Tết đầu làm rể nhà quê

Lê Giang

(Dân trí) - Tôi vừa lấy vợ không lâu, và tết nay là tết đầu tiên tôi chính thức trở thành đàn ông có vợ.

Tết đầu làm rể nhà quê - 1

Về quê vợ ăn tết, lòng tôi tràn ngập lo lắng (Ảnh minh họa: Getty Images).

Từ trước tết một tháng mẹ tôi bảo: "Tết nay bố mẹ đi du lịch, hai vợ chồng con về ngoại ăn tết nhé". Vợ tôi nghe lời ấy xong thì mừng vui, còn tôi thì ngập tràn lo lắng.

Lo vì ngày tôi yêu vợ tôi, bố vợ lúc đầu không đồng ý. Ông muốn con gái lấy chồng gần, sợ gả xa sẽ mất con. Ông chê tôi con trai thành phố nhìn qua đã biết "trói gà không chặt", chẳng hiểu con gái mình có thể tin tưởng dựa dẫm cả đời được không. Ông còn bảo tôi ngoài công việc ra thì chả biết gì, đàn ông con trai ở quê việc gì cũng làm được hết.

Những lời nhận xét của bố vợ thỉnh thoảng cứ ám ảnh tôi. Tuy nhiên, từ sau ngày cưới, tôi mới về quê vợ chỉ một lần và chỉ đúng một ngày nên hình tượng con rể vẫn còn rất ổn.

Nghĩ về quê vợ ăn trọn một cái tết, tết nhất thì bao nhiêu việc phải làm. Ở quê, anh em họ hàng rất đông, người trên trông xuống, người ngoài nhìn vào, lại lắm phong tục lề thói, tôi sợ mình sẽ làm nhà vợ thất vọng.

Nhưng sợ thì sợ, về quê vẫn phải về. Thậm chí tôi còn tìm lý do để tự tin: Vợ dám về nhà mình ở làm dâu, sao mình lại không dám về nhà vợ làm rể.

28 tháng Chạp, khi kỳ nghỉ tết bắt đầu, tôi trở về nhà đã thấy vợ sắp sẵn hành lý đâu ra đấy. Vợ bảo nhanh nhanh để về nhà thôi, tết ở quê mấy ngày này là bận rộn và vui nhất. Trên đường về tôi liên tục nhắc vợ "về nhà có gì phải đỡ cho anh". Vợ tôi nghe xong chỉ cười, nụ cười khiến tôi mê mẩn quên hết sợ.

Mẹ vợ đon đả đón vợ chồng tôi bằng nụ cười rất tươi, còn bố vợ vẫn ngồi bên bàn trà gọi tôi "nhanh lên con, nhanh uống chén trà nóng cho ấm bụng". Tôi quan sát trong ngoài, thấy không khí tết đã về từ nhà ra ngõ. Cây nêu đã dựng từ ngoài ngõ, trên ngọn nêu lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Nơi góc sân là cây đào chúm chím rất nhiều nụ. Bố vợ bảo năm nay đào nhà trồng ra hoa muộn, gặp dạo cuối năm trời lạnh nên nụ bây giờ mới hé.

Mẹ vợ gọi tôi bảo: "Con rể thịt giúp mẹ con gà nhé". May quá, nhiệm vụ đầu tiên mẹ không làm khó tôi. Gì chứ làm thịt gà thì tôi làm được. Đến bữa cơm mẹ vợ con trêu gà con rể làm ăn ngon hơn hẳn. Bố vợ chỉ cười bảo "uống với bố chén rượu". Tôi nhìn vợ cầu cứu, nhưng cô ấy lại làm lơ như không để ý, cuối cùng tôi đành thật thà thú nhận:

- Con không biết uống rượu bố ạ.

- Thế thì tốt quá, thanh niên thời đại mới nó phải thế, rượu chè nhiều cũng chỉ hư người, chẳng tốt lành gì đâu.

Câu nói của bố vợ khiến tôi bất ngờ. Tôi chỉ sợ bố lại nói rằng tôi không uống là không coi bố vợ ra gì giống như ông anh trong cơ quan tôi kể.

Chiều 30 tết, nhà vợ làm cơm tất niên. Cậu em vợ gọi thêm mấy anh em họ trong làng, bữa cơm cuối cùng của năm vui đáo để. Có những người tôi chưa từng gặp, chưa biết mặt biết tên nhưng vừa gặp nhau họ đã thân tình cười nói hỏi han. Suốt bữa cơm mọi người chuyện trò, tôi cảm thấy như người thân thiết lâu năm, không có một khoảng cách nào cả.

Bố vợ sợ tôi bị ép rượu liền gióng giả mở đầu: "Tôi kén rể, tiêu chuẩn đầu tiên là không rượu chè, cờ bạc. Vậy nên, cậu nào uống được cứ uống, không chèo kéo con rể tôi, nghe chưa?". Mấy anh em nghe xong liền cười khà bảo bố vợ chưa gì đã bênh con rể, còn tôi chỉ biết thầm cảm ơn ông vô cùng.

