Tết "gọn nhẹ" ở gia đình trẻ

Dù mới cưới hay đã chung sống vài năm, các đôi vợ chồng trẻ ấy vẫn mong muốn có một cái Tết đơn giản, thoải mái, dễ chịu, ngọt ngào và ấm áp tình thân gia đình. Tết vẫn là nơi hẹn hò của yêu thương.

Hương vị Tết ngọt ngào

Chị Đào Thanh Dung (Vĩnh Phúc) bộc bạch: “Hương vị Tết thật sự trở nên nhẹ nhõm và đơn giản hơn bao nhiêu khi vợ chồng, con cái tôi ra ở riêng. Chồng tôi mặc sức ôm 2 đứa nhỏ ngủ đến 8h sáng, một mình tôi một mâm cỗ 8 bát, 8 đĩa nhưng đơn giản với món canh nóng, cơm nóng, rán nem, miến nóng. Còn lại là các loại giò, chả, bánh chưng, bánh dày, thanh bông, hoa quả.

Nghĩ đến Tết trước đây lo toan cùng mẹ đẻ và mẹ chồng, nhiều khi tôi vẫn hãi. Dù đêm 30 đã thức rất khuya để sắp đồ lễ cúng, rồi đi chùa ngay thời khắc Giao thừa, sáng hôm sau tôi vẫn phải lọ mọ từ rất sớm để làm cỗ cúng mùng 1. Bữa nào cũng hì hụi cuốn nem, mâm cỗ nào cũng đầy, kệ cho có ai động đũa không.

 

Tết gọn nhẹ ở gia đình trẻ - 1

Vợ chồng chị Đào Thanh Dung - anh Nguyễn Việt Hưng và các con

Thức ăn thừa nhiều mà vẫn phải tiếp tục làm. Bố mẹ chồng và bố mẹ đẻ của tôi quan niệm “mâm cao cỗ đầy cho thật sung túc”.

Tôi thì nghiêng về mâm cỗ đẹp, chọn những bát nhỏ, đĩa nhỏ thật đẹp để mâm cỗ trông vẫn đủ vị mà không bị dư thức ăn nhiều. Chồng con hân hoan ra mặt khi mấy ngày Tết được ngủ dậy muộn.

Tôi nhớ những cái Tết cùng ông bà nội và ông bà ngoại, chúng tôi thường phải đi chúc Tết khắp xóm, khắp nơi, thậm chí đến cả những người mình không biết. Khi ra riêng, vợ chồng tôi dành trọn ngày mùng 1 và mùng 2 với ông bà nội ngoại. Sau đó là thời gian riêng của gia đình. Đến nhà 1-2 người bạn thân, cả gia đình lái xe lòng vòng qua những phố phường vắng vẻ. Cùng bật tivi xem phim và chụp những bức ảnh lưu niệm. Tết có hương vị thảnh thơi, ngọt ngào. Hương vị khi chúng tôi tận hưởng cuộc sống riêng bên cạnh những đầm ấm sum vầy.

Tôi chưa nghĩ đến chuyện đi du lịch trong ngày Tết, vì với vợ chồng tôi, Tết vẫn là để sum vầy”.

Muốn con cảm nhận Tết như mình ngày thơ bé

Chị Phạm Ngọc Hoa (Bắc Ninh) tâm sự: “Công việc của tôi rất bận những ngày giáp Tết nên tôi luôn chuẩn bị cho Tết giản tiện hết mức có thể. Nói chung, tài chính mà ổn thì chả phải lo, chứ “viêm màng túi” thì sợ Tết đến lắm!

