Tầm gửi

Em tôi có cô bạn tên Minh. Minh thường đến nhà tôi chơi và rất tự nhiên, Minh hay khoe với chị em tôi những món quà người yêu tặng: lúc thì đôi giày, lúc chiếc giỏ xách, có khi là món quà cao cấp như chiếc điện thoại mới.


Tầm gửi



Minh còn tự hào khoe người yêu vẫn thường cho tiền cô xài vì thu nhập anh ấy rất cao, trong khi lương nhân viên văn phòng chỉ đủ cho Minh… đổ xăng, ăn sáng, lấy đâu mà mua sắm. Khi tôi hỏi Minh nhận quà thường xuyên như vậy không “ngại” sao, Minh nói chắc nịch: “Đàn ông thì phải rộng rãi, hào phóng và “chiều chuộng” người yêu chứ, nếu không em cài số de cái một!”. Có lẽ Minh tự tin ở vẻ ngoài dễ nhìn của mình nên “mặc định” trong đầu “ai muốn yêu cô thì phải chịu… chi”.

Quan niệm “yêu là … tốn trong lòng một ít” của Minh khiến tôi nhớ tới Oanh - cô bạn thời đại học. Dạo tôi quen Oanh, cô mới hai mươi tuổi nhưng tỏ ra khá sành sỏi, hiểu đời. Một vài lần rủ tôi và mấy đứa bạn thân đi ăn cùng người yêu của mình, Oanh đều ra hiệu với mọi người để người yêu của cô trả tiền. Có người thắc mắc sao không chia đều cả nhóm trả cho sòng phẳng thì Oanh gạt đi bằng câu giải thích: “Đi với bạn gái thì trả tiền là “nhiệm vụ” của mấy ổng mà?”. Oanh còn kể, chỉ cần Oanh than kẹt tiền là người yêu “tự động” đưa tiền cho cô xài.

Đến nhà Oanh chơi, lúc nào người yêu cũng phải quà cáp cho ba mẹ cô vui lòng. Còn chuyện tặng quà cho nhau ư? Chỉ người yêu có “nghĩa vụ” tặng Oanh chứ “là con gái”, Oanh chẳng bao giờ tặng lại (?) Thấy vài người trong nhóm có vẻ “dị ứng” với kiểu “cho tặng” này, Oanh cho là họ… “dại” bởi theo cô, con gái chỉ có một thời được nâng niu, tội gì không… hưởng? Cũng với cách nghĩ đó, Oanh đã “loại thẳng tay” những anh chàng sinh viên cùng trường hay những anh nhân viên bình thường có ý định “tăm tia” cô để yêu một anh trưởng phòng bảnh bao và theo cô là rất… “sộp”.

Dĩ nhiên khi yêu ít ai tính toán thiệt hơn nhưng nếu không khéo, các cô gái rất dễ bị cho là lợi dụng! Nếu may mắn gặp người yêu mình chân thành thì không nói gì, không ít kẻ xấu vẫn khai thác triệt để tư tưởng “thích được bảo bọc” của những cô gái như nói trên để đạt mục đích khác. Dư luận từng phản ứng mạnh mẽ trước những phát biểu của một cô người mẫu cũng bởi quan điểm “chỉ yêu người có tiền và chịu “bảo bọc” người yêu”.

Hiện nay, không hiếm các cô gái chọn cách sống của loài… tầm gửi như thế. Trong tình yêu, vật chất chỉ nên là chất “phụ gia” góp phần làm tăng gia vị cho tình yêu chứ không nên là “bổn phận” của một phía nào. Cả hai cũng phải biết cách cân bằng giữa “cho” và “nhận” mới có thể giúp tình yêu lâu bền. Hơn nữa, sự tự chủ, độc lập (không chỉ vật chất mà cả tình cảm) còn làm tăng sự tự trọng cũng như giá trị của các cô gái. Bạn có thể ngẩng mặt tự hào khi trót mang theo mình “biệt danh” tầm gửi?

Theo Lê Thị Ngọc Vy
PNO

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm