Sống thử: Phép toán đúng hay sai phụ thuộc vào người làm và cách làm

Đỗ Trang

(Dân trí) - Sống thử - từ ngữ chẳng còn mới với giới trẻ ở Việt Nam, một cách sống đã và đang dần dần được chấp nhận như một chuyện hết sức bình thường.

Với quan điểm sống ngày càng tự do, phóng khoáng, cháy hết mình và thoải mái thể hiện cảm xúc, nhiều người trẻ đã lựa chọn sống thử như một phương pháp trải nghiệm, tự do bên nhau mà không cần bất cứ sự công nhận nào từ pháp luật.

Nếu có những hiểu biết đầy đủ, sống thử là để thực sự tìm một nửa phù hợp với mình, còn nếu không, nó chỉ là một biến tướng của việc lạm dụng tự do.

Sống thử là khái niệm không còn xa lạ đối với giới trẻ ngày nay, khi hai người sống chung với nhau như vợ chồng mà không bị ràng buộc về mặt pháp lý. Ở các quốc gia phương Tây, đây là lựa chọn thoải mái của người trẻ, và ở Việt Nam, nó cũng đang dần phổ biến. Tuy nhiên, những hệ lụy của sống thử nên được xem xét và cần có phương pháp giải quyết phù hợp.

Lợi ích của sống thử lành mạnh

Có rất nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn tới lối sống này. Đối với nhiều cặp, sống thử tạo điều kiện để hai người hiểu nhau hơn, làm quen với những thói quen trong sinh hoạt của đối phương từ đó dễ dàng thích nghi, tạo tiền đề cho một cuộc hôn nhân lâu dài.

Đang sống thử trước khi quyết định kết hôn chị Diệu Huyền chia sẻ:

"Việc sống thử sẽ có nhiều thời gian bên cạnh nhau hơn, có thời gian làm cùng với nhau nhiều việc hơn ví dụ như cùng ăn uống nấu nướng dọn dẹp, từ đó tình cảm cũng đi lên hơn. Biết được cách người ta sống như thế nào để mình thích nghi và hiểu hơn về người ta. Những lần hẹn hò bình thường chưa đủ để mình hiểu hết con người ta như thế nào nhưng mà khi sống thử thì mình sẽ hiểu hơn về lối sống, suy nghĩ, cách nói chuyện. Và điều quan trọng là vấn đề về tài chính cũng được rõ ràng hơn.

Việc sống thử cũng là cách để xem mình có hợp với người ta không. Bởi vì khi sống thử sẽ nhận biết được nhiều tật xấu của nhau để kiểm tra xem mình có thích nghi được không, mình có sống được với người ta không.

Khi được sống thử với nhau sẽ có cảm giác hạnh phúc hơn, những lúc mình stress hay có nhiều tâm sự thì có người ta ở bên động viên mình cũng giảm bớt căng thẳng hơn".

Sống thử: Phép toán đúng hay sai phụ thuộc vào người làm và cách làm - 1

Sống thử giúp bạn giải tỏa stress tốt hơn khi luôn có người ở bên động viên, chia sẻ (Ảnh minh họa: Đỗ Trang).

Sống thử giúp các cặp đôi kiểm tra sự tâm đầu ý hợp. Hôn nhân là hạnh phúc của cả một đời người, việc sống thử cũng là một phép thử để tìm hiểu về người bạn đời. Đây sẽ là giai đoạn để nhận biết về mối quan hệ này có thể bước tiếp dài lâu hay không.

Nói về trải nghiệm sống thử của bản thân, bạn Hạ Thu (Hà Nội) chia sẻ:

"Thực sự khoảng thời gian đầu với mình thì thấy rất vui, được ở cạnh nhau cả ngày, trò chuyện và chia sẻ với nhau về mọi thứ, có nhiều thời gian bên cạnh nhau, cảm giác được sống như một cặp vợ chồng thật. Ngoài ra tụi mình cũng học cách quản lý tiền bạc tốt hơn, số tiền kiếm được của cả hai được tụi mình chia thành 2 phần, một phần để tiết kiệm và phần còn lại thì để sắm sửa và mua đồ dùng hàng ngày".