Tối, trong lúc mẹ và vợ chuẩn bị mâm cỗ cúng giao thừa, tôi lăng xăng làm thịt gà, cũng học cách bày biện. Cậu em vợ chỉ thua tôi vài tuổi, chưa có người yêu ghé nhỏ hỏi tôi "động lực nào khiến anh dũng cảm lấy chị em làm vợ thế?". Tôi nghe xong không thể nhịn mà phá lên cười. Vợ tôi lườm chồng rồi đuổi em trai "không làm gì thì ra ngoài cho rảnh bếp".

Giờ phút giao thừa, bố vợ bê mâm cỗ đặt lên ban thờ, đốt nén hương rồi thì thầm khấn vái. Mẹ vợ, vợ chồng tôi và em trai lặng lẽ đứng sau. Không khí trang nghiêm thành kính. Đúng lúc đó đồng hồ điểm 12 giờ, ca khúc "Happy new year" nhà bên cạnh mở to vang lên sôi động. Mẹ nói giọng run run xúc động: "Năm mới mẹ mong cả nhà mình luôn khỏe, chúc vợ chồng con rể ăn nên làm ra, sang năm có con bế bồng, chúc cậu út mau tìm được người chịu lấy. Bây giờ bố mẹ lì xì cho các con mỗi đứa một chút lấy may nhé". Giây phút ấy tôi xúc động định nói vài lời, nhưng cuối cùng chỉ biết nói lời cảm ơn rồi im lặng.

Tôi đã trải qua ba mươi mùa xuân. Hồi nhỏ, ký ức về tết của tôi không rõ ràng, nhưng từ khi lớn lên, tết với tôi cũng chỉ là một dịp để ăn chơi, không hơn không kém.

Bố mẹ tôi từng sống và làm việc ở nước ngoài, quan điểm sống có lẽ vì thế không đặt nặng phong tục lễ nghi. Ngay cả dịp tết, trong khi nhà nhà đoàn tụ thì bố mẹ tôi thích đi du lịch. Mọi năm, hoặc là tôi tự tìm vui nơi bạn bè, hoặc là đi chơi cùng bố mẹ. Nhưng năm nay, vì có vợ rồi nên ngay từ đầu bố mẹ đã bảo vợ chồng tôi về ăn tết ngoại. Nhờ thế, tôi được trải nghiệm không khí tết đặc biệt ấm cúng thân thương này.

Sáng mồng Một, bố vợ bảo tôi cùng ông sang nhà thờ tổ thắp hương, rồi luôn tiện dẫn tôi đi chơi quanh mấy nhà hàng xóm. Ông bảo ở quê, tình làng nghĩa xóm rất quan trọng. Con cái lớn lên rồi đi xa, chỉ có láng giềng luôn ở gần, giúp đỡ nhau khi tắt đèn tối lửa.

Gặp ai ông cũng khoe con rể, cũng bảo "kiếp trước tôi tu nhiều lắm nên kiếp này con gái tôi lấy được chồng tốt". Tôi biết bố hay đùa vui nhưng cũng tự nhủ lòng sẽ sống thế nào để ông có thể tự hào, không thất vọng.

Mấy ngày sau đó hai vợ chồng đi chúc tết hết anh em họ hàng, mọi người đều sống ở trong làng nên hai vợ chồng đi bộ. Trên đường đi, chúng tôi liên tục dừng lại vì vợ gặp người quen. Tôi bảo vợ: "Em quen hết cả làng à?". Vợ tôi trêu tôi: "Vợ anh quan hệ rộng thế chứ đâu như anh, cả tổ dân phố anh quen được mấy người?". Cái này thì công nhận tôi thua, thậm chí hàng xóm ngay cạnh nhà tên gì tôi còn chẳng biết. Cuộc sống ở phố, phần đa nhà nào biết nhà nấy, kín cổng cao tường, so với ở quê thì khác xa nhiều lắm.

Một tuần ăn tết qua nhanh, chỉ mai thôi là chúng tôi phải rời đi rồi. Giờ thì tôi hiểu vì sao vợ hay trầm tư kêu nhớ nhà. Ngay cả tôi đây, chỉ mới về ở một tuần đã cảm giác nơi đây vô cùng thân thương quen thuộc, cả cảnh và người đều gần gũi dễ tạo cảm giác yêu thương. Phong tục ở quê tuy có nhiều hơn ở phố nhưng cũng không mấy phiền hà và không đáng sợ như tôi nghĩ.

Vợ thấy tôi ngồi ở thềm nhìn ra sân liền bảo đi ngủ sớm mai còn lái xe. Tôi nắm tay vợ thì thầm: "Năm sau mình lại về ăn tết nữa nhé". Vợ tôi nũng nịu: "Nếu được, năm nào em cũng muốn về".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm