Sóng ngầm

Ẩn sau những cuộc ly hôn hòa nhã, nhẹ nhàng trước tòa án có khi là cơn sóng ngầm tình cảm dồn nén chỉ trực bùng lên dữ dội. Cha mẹ chia tay, con cái đã quá thiệt thòi. Có nên để các con tổn thương thêm chỉ vì sự thù ghét lẫn nhau của người lớn?

Trước đây, nhiều vụ hoà giải hay xét xử ly hôn ở toà án thường bùng nổ với những trận cãi vã, đổ lỗi, thậm chí thoá mạ nhau của hai vợ chồng để giành phần phải về mình. Gần đây, hình ảnh đó đã được thay thế bằng cách cư xử hòa nhã, nhẹ nhàng hơn.

 

“Một phần do trình độ văn hóa, nhận thức pháp luật của người dân ngày càng được nâng lên, nhưng phần khác, ẩn sau cách cư xử văn minh đó là cơn sóng ngầm rất dữ dội”, bà Nguyễn Ngọc Ánh, phó chánh án tòa án quận Gò Vấp, TP HCM lý giải.

 

Như trường hợp anh Phi, chị Phượng là một ví dụ. Tháng 4, vợ chồng anh chị nộp đơn ly hôn ra tòa án nhân dân Gò Vấp chỉ với vỏn vẹn lý do “không phù hợp quan điểm sống”.

 

Tòa mời hai bên lên hòa giải. Anh chị ngồi đối mặt nhau, chẳng có vẻ căng thẳng hay buồn rầu, chỉ ôn tồn “chúng tôi chung sống 6 năm nhưng không hợp tính, mong tòa cho ly hôn sớm”.

 

Tuyệt nhiên, hai người không kể thêm mâu thuẫn và đổ lỗi cho nhau, cũng chẳng tranh giành tài sản, con cái. Anh chị tự thỏa thuận: căn nhà nhỏ ở gần chợ Hạnh Đông Tây, hai chiếc xe cùng vật dụng trong nhà chia đôi, còn cô con gái 4 tuổi thì chị Phương nuôi.

 

Sau vài buổi hòa giải không thành, anh chị được chấp thuận ly hôn. Hai người nhanh tay ký vào biên bản. Anh Phi quay sang dặn chị Phượng: “Mẹ con em ráng giữ gìn sức khỏe, nhớ ăn uống điều độ, đừng bỏ bữa kẻo bệnh”. Chị Phượng chỉ ậm ừ.

 

Anh lại tiếp: “Em cố gắng giải thích cho con hiểu sự vắng mặt của anh, tránh làm tổn thương cho con. Anh sẽ thường xuyên qua thăm hai mẹ con và chu cấp tiền bạc đầy đủ...”.

 

Anh Phi chưa dứt câu, mọi người bỗng bất ngờ bởi tiếng gào của chị Phượng: “Thôi đủ rồi, đừng giả nhân giả nghĩa, bày trò mèo khóc chuột. Nghe cảm động quá. Tôi đi công tác, ai bày trò dắt gái về nhà hú hí để con nhìn thấy? Tôi đã quá ngán ngẩm khi phải nhắc đến cuộc sống chung với anh nên không muốn kể với tòa”.

 

Anh Phi trả đũa: “Cô tưởng cô tốt à? Đàn bà gì suốt ngày nhong nhong ngoài đường, hết công tác tỉnh này đến tỉnh khác, có vợ mà cũng như không!”. Cơn sóng ngầm của anh chị trào lên và chỉ chịu lắng xuống khi bảo vệ “hộ tống” chị Phượng ra ngoài.

 

Tương tự, sau 3 năm chung sống, vợ chồng anh Hoàng Khánh, giám đốc một công ty lữ hành và chị Thu Hương, kế toán công ty cũng ly hôn với lý do không hòa hợp.

