy chiếc đũa, lấy cái bát.

 

Mẹ lấy một cọng chuối đập dập rồi nhúng vào bát dầu và tra dầu vào khuôn bánh. Sau đó, mẹ cẩn thận đổ bột vào khuôn. Bột phải đổ cho khéo, nếu nhiều quá sẽ tràn ra cả khuôn, mà ít quá bánh sẽ xấu xí, chỉ vừa mép là đủ. Mẹ đậy vung rồi gắp than bỏ lên trên vung cho nóng. Chỉ trong phút chốc, bột dậy lên, mùi thơm đã tỏa ra cả chái bếp. Chiếc bánh nở bung tựa như một bông mai vàng đẹp đẽ. Mẹ lấy thanh tre mà ba đã vót sẵn để nhấc bánh lên rồi bẻ đôi xem xét, nếm thử và không quên đưa cho hai chị em tôi. Bao giờ cũng vậy, hai chị em thưởng thức no nê những mẻ bánh đầu tiên.

 

Bánh làm xong xuôi được cho vào rổ lớn, để hong trên than cẩn thận. Mẹ bảo làm như thế bánh sẽ lâu hư.  Bánh ngon có màu vàng đậm, nở đều, ngọt béo và thơm mùi trứng. Ba thử bánh và tấm tắc khen ngon. Với ba, bánh ngon hơn khi vừa ăn vừa thưởng thức ly trà ấm nóng. Mẹ gói từng túi riêng để mang biếu ngoại và nội, rồi gói làm quà gửi những người thân ở xa. Thứ bánh nhỏ nhắn nhưng đong đầy yêu thương và kỷ niệm.

 

Mỗi lần mẹ làm bánh xong, lai cảm giác Tết đã về chạm ngõ. Một thời, bánh thuẫn là món bánh không thể thiếu như bánh chưng, bánh tét mỗi khi Tết về. Bánh được đặt trang trọng lên bàn thờ cúng ông bà, tổ tiên và được bày biện trong mâm mứt quả để mời khách. Khách đến chơi, nhâm nhi tách trà nóng và thưởng thức vị ngọt ngào của bánh mãi không ngán.

Bây giờ, chẳng còn nhà nào làm bánh thuẫn. Những năm trước, ngoài những loại mứt khác, bánh thuẫn vẫn được mua về bày biện trong mâm mứt Tết. Thế nhưng, chẳng mấy ai đụng vào, năm nào bánh cũng còn dư nhiều. Có lẽ, bởi bánh làm sẵn bị pha trộn nên không ngon bằng bánh tự làm, biết vậy nhưng chẳng ai đủ siêng năng để hì hụi bên bếp lửa nhá nhem đầy khói để làm bánh nữa, dù rằng bây giờ không phải đánh bột bằng tay vất vả như ngày xưa. Hình như khẩu vị người ta cũng thay đổi đi ít nhiều, nên chẳng còn mặn mà để thưởng thức bánh.

 

Dần dà, Tết về, bánh thuẫn chẳng còn xuất hiện ở quê tôi. Thứ bánh ngon lành đã bị lãng quên, nhường chỗ cho bao nhiêu bánh kẹo, mứt trái khác. Bất giác mà buồn khi biết rằng, bánh thuẫn đã ở lại cùng bao kỷ niệm của những mùa Tết xưa như thế.

 

Diệu Ái