Tặng quà bố chồng khái tính
Tôi là dâu thứ trong gia đình có 3 anh em trai. Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu như tôi không có một ông bố chồng khái tính.
Hôm mới sắm ô tô, chồng tôi thở dài: "Thể nào cũng bị ông nội thằng Quýt mắng cho một trận". Tôi gạt phăng: "Đáng lẽ ông phải mừng vì vợ chồng mình ăn nên làm ra chứ, mắng là mắng thế nào".
Ngày hôm sau chúng tôi lái xe về quê, nhìn thấy chiếc xe bóng loáng đậu trước cổng, bố chồng tôi không khỏi ngạc nhiên: "Chúng mày cứ vô tư mượn xe của người ta thế à? Chẳng may làm hỏng hay làm mất thì vặn răng ra mà đền à?".
Tôi phấn khởi giải thích: "Ông khỏi lo, xe này chúng con mới sắm đấy ông ạ!". Tưởng được bố chồng khen giỏi giang, ai ngờ tôi bị ông dội ngay cho gáo nước lạnh: "Anh chị đừng ra oai với thiên hạ. Nếu mua xe thì lái trên thành phố ấy, đừng lái về quê, mệt mỏi lắm".
Tôi nghĩ nát óc cũng không hiểu ý của bố chồng, càng không hiểu sao ông lại thấy "mệt mỏi", còn cấm chúng tôi lái xe về quê.
Rửa bát xong, tôi giục thằng Quýt đi tắm thì thấy bố chồng ôm chăn màn ra ngoài cửa, tôi ngạc nhiên: "Ông mang chăn màn đi đâu thế ạ? Nếu là đồ bẩn thì ông cứ để trong nhà tắm, mai con giặt cho". "Tôi mang chăn màn ra ngoài hiên ngủ, chị cứ lo việc của chị đi". Tưởng bố chồng nói đùa, ai ngờ tối đó ông ngủ ngoài hiên thật.
Trời rét căm căm, tôi nằm trong nhà chùm chăn kín đầu vẫn còn run, nghĩ đến bố chồng nằm co ro ngoài hiên, tôi xót ruột, thúc chồng: "Anh ra bảo ông vào trong nhà nằm đi".
Chồng tôi bực dọc: "Em tưởng anh chưa bảo ông chắc. Lúc em tắm cho thằng Quýt, anh thuyết phục ông vào nhà cả chục lần rồi, nhưng ông bảo "tao nằm đây trông xe cho chúng mày". Đấy! Anh nói rồi mà em không nghe, cứ đòi mua xe, bây giờ khổ chưa".
***
Vài tuần sau, tôi vẫn chưa hết sốc vì chuyện bố chồng ngủ ngoài hiên để trông xe. Hết tham khảo ý kiến bạn bè, tôi còn lên mạng tìm hiểu cách "điều trị" tâm lý người khái tính. Người thì bảo "các cụ ở quê hay khái tính lắm", người lại trách chúng tôi không tình cảm, không thường xuyên chuyện trò, tỉ tê nên bố chồng tôi mới "lạ lùng" đến thế.
Tôi tự kết luận, lỗi là ở con cái, chứ không phải tại ông. Nghĩ là làm, tôi bảo chồng: "Anh này! Mai nhà mình lại về quê đi". Chồng tôi ngạc nhiên: "Ơ hay! Mai ở quê làm gì có giỗ nhỉ? Nếu có thì ông đã phải gọi điện báo anh trước vài ngày rồi chứ. Anh cả với chú út cũng không rủ anh về mà".
Tôi cao giọng: "Đấy! Anh em nhà anh khô khan thế thì đừng hỏi tại sao ông nội ngày càng khái tính. Em nói anh nghe, từ bây giờ chúng mình phải thường xuyên về quê thăm hỏi ông. Anh nên chịu khó nói chuyện, thể hiện tình cảm nhiều hơn. Có như thế ông mới bớt khái tính và vui vẻ với con cháu".
Chẳng hiểu chồng tôi cầm tinh con gì mà lạnh lùng đến nổi da gà: "Em thích thì làm. Anh bó tay với ông rồi". Sợ bố chồng lại mắc màn ngủ ngoài hiên nên lần này chúng tôi không dám lái xe về quê nữa. Đợi chồng và con vào phòng chơi game, tôi nhẹ nhàng đưa chiếc áo mới cho bố chồng, nhỏ nhẹ: "Ông ơi! Con tặng ông cái áo".
Những lần trước chúng tôi biếu tiền toàn bị ông từ chối, lần này tôi sáng tạo với chiếc áo ấm, không ngờ hiệu quả tức thì. Bố chồng chẳng những không từ chối mà còn tỏ vẻ thiện chí: "Tôi ghi nhận tình cảm của chị". Một câu nói ngắn gọn cũng đủ làm tôi ấm lòng.
Có lẽ trước đây tôi chưa đủ khéo léo và tinh tế khi chọn quà cho bố chồng, thậm chí cứ nghĩ đơn giản, biếu tiền để ông thích xài vào việc gì tùy ông. Nhưng đó là một sai lầm, bởi bố chồng tôi không thiếu tiền.
Nếu tôi chịu khó chọn được món quà phù hợp, nó sẽ trở thành cầu nối giúp mối quan hệ giữa đôi bên trở nên tốt hơn. Tối hôm ấy tôi vui ra mặt. Tôi tự nhủ, những lần sau, mình cũng sẽ chọn những món quà mang nhiều ý nghĩa và đủ chân thành.