Tâm lý giới trẻ: Hoạt ngôn trên mạng nhưng khó mở lời khi gặp mặt
(Dân trí) - Không ít bạn trẻ rơi vào tình trạng cá tính thể hiện trên mạng xã hội là một kiểu nhưng khi gặp gỡ ngoài đời thực lại không biết nên nói gì. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý và cuộc sống.
Chia sẻ về câu chuyện của bản thân, bạn Tiến Anh (Hà Nội) cho biết: "Chưa nói đến việc trò chuyện với những người lạ, ngay cả với bạn bè của mình, trong một thời gian dài chỉ giao tiếp thông qua mạng xã hội khiến cho khi gặp lại trực tiếp ngoài đời cả hai phía đều có cảm giác xa lạ hơn, khó để bắt đầu câu chuyện hơn so với trước kia.
Thậm chí mình thấy nhiều người còn quen với việc nhắn tin, lúc nhắn tin rất thoải mái tuy nhiên nếu trò chuyện qua điện thoại hay phải gặp mặt trực tiếp thì lại không thể kéo dài cuộc hội thoại được. Trước đây mình cũng được mọi người đánh giá là hoạt ngôn, giao tiếp tốt, nhưng gần đây mình cũng đang có xu hướng ngại giao tiếp, nếu không phải tình huống cần thiết, bắt buộc phải giao tiếp với người lạ thì mình thường tìm cách để trốn tránh việc đó", Tiến Anh chia sẻ.
Cũng theo Tiến Anh, giao tiếp là một phần quan trọng trong cuộc sống, để chúng ta tương tác với những người khác. Vì thế nên không thể duy trì các mối quan hệ một cách tốt đẹp nếu như chúng ta không giao tiếp với nhau thường xuyên. Đó là mới chỉ nói đến những mối quan hệ bạn bè.
Còn trong công việc, chắc chắn không có một đối tác nào chỉ muốn có những cuộc đàm phán qua điện thoại, những bản hợp đồng qua email. Nếu giao tiếp không tốt thì chắc chắn tỷ lệ phần trăm mà người trẻ bỏ lỡ những cơ hội trong công việc và cuộc sống sẽ rất cao, và làm cho công việc cũng trở nên khó khăn hơn. Và việc ngại giao tiếp, khó khăn trong giao tiếp cũng dễ khiến cho người khác nghĩ rằng bản thân mình khó gần hay kỹ năng mềm yếu kém...
Đồng tình với quan điểm của Tiến Anh, cô nàng Võ Kiều Dung (Hà Nội) cũng cho rằng: "Mạng xã hội vẫn chỉ là phương tiện, kênh làm cầu nối để mọi người nói chuyện, xây dựng mối quan hệ từ trên mạng xã hội ra ngoài đời thật. Vậy nên bản thân mình luôn cố gắng thể hiện cá tính một cách thật nhất ở trên mạng, nói chuyện với mọi người theo đúng tính cách của mình thì việc gặp gỡ ngoài đời sẽ thoải mái và dễ dàng hơn.
Mình cũng từng rất bất ngờ khi gặp gỡ và trò chuyện với một vài người bạn quen qua mạng. Dù nói chuyện qua mạng xã hội họ rất tự tin, nói nhiều nhưng khi trực tiếp đối mặt thì lại lắp bắp không nên câu".
Cũng từng rơi vào tình trạng rất hoạt ngôn trên mạng nhưng khi gặp được người khác ngoài đời lại quá hồi hộp mà chả nói được gì, bạn Nguyễn Quốc Anh (Hà Nam) cũng đã phải cố gắng rất nhiều để khắc phục. Với Quốc Anh những cuộc trò chuyện trên mạng dù có kéo dài đến đâu thì ấn tượng để lại trong đầu người khác vẫn là lần đầu gặp mặt.
"Để có thể hoạt ngôn trò chuyện ngoài đời mình đã phải cố gắng khắc phục trong thời gian dài. Mình sẽ tìm hiểu thật kỹ về những sở thích của người đối diện qua mạng xã hội, chủ động gợi ý các chủ đề liên quan đến cuộc sống, các câu chuyện hài hước và tích cực.
Và một điều mình cho là chìa khóa để cuộc nói chuyện ngoài đời trở nên thú vị hơn, đó là tránh đặt các câu hỏi đóng cho đối phương khi gặp gỡ thì câu chuyện sẽ thoải mái hơn nhiều. Đừng hỏi mấy câu vô nghĩa như: "Bạn... ăn cơm chưa?", "Bạn có thích ăn rau muống không?", "Thế anh trai bạn có thích ăn rau muống không?". Hỏi vậy người ta sẽ không muốn gặp bạn lần nữa đâu, mình nói thật đó!", Quốc Anh vui vẻ chia sẻ.
Cậu bạn 9x chia sẻ thêm, trên mạng xã hội, chúng ta thường có cảm giác được là chính mình, bộc lộ rõ con người mình hơn so với ngoài xã hội. Tuy nhiên cần hiểu rõ mạng xã hội cũng chỉ là công cụ và chúng ta không nên quá phụ thuộc, hãy bước ra ngoài và làm những điều mới mẻ để cuộc sống thực của chúng ta trở nên màu sắc hơn.
Ai cũng muốn đem những thứ mình muốn người khác thấy lên mạng xã hội. Xong khi gặp nhau ngoài đời thì lại là một câu chuyện khác.
Bạn Minh Thành (Hà Nam) cho rằng: "Đúng là mạng xã hội phát triển, việc giao tiếp qua mạng dễ dàng hơn, cộng với cả việc ít giao lưu trực tiếp đang khiến giới trẻ ngại bắt chuyện, ngại nói chuyện khi gặp gỡ ngoài đời, đặc biệt là gặp người lạ. Bản thân mình cũng từng rơi vào tình trạng tâm lý như vậy. Thế nên cách giải quyết của mình là nói chuyện ít hơn trên mạng xã hội. Thay vào đó có thể hẹn gặp bạn bè ở ngoài sẽ có rất nhiều thứ để nói, và không bị lu mờ bởi chính cái hình tượng của mình trên mạng xã hội".
Theo Minh Thành, mọi người phải sống một cuộc đời chính là thực tại. Nếu việc khó khăn trong giao tiếp xuất hiện nhiều sẽ khiến con người ta bước đầu trở nên tự ti hơn, dần dần khiến việc thể hiện suy nghĩ hay quan điểm cá nhân cũng trở nên khó khăn.
Còn bạn, bạn có đang gặp tình trạng hoạt ngôn trên mạng xã hội nhưng khó mở lời khi gặp gỡ trực tiếp? Cùng chia sẻ câu chuyện của bản thân dưới phần bình luận nhé.