Sai lầm khi nuôi con khiến cha mẹ hối hận

Không có một quy chuẩn nào trong cách nuôi dạy con, tuy nhiên, chính những thói quen của bố mẹ lại định hình rõ tính cách của con trẻ và ảnh hưởng đến tương lai trẻ.

Trời rét, mặc quần áo cho trẻ quá dày vì sợ bé lạnh

Cha mẹ luôn sợ con rét nên khi trời hơi lạnh là đúc cho con rất nhiều quần áo. Tuy nhiên, đôi khi cái lạnh thích hợp có thể cải thiện khả năng miễn dịch của con người. Bạn có biết rằng những người thường xuyên bơi vào mùa đông thường có sức khỏe tốt hơn. Điều này cũng có thể áp dụng cho trẻ em.

Khi thời tiết chuyển lạnh, bạn không cần cho trẻ mặc quá dày, hãy đảm bảo đủ ấm, vừa đủ ấm, tuyệt đối không nên để trẻ ra mồ hôi, dễ bị ngấm ngược.

Bạn hãy mặc quần áo vừa phải để trẻ rèn luyện khả năng chống lạnh, để trẻ nhanh chóng thích ứng với sự thay đổi nhiệt độ trong nhà và ngoài trời, nhờ đó khả năng miễn dịch của bé cũng được nâng cao, bé không bị cảm.

Sai lầm khi nuôi con khiến cha mẹ hối hận - 1

Ảnh minh họa.

Cho trẻ uống thuốc khi có dấu hiệu bệnh nhẹ

Khi trẻ chỉ hơi ho, sốt nhẹ, nhiều mẹ đã vội vàng cho con uống thuốc ''để dập dịch sớm''. Nhưng đây là cách chăm con phản tác dụng. Cơ thể con người có khả năng chống lại bệnh tật ở một mức độ nhất định.

Khi trẻ bị vi trùng, vi khuẩn tấn công, cơ thể trẻ sẽ phản ứng tương ứng để chống lại những vi trùng, vi khuẩn này. Cha mẹ cần hiểu rõ thể trạng của con để có những quyết định đúng đắn. Việc lạm dụng thuốc vừa gây hại cho con vừa làm tăng nguy cơ kháng thuốc.

Đối với một số bệnh, trẻ thực sự có thể tự chữa khỏi mà không cần dùng thuốc. Nếu trẻ có một số biểu hiện bệnh nhẹ, bạn đã cho bé uống thuốc, hệ miễn dịch của bé sẽ suy giảm. Và nhớ rằng, nếu trẻ ốm, hãy đưa trẻ tới gặp bác sĩ, không tùy tiện mua thuốc linh tinh cho bé uống. Đã có rất nhiều bài học đắt giá cho việc này.

Nghe lời thiên hạ

Chăm sóc, giáo dục con cháu trong gia đình luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc ông bà, cha mẹ. Tuy nhiên, mỗi thế hệ lại có quan điểm và cách thức khác nhau trong việc nuôi, dạy trẻ. Chăm sóc, giáo dục theo phương pháp truyền thống hay hiện đại luôn là câu hỏi khó trong mỗi gia đình. Xã hội vẫn luôn xem trọng những gia đình nhiều thế hệ. Trong đó, kinh nghiệm sống của ông bà là điều quý giá để duy trì các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt. Tuy nhiên, để lựa chọn được những kinh nghiệm quý báu, kết hợp với kiến thức khoa học mới, đúng đắn thì cần có sự lắng nghe, tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên. Bởi mục tiêu chung vẫn là xây dựng gia đình đầm ấm, tạo môi trường phát triển tốt nhất cho con trẻ.

Với những ai lần đầu làm mẹ thì thật sự lời khuyên của những bậc tiền bối là vô cùng hữu ích. Khi các mẹ suốt ngày phân vân không biết làm như thế này đã đúng chưa? Hay xử lý thế nào khi con biếng ăn, hay quấy khóc? Và các mẹ hồ hởi khi thiên hạ nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, áp dụng hết cách này đến cách khác mà đâu vẫn hoàn đấy. Điều tốt nhất là các mẹ hãy làm theo trực giác của chính mình, lời khuyên thì hữu ích thật nhưng quyết định của mẹ là quan trọng nhất và chỉ có mẹ mới thật sự hiểu bé muốn gì và cần gì.

Mong đợi sự hoàn hảo

Điều này là khá bình thường vì cha mẹ luôn hy vọng những điều tốt nhất và mong đợi nhiều hơn từ con cái. Tuy nhiên, kỳ vọng quá cao có thể gây ra nhiều vấn đề. Chúng ta cần nhận thức rằng trẻ em không thể làm hoàn hảo mọi thứ chúng làm. Do vậy, thay vì thúc đẩy trẻ tốt hơn những người khác, cha mẹ nên tập trung vào thành tích và giúp trẻ cái thiện các kỹ năng.

Làm thay những việc mà trẻ có thể tự làm

Để trẻ tự làm mọi việc chúng có thể làm là cách giúp trẻ trở thành những người độc lập và quyết đoán. Nếu bạn là cha mẹ luôn làm rất nhiều cho con, các chuyên gia khuyên nên thử bằng cách hãy viết ra những điều cha mẹ đã làm cho con trong một tuần.

Sau đó, tìm ra những điều trẻ có thể tự mình làm và cha mẹ ngừng làm điều đó. Khoanh tròn những điều mà trẻ có thể làm một phần và cha mẹ để chúng làm phần đó. Tiếp tục giúp con với những việc khó còn lại.

Tạo cho trẻ cảm giác mình "đáng thương"

Con mới é lên một tiếng, cha mẹ lao ngay ra, "mẹ thương, bố thương", làm cho trẻ cảm thấy mình thật đáng thương. Trẻ sơ sinh chưa hiểu gì về ý nghĩa của ngôn từ. Nhưng nó cảm nhận sự cuống quýt của cha mẹ khi nó kêu gào. Chính điều này khiến trẻ hình thành tâm lý thích "gây chuyện" để cha mẹ vỗ về. Đây là tiền đề cho tính ăn vạ sau này.