Tuy nhiên chỉ sau một khoảng thời gian ngắn sống chung mọi thứ đã không như tưởng tượng và cả hai đã quyết định chia tay. Theo Thu, sống thử đã giúp cả hai hiểu ra là họ không dành cho nhau.

Sống thử còn giúp các cặp đôi làm quen dần với việc chia sẻ kinh tế, đầu tư chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày. Việc này là vô cùng quan trọng, nhất là đối với những cặp đôi hy vọng tiến tới hôn nhân. Bởi lẽ, việc chia sẻ kinh tế với một người khác không hề đơn giản như khi bạn bỏ tiền ra để mua quà cho đối phương, trả tiền cho một buổi hẹn hò.

Sống thử: Phép toán đúng hay sai phụ thuộc vào người làm và cách làm - 2

Sống thử còn giúp các cặp đôi làm quen dần với việc chia sẻ kinh tế, đầu tư chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày (Ảnh minh họa: Đỗ Trang).

Cũng đã trải qua quãng thời gian sống thử trước hôn nhân, anh Đỗ Văn Tấn (Đà Nẵng) chia sẻ:

"Không biết trường hợp khác thế nào nhưng mình với vợ mình lúc trước cũng sống thử, từ 2011 - 2016. 2016 cưới đến giờ 2021 rồi vẫn hạnh phúc. Gọi là sống thử nhưng từ ban đầu đã xác định đến với nhau, mình nghĩ yếu tố này quyết định tất cả, và cộng thêm một chút may mắn, một chút nỗ lực từ 2 phía. Nói thật cả 2 vợ chồng đều có ưu và nhược điểm, và thật sự những ưu nhược này nó bù trừ. Kết quả là mình học được những ưu điểm của vợ và ngược lại. Cho nên mình nghĩ cũng còn tùy trường hợp. Nếu đã không hợp nhau từ đầu thì có sống thật cũng chẳng đi tới đâu".

Lợi bất cập hại - Hệ lụy của sống thử

Sau khi sống thử hai người tiến tới hôn nhân là một tiền đề tốt cho hạnh phúc sau này, còn nếu không may mắn, không hợp nhau thì không phải tất cả đều có thể chia tay trong êm đẹp và tìm một đối tượng phù hợp hơn như trường hợp của bạn Hạ Thu.

Quan điểm của bạn Nguyễn Phương Trang, sinh viên năm 2 Đại học Hà Nội về sống thử: "Mình không ủng hộ việc sống thử, đặc biệt là ở lứa tuổi sinh viên. Nếu sau này về được chung một nhà thì không sao, nhưng nếu đường ai nấy đi thì tâm lý của hai đứa có thể sẽ bị ảnh hưởng khi đối diện với những mối quan hệ tiếp theo. Đấy là chưa kể đến việc chẳng may bạn nữ có thai, nếu muốn giữ thì gần như sẽ quyết định bảo lưu việc học. Còn nếu phá thai thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý và khả năng sinh sản sau này".

Sống thử: Phép toán đúng hay sai phụ thuộc vào người làm và cách làm - 3

Sau này về được chung một nhà thì không sao, nhưng nếu đường ai nấy đi thì tâm lý của hai đứa có thể sẽ bị ảnh hưởng (Ảnh: Đỗ Trang).

Việc sống thử có thể dẫn đến 2 trường hợp, có thể đi đến kết thúc tốt đẹp nhưng cũng có những cặp đôi phải chia tay trong khoảng thời gian sống thử bằng nhiều lý do khác nhau.

Những cú sốc sau chia tay, ảnh hưởng tâm lý, khó mở lòng với những mối quan hệ tiếp theo, người mới khó chấp nhận việc bạn trai/gái mình từng sống chung như vợ chồng với người khác, mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai dẫn đến ảnh hưởng về sức khỏe... là những hệ lụy bạn trẻ có thể phải đối mặt sau này.