Tết gọn nhẹ ở gia đình trẻ - 2

Vợ chồng chị Phạm Ngọc Hoa - anh Nguyễn Thạc Hòa và con

Ngày tôi chưa cưới, Tết phấn khởi với Giao thừa, chờ đón xem Táo Quân, hì hục lau nốt cái cầu thang trước 12h và chuẩn bị 1 bài thật dễ để “khai bút đầu xuân”. Tết chưa cưới là Tết với rộn ràng váy áo, háo hức với những kế hoạch đi chơi, nhận lì xì, cùng bà, cô chú, anh chị em quây tròn trên chiếu chơi tú, ăn kẹo bánh, cắn hạt hướng dương… Tết là hân hoan, vui vẻ cùng đại gia đình. Tết sau khi cưới là bận rộn với chúc Tết. Họ hàng nhà chồng tập trung quanh làng, chiều mùng 2, mấy mẹ con, bà cháu đi bộ khắp làng để chúc tụng. Tết lại cảm nhận được vô vàn điều ý nghĩa, cả năm mới có dịp tới thăm gia đình các bà bác, bà dì, ông chú ở quê.

Hai bên nội ngoại gần nhau, cái Tết của tôi luôn vẹn tròn sự sum vầy. Trưa mùng 1, vợ chồng tôi về sum họp cùng bên ngoại, chiều lại hân hoan quanh mâm cúng bên nội với thịt gà, bánh chưng. Điều tôi ghét nhất trong dịp Tết là nấu cỗ, uống rượu, có khi cơm trưa kéo dài đến chiều, lúc nào cũng trong tinh thần dọn dẹp, rửa bát vì người trong làng vô cùng hiếu khách.

Từ khi có con, tôi luôn muốn làm những điều tốt nhất để con cảm nhận được vị Tết như mình ngày xưa. Đó là cảm giác Tết tràn đầy yêu thương, quây quần, được diện quần áo mới, cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, cùng gói bánh, cùng đi thăm người thân, được nhận niềm vui lì xì…”.

Tết lớn lên theo mỗi dấu tay con gái

Chị Phạm Mỹ Việt (Thái Bình) chia sẻ: “Năm đầu tiên mới lấy chồng, Tết với mình là điều gì đó khủng khiếp lắm, nhất là khi nghe ca sĩ Quang Lê tỉ tê: “Mẹ ơi con xuân này vắng nhà”.

Tết chỉ trở nên “dễ thở” hơn khi vợ chồng mình có em bé đầu lòng và mua được căn nhà nhỏ trên thành phố. ngay khi có nhà, mẹ chồng mình đã hạ lệnh: “Từ giờ chiều mồng một sang ngoại, mồng ba về phố, Tết đến phải giữ nhà ấm cúng”.

Tết gọn nhẹ ở gia đình trẻ - 3

Gia đình chị Phạm Mỹ Việt - anh Nguyễn Đức Thọ

Nhà chồng mình là trưởng, cơm cúng lịch kịch lắm. 3 ngày tết, sáng trưa tối lúc nào cũng phải làm mâm cao cỗ đầy thắp hương. 29 âm lịch xay giò, làm chả, gói bánh chưng “mệt phờ râu tôm”, nhà có 4 người chả bao giờ ăn hết. từ ngày có con nhỏ quấn chân, chồng mình nghĩ ra “kế”, Tết đến tìm đặt các loại thực phẩm đảm bảo, rồi mua túi đóng bọc kèm thiệp chúc Tết “cộp mác” nhà phân phối sơn, nhà cung cấp gạch abc “trân trọng Kính biếu!”. nói là quà Tết của đối tác, cứ của cho không mất tiền là mẹ chồng mình duyệt. thế là giảm bớt được vài khâu chuẩn bị lương thực.

4 ngày “tết chung” trôi qua, mồng 3, cả nhà về thủ đô đón “tết riêng”. Tết đơn giản đúng nghĩa là chỉ có ăn, ngủ và chơi. Đồ ăn các bà đã gói sẵn hết, đến bữa chỉ việc hâm nóng. Ngủ đẫy mắt thì dắt nhau đi lượn phố. Mồng 6 Tết, cả nhà cùng nhau trồng 1 cây trường sinh. Chồng mình mua 1 chậu sứ trắng, 3 người cùng nhau in dấu ngón giữa (ngón liền tim) lên chậu cây thay hình trang trí. Theo năm, dấu tay con trên chậu trường sinh ngày càng to tròn rõ nét, chồng mình bảo “ấy là Tết lớn lên”.

Theo Anh Vũ
Phụ Nữ Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm