Tâm sự của bà mẹ trẻ đêm 30 vừa đi vừa khóc trên đất Nhật

"Tan ca làm thêm là 11 giờ 30 phút đêm 30 Tết, một mình tôi lủi thủi đi làm giữa trời tuyết lạnh, vừa đi vừa khóc".

Sang Nhật theo chương trình tu nghiệp sinh từ tháng 7/2018, năm nay là năm thứ 2 chị Nguyễn Trang (sinh năm 1988), quê Hà Nội ăn Tết ở Nhật Bản. Như nhiều người lao động khác, Trang có những nỗi buồn riêng khi phải xa con, xa gia đình vào dịp mà mọi nhà đều được sum vầy.

Bà mẹ 2 con đã có những chia sẻ đầy cảm xúc với báo VietNamNet.

Tâm sự của bà mẹ trẻ đêm 30 vừa đi vừa khóc trên đất Nhật - 1
Nguyễn Trang (sinh năm 1988) hiện đang làm việc ở thành phố Fukui, tỉnh Fukui, Nhật Bản. Ảnh: NVCC

Tôi sang Nhật từ tháng 7/2018 theo chương trình tu nghiệp sinh mà người ta vẫn gọi nôm na là xuất khẩu lao động.

Công việc chính của tôi là dọn dẹp trong các bệnh viện, ngân hàng, sở cảnh sát… ở quanh khu vực tôi đang sống - thành phố Fukui, tỉnh Fukui.

Thời gian đầu khi đến Nhật, tôi cũng như mọi người, nhớ nhà lắm. Nhất là vào dịp cận Tết, trên Facebook thấy bạn bè đăng ảnh dọn nhà sắm Tết, thấy bánh chưng, đào, quất, hoa… khắp nơi, rồi tự nhiên nghe thấy những bài ca xuân mà nước mắt rơi lúc nào không hay. Cảm giác lúc đó như muốn bỏ tất cả mọi thứ để chạy ngay về nhà vậy.

Tôi đã có gia đình, đã có con nên hầu như ngày nào cũng gọi về cho bố mẹ và các con. Nhưng càng gần Tết thì tôi lại càng không dám gọi. Vì lần nào gọi về nhà, các con cũng hỏi: Bao giờ mẹ về?

Mỗi lần như vậy, tôi chỉ biết nói với các con rằng: Mẹ sẽ về sớm thôi…

Tâm sự của bà mẹ trẻ đêm 30 vừa đi vừa khóc trên đất Nhật - 2
Chị Trang cùng 2 con. Ảnh: NVCC

Người Nhật ăn Tết Dương lịch nên Tết Nguyên đán họ vẫn làm việc bình thường. Tôi cũng vậy.

Chỉ có đêm 30 là chúng tôi cùng nhau nấu vài món ăn Việt Nam: làm nem, nấu miến, mua bánh chưng, thêm vài lon bia… Chúng tôi vừa ăn vừa trò chuyện rồi gọi về cho gia đình. Chỉ đơn giản vậy thôi, chủ yếu là để mọi người có cảm giác ấm cúng của bữa cơm gia đình.

Năm ngoái, do công ty nhiều việc nên ăn uống xong tôi vẫn đi làm tăng ca 2 tiếng - từ 11 giờ tối đến 1 giờ sáng hôm sau. Lúc về đến nhà là 1 giờ 30 phút - tức khoảng 11 giờ 30 phút đêm 30 Tết, giờ Việt Nam.

Như mọi năm là giờ đó tôi đang bận rộn chuẩn bị mâm cơm cúng giao thừa, thắp hương xong là cùng các anh chị em đi lễ chùa đầu năm.

Nhưng năm ngoái, một mình tôi lủi thủi đi làm giữa trời tuyết lạnh, vừa đi vừa khóc. Nhưng rồi tôi cũng tự nhủ sẽ thật cố gắng, 3 năm ở Nhật sẽ trôi qua nhanh thôi. Khoảng thời gian xa nhà này giúp tôi biết trân trọng hơn những giây phút sum họp gia đình.

Thế mà ngoảnh đi ngoảnh lại sắp đến Tết rồi, cái Tết thứ 2 ở Nhật.

Mấy hôm nay, các bác đồng nghiệp người Nhật hay hỏi tôi về Tết Việt Nam. Người Việt ăn Tết khi nào, ăn gì? Ở Việt Nam có cái này, cái kia không?...

Thực ra, những câu hỏi kiểu này tôi đã nghe rất nhiều lần rồi. Lúc đầu thấy khó chịu lắm. Nhưng bây giờ thì tôi quen rồi. Cứ mỗi lần được hỏi như vậy, tôi đều trả lời rằng: Ở Việt Nam chúng tôi cái gì cũng có và có nhiều thứ ở Nhật không có! Và Tết Việt Nam thì vui lắm, nhộn nhịp lắm, rực rỡ lắm!...

Tâm sự của bà mẹ trẻ đêm 30 vừa đi vừa khóc trên đất Nhật - 3
Những bữa cơm sum họp ngày Tết của Trang và bạn bè ở Nhật. Ảnh: NVCC

Năm nay, tôi sẽ không đi làm đêm 30 nữa. Mấy người Việt chúng tôi sẽ tập trung nấu ăn, sẽ ngồi lâu hơn một chút để chuyện trò về năm cũ và những dự định trong năm tới, rồi lại gọi về nhà, thăm hỏi và chúc Tết mọi người.

Có lẽ năm nay sẽ không còn cảnh vừa đi vừa khóc nữa, mà sẽ… trùm chăn rồi khóc.

Chúc mọi người một năm mới thật vui vẻ, hạnh phúc, vạn sự như ý. Nhất là những anh chị em, bạn bè đang phải xa quê như tôi, có một sức khỏe thật tốt để cố gắng trong những ngày tháng còn ở nơi đây.

Theo Nguyễn Thảo (ghi)

Vietnamnet