Tai hại vì đọc trộm tin nhắn

Phát ốm, phát phiền và phát đơn ly hôn chỉ vì đọc trộm tin nhắn của chồng/vợ. Điện thoại di động, yahoo chat là phương tiện đưa bao người lại gần nhau, nhưng cũng làm tan nát bao gia đình.

 
Tai hại vì đọc trộm tin nhắn   - 1


Sáng đó, có việc phải tới cơ quan gấp nên Quế (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) dậy sớm hơn thường lệ. Chồng chị, anh Khánh, đang chạy xuống sân chung cư tập thể dục. Nhìn thấy cái điện thoại, tin nhắn nhấp nháy, không kìm được tò mò, chị mở ra đọc và...

 

Sẩy thai vì... đọc tin nhắn

 

Những tin nhắn của mẹ chồng lập tức đập vào mắt chị. “Mày gửi về cho mẹ 100 triệu nhé. Ba mẹ muốn xây cái nhà cho ra nhà. Bây giờ con cái đi làm ở Sài Gòn, thành đạt cả, mẹ cũng muốn hãnh diện với xóm làng”.

 

Chị lướt qua phần “send” để đọc tiếp những tin chồng chị gửi cho mẹ. “60 triệu hôm trước con gửi về, mẹ dùng hết rồi à? Hôm bố lên con cũng đưa bố 3.000 USD, bố đưa cho mẹ chưa? Để con tính, ngày mai con sẽ gửi”...

 

Quế giận sôi lên. Hóa ra số tiền mà vợ chồng chị định mua chiếc xe Matiz để đi lại thuận tiện hơn khi chị mang bầu và sinh con, chồng chị nói có việc gấp cần dùng, hóa ra là lẳng lặng đưa cho bố mẹ.

 

Phần lớn số tiền này đều do Quế làm ra. Quế úp mặt xuống gối khóc tức tưởi. Chị đang có thai 2 tháng, cũng đang tranh thủ kiếm tiền để dành lúc sinh con. Biết vợ chồng không dư dả nhiều, bố mẹ Quế thương con toàn dúi cho, nay 10 triệu, mai 500 USD. Vợ chồng Quế còn nuôi mấy đứa em chồng đang học đại học. Càng nghĩ Quế càng giận chồng và cảm thấy  khó thở...

 

Chồng về, Quế gào lên: “Anh quá đáng vừa thôi, lấy tiền của người ta làm lụng vất vả để đưa cho bố mẹ mình, mà toàn giấu tôi. Cháy nhà mới ra mặt chuột”. Anh chồng bị vợ mắng, phản ứng tức thì: “Tôi cho bố mẹ chứ cho gái đâu mà cô gào lên. Tôi làm gì cũng phải báo cáo cô à? Cho rồi tôi kiếm lại trả cô nguyên vẹn, cô không phải lo”.

 

Cứ thế, lời qua tiếng lại, Quế quỵ dần. Khi chồng chị bế vợ vào đến bệnh viện, bác sĩ cho biết đã quá muộn để cứu cái thai.

 

Tình ngay lý gian

 

Anh Nguyễn Thế Hưng (quận 10, TPHCM) lại kiểm soát vợ qua nick yahoo chat. Cứ lúc nào điện thoại mà thấy vợ không ngồi ở máy tính là Hưng lại đăng nhập bằng nick của vợ để kiểm tra.

 

Một lần, Hưng vừa mở chat ra thì thấy: “Lâu quá không gặp nàng. Đang buồn hay vui thế”. Hưng nóng mặt nhưng vẫn muốn biết rõ hơn quan hệ đến mức nào, nên chat lại: “Chồng em đi Singapore, chưa về, buồn lắm”. Nick kia chat lại: “Gặp anh là hết buồn. Đến chỗ anh đi”.

 

Hưng hỏi tiếp: “Ở đâu?”. Người kia nói: “Chỗ cũ”. Hưng lại gõ: “Thôi chỗ mới đi, em chán chỗ cũ”. Trả lời: “Uh, tùy nàng nhé, ở đâu cũng chiều”. Hưng đưa ra địa chỉ, hẹn ngày giờ rồi nói phải out vì có việc bận.

 

Đến chiều, Thủy, vợ Hưng đi làm về, Hưng hỏi vợ có biết nick “Anh Sunrise”. Thủy hờ hững nói đó là của một phóng viên ở Hà Nội, chưa bao giờ gặp. Thủy phụ trách PR nên năm ngoái có “add nick” để giao dịch. Nhưng sau vụ đó, không liên hệ nữa.

 

Hưng đùng đùng nổi giận, gạt ngay bát cơm Thủy cầm trên tay, rơi vỡ choang xuống nền nhà: “Cô đừng có dối trá. Cô và nó thường xuyên hẹn hò”. Thủy bị đổ oan, cũng không kiềm chế được, đứng dậy xô cái ghế, đổ vào chân Hưng. Cơn ghen và cái chân đau làm Hưng không còn giữ được bình tĩnh, bắt đầu những lời thóa mạ vợ.

 

Thủy bỏ về nhà mẹ. Ngày hôm sau, Hưng đến chỗ hẹn nhưng không gặp được “tình địch”. Tuy thế, anh vẫn không tin Thủy vô tội mà nghĩ hai người đã điện thoại với nhau để người kia đừng đến. Hưng đến tận công ty vợ, hỏi hết người này đến người kia về anh chàng nọ.

 

Thủy phải nhờ chị gái của Hưng đang công tác ở Hà Nội đến tận nơi gặp anh phóng viên kia. Hưng chỉ thôi không truy xét khi chính chị gái Hưng cho biết đúng là anh chàng kia ở Hà Nội và chưa từng gặp Thủy. Thấy Hưng chat thế thì tưởng Thủy đùa nên cũng đùa lại chứ không biết đang gặp ông chồng hay ghen.

 

Nhưng qua chuyện này, Thủy không chấp nhận hành động xâm phạm tự do cá nhân của Hưng, mà hậu quả là Thủy bị coi thường, xấu hổ với cơ quan, đồng nghiệp và cả đối tác chỉ vì một ông chồng ghen tuông vô lối. Cô làm đơn xin ly hôn.

 

Theo TS Đinh Phương Duy, Hội Tâm lý Giáo dục TPHCM: “Đừng nên nghĩ rằng đã là vợ chồng thì mọi thứ đều “mở toang”. Hãy biết tôn trọng những sự riêng tư của nhau. Kiểm soát điện thoại, tin nhắn là hành động thể hiện sự thiếu tin tưởng, không tôn trọng người bạn đời, dễ để người bị kiểm soát có cảm giác bị xúc phạm.

 

Cuộc sống xã hội hiện nay có nhiều mối quan hệ mà mỗi người đều phải duy trì nó để sống, làm việc và tin nhắn là một phần của sự kết nối. Các cặp vợ chồng cần hiểu, lấy nhau không phải để bị kiểm soát mà là để được sống hạnh phúc”. 

 

 

 Theo Người Lao Động