Tết, ở hay về...

(Dân trí) - Năm nay, vợ chồng nó cùng lúc có 2 tin vui, tậu được mái ấm nho nhỏ ở một khu chung cư ngoại thành và chào đón thiên thần nhỏ thứ 2 trong nhà. Với những lý do nhà mới, con còn nhỏ, nó thủ thỉ chồng ở lại thủ đô ăn Tết một năm, năm sau con cứng cáp thì về ăn Tết.

Tết, ở hay về...


Mới đầu, chồng nó phản đối dữ dội lắm. Chồng nó bảo, cả năm mới có ngày Tết về với bố mẹ, về quê mới cảm nhận đúng cái không khí Tết, mới được thăm thú bạn bè, người thân lâu ngày. Nó rất vất vả mới thuyết phục được, khi thấy chồng xuôi xuôi, nó mừng lắm. Thế là đỡ phải lo lắng khoản tàu xe, đỡ phải lo khoản tiền nong biếu xén, mừng tuổi, một cái Tết nho nhỏ chỉ có gia đình 4 người hẳn cũng đủ ấm áp và vui vẻ rồi.

Cả nó và chồng đều xuất phát từ những vùng quê nghèo và xa. Mỗi lần về quê, ít thì vài triệu, nhiều thì hơn chục triệu, tiền tiết kiệm cả năm vì thế mà cũng sạch sành sanh. Chưa kể nó còn say xe, cứ nghĩ tới chuyện lên ô tô đi hàng trăm cây số là nó ám ảnh. Nó nhớ, mấy Tết trước, về nội rồi về ngoại, vốn tàu xe không mấy thuận tiện, nó thì say bò lăn bò càng, con thì bị lạnh, vợ chồng con cái vài bận vất vưởng trên đường để tìm xe ngay giữa đêm rét mướt mà nó ái ngại. Về quê ăn Tết thì vui thật, mà sao ngại đủ đường như thế. Vậy nên, cái ý nghĩ được ở lại Hà Nội ăn Tết khiến nó khấp khởi.

Ngay từ đầu tháng 12 âm lịch, nó đã bàn với chồng mua những gì để đón Tết. Nó sắm sanh đồ đạc, tự tay làm các món ăn homemade và mua quần áo mới để đi chơi Tết. 9 ngày nghỉ, gia đình nó sẽ kéo nhau đi sắm Tết 1 ngày, cùng dọn dẹp nhà cửa, bày biện 2 ngày, 2 ngày ở nhà, còn những ngày còn lại sẽ đi du xuân và chúc Tết anh em họ hàng ở Hà Nội. Nó nghĩ, ngồi cạnh chồng và 2 con, xem tivi đón giờ khắc giao thừa chắc chắn sẽ thật tuyệt.

Hôm nay là ngày nghỉ, chồng ở nhà chăm con còn nó tranh thủ lượn lờ phố xá gặp bạn bè và mua sắm vài thứ. Đã rất nhiều nơi bày bán đồ Tết rồi, nó sẽ chờ khoản thưởng của công ty để sắm cho thỏa sức.

Nó đi qua một góc phố, chợt thấy một mùi thơm quen thuộc quyện lấy tâm tư. Nó dừng xe lại, ngó vào bên trong ngôi nhà tỏa hương đó. Một cụ già đang ngồi đun bánh chưng trên một chiếc nồi to, đun bằng than không khói – nó biết thế vì ở phía ngoài bày rất nhiều những chiếc bánh chưng bán cho người qua đường. Cái mùi nếp, mùi hành, mùi đậu xanh, hạt tiêu nức lên khiến nó bỗng nhiên thấy xúc động lắm.

Nó nhớ những ngày bé, nó ngồi cùng bà, cùng mẹ bên nồi bánh chưng nghi ngút khói. Lâu lâu, nó lại thích thú châm thêm củi vào bếp, cái má phồng lên vì thổi phù phù cho lửa thật đỏ. Nó nhớ cái sự háo hức khi bắt đầu gói bánh, việc của nó, thường sẽ là đi rửa lá dong. Sau đó, nó sẽ ngồi cạnh bà, cạnh bố để xem gói bánh. Bà và bố không quên gói cho nó một hai cái bánh chưng, bánh tét nhỏ xinh để sáng hôm sau nó ăn sáng.

Nó nhớ sáng ngày 30, ông nội lau chùi đồ đạc, dọn bàn thờ sạch sẽ, để đến chiều, mùi hương trầm thơm từ đó tỏa ra. Mâm cơm tất niên của cả nhà thật ấm áp và dễ chịu.
Nó cũng nhớ cái Tết nhà chồng, cảnh cả nhà tất bật cho mâm cơm tất niên, cảnh mẹ và nó làm bánh mật, thịt gà chuẩn bị cúng giao thừa thật ấm cúng. Nhà chồng nó có lệ, cứ sáng mồng 1 là anh em lại đến nhà nhau chúc mừng năm mới rồi kéo nhau qua nhà thờ thắp hương cho tổ tiên. Cả nhà nó, lúc nào cũng đông vui như hội. Con bé lớn được chạy nhảy khắp nơi càng sung sướng.

Năm nay, vợ chồng nó không về, vợ chồng chú em ở xa không về, bố mẹ chồng nó hẳn sẽ đón một cái Tết buồn hơn thường lệ. Nó nghĩ tới bố mẹ nó, hai chị em nó đi lấy chồng hết, giao thừa hai ông bà ngồi xem tivi và sửa soạn cùng nhau, cũng sẽ thật cô đơn. Hình ảnh bố mẹ, mùi thơm bánh, mùi hương trầm trong tâm trí, mâm cơm tất niên… chợt ùa hết về. Nó thấy mắt mình cay cay.

Nó phóng xe đi. Tối nay, nó sẽ bảo chồng, Tết này lại về quê. Nó sẽ gọi điện cho ông bà nội ngoại của tụi nhỏ biết, hẳn ông bà sẽ mừng lắm. Mệt một chút, tốn kém một chút, nhưng gia đình nó sẽ được đoàn viên, vợ chồng và các con sẽ có được có cái Tết ấm cúng đúng nghĩa. Nó thấy lòng nhẹ nhàng đến lạ.

Tường Lam