 

Họ nói với tòa là cả hai cảm thấy mệt mỏi vì phải tranh cãi và muốn chia tay nhưng vẫn xem nhau là bạn bè. Ít ai biết, họ đã thỏa thuận về cách chia tay trong hòa bình như thế. Nhưng thực chất, chị Hương giận anh Khánh bạc bẽo nên muốn mọi thứ phải chia đôi, kể cả chiếc quạt bàn.

 

Anh thì rằng chị là người tính toán nên quyết không chịu thiệt. Thậm chí, anh còn buộc chị thối lại phần dư 500.000 vì chiếc nhẫn cưới của chị có gắn hột xoàn, đắt tiền hơn nhẫn cưới của anh.

 

Con cái lãnh đủ

 

Như trường hợp chị Phượng, chia tay với anh Phi trong sự căm giận, khinh bỉ nên chị đã bơm vào tâm hồn trong trắng của bé Na, con gái anh chị, hình ảnh không tốt về cha như: ham ăn, ham nhậu, mê gái... và dọa nếu con bé đến gần ba sẽ bị bắt cóc đem bán để lấy tiền nhậu. Chưa hết, chị còn phong tỏa không cho anh Phi tiếp cận bé Na.

 

Anh Phi biết con gái sống với mẹ tốt hơn nên không giành nuôi con nhưng chị Phượng lại nghĩ anh thoái thác trách nhiệm. Bị con xa lánh, anh rất đau đớn và giận vợ. “Người lớn ghét nhau sao lại hành con trẻ”, anh tâm sự.

 

Với những trường hợp này, con trẻ không những không nhận được sự quan tâm của cha mẹ, mà còn bị họ lôi kéo về phía mình, hoặc phải nghe họ nói xấu nhau.

 

Đáng sợ hơn là khi con cái bị kéo vào cuộc bằng hành động cực đoan và bất hiếu, như trường hợp của em Thanh Nam, 15 tuổi, con bà Hoài Thanh, giáo viên, và ông Đức Minh, nhân viên ngành Thuế ở TP HCM.

 

Ở tuổi gần 60, vợ chồng ông bà Thanh đưa nhau ra tòa với vẻ ngoài rất bình thản và nhín nhường nhau. Nhưng đến lần hòa giải thứ 3, cơn sóng ngầm mâu thuẫn giữa họ bùng lên dữ dội.

 

Lý do ly hôn “không hợp nhau”, được ông Minh thay bằng lời kể tội vợ “bà ấy đã dọn ra ở riêng 2 năm, gom theo đồ đạc làm cha con tôi sống rất khó khăn”. Bà Thanh thì tức tưởi “ông ấy là người chồng độc đoán, gia trưởng và bần tiện. Tôi không thể chịu nổi mới dọn đi, chỉ muốn được ly hôn để yên thân”.

 

Để sớm được tòa giải quyết cho ly hôn và giành lợi thế trong việc phân chia hai căn nhà, ông Minh gửi cho tòa một lá thư kể lỗi vợ dài 3 trang A4, một tờ di chúc với nội dung để hết tài sản cho con và đặc biệt là lá đơn “xin từ mẹ” của cậu bé Nam, con họ.

 

Thẩm phán Nguyễn Ngọc Ánh cho rằng, nhiều cặp vợ chồng ly hôn ngụy trang vẻ văn minh chẳng phải vì tôn trọng nhau mà đã hết tình, cạn nghĩa, không muốn nhắc lại thời gian chung sống. Kết cục, con cái là người lãnh hậu quả.

 

Theo bà, khi ly hôn và hậu ly hôn nếu vợ chồng hành xử hòa nhã, văn minh thật sự thì không chỉ tránh được tổn thương cho con mình mà còn để lại tấm gương tốt cho con cái.

 

Những đứa trẻ đó sẽ luôn cảm nhận được sự chăm sóc, dạy dỗ của cha và mẹ, dù không trọn vẹn. Đừng để con phải sống trong bầu không khí hận thù của những người đã sinh thành.

 

Theo Phụ nữ