Rể tây trong Tết Việt
Có chàng rể Tây đi lễ cùng gia đình vợ đã khấn bằng tiếng Anh vì tin rằng “các vị thần cũng có phiên dịch”.
Tết Tân Mão là cái tết thứ 5 trong 8 năm sống và làm việc tại Việt Nam của chàng rể người Anh - Adam (TT Tiếng Anh ACET). “Đã có kinh nghiệm 3 năm ở Việt Nam nhưng khi thành một chàng rể Việt, mình phải học rất nhiều điều. Đặc biệt là văn hóa truyền thống trong gia đình” - Adam tâm sự.
Chọn ngày tổ chức lễ cưới cũng là một trong những kỷ niệm đáng nhớ ghi dấu ấn đặc biệt trong hành trình của chàng rể Tây.
“Ở Việt Nam thì ngày ăn hỏi, kết hôn là những ngày đặc biệt nên các gia đình thường rất kỹ tính trong việc chọn ngày. Nhà vợ tôi cũng không ngoại lệ. Gia đình, họ hàng của tôi ở bên Anh tất cả đều rất muốn sang dự lễ cưới đặc biệt này nhưng cứ ngày nào nhà vợ báo sang thì mọi người lại không thể xin nghỉ làm. Chỉ vì chuyện chọn này mà vợ chồng tôi đã rất stress.
Vợ thì một mực “sống và làm việc theo thầy bói” hoặc “mẹ em bảo thế”, còn tôi vẫn không hiểu tại sao lại có ngày xấu và ngày đẹp. Thế nên, tính ra ngày ăn hỏi đến ngày kết hôn của vợ chồng tôi cách nhau đến 7 tháng”.
Tâm sự về ngày cưới của anh chị cách đây gần 5 năm, chị Oanh cũng chia sẻ: “Chọn mãi cũng được một ngày mà cả gia đình nhà chồng thu xếp để cùng sang Việt Nam. Họ rất hào hứng và thích thú khi có dịp được chứng kiến một đám cưới truyền thống của người Việt. Thế nên Adam nhất định đòi tổ chức đám cưới tại nhà. Khổ nỗi nhà thì chật nên phải mượn đến 3 nhà hàng xóm mới đủ để tổ chức”.
“Nhưng nhớ nhất lúc đi đón dâu. Theo tục lệ là mẹ chồng không được đi đón con dâu. Nghe tôi nói vậy mặt mẹ chồng buồn thiu và hỏi: Thế mẹ không được dự đám cưới của con à? Nhìn thương quá nên mình tặc lưỡi: Sau này mà có chuyện gì là tại mẹ đấy!” - chị kể thêm.
Quen nhau và đã tổ chức lễ kết hôn tại Pháp trong thời gian đi du học, vì vậy lễ cưới tại Việt Nam của chị Minh Thúy và anh Alex dẫu chỉ là lễ “lại mặt” nhưng vẫn được tổ chức rất hoành tráng.
Được mặc áo the, khăn xếp sánh đôi cùng vợ trong tà áo dài Alex tỏ ra rất thích thú. Nhưng đến khi cử hành lễ cúng gia tiên, do không có trong giáo án nên khi thấy vợ cúi lạy trước bàn thờ, chàng rể Tây loay hoay không biết phải làm sao rồi cứ thế chắp tay, nhắm mắt cúi lạy liên tục mà không hiểu gì. Đến khi thấy vợ kéo áo bảo thôi anh vẫn còn chắp tay ngơ ngác cúi cúi gật gật.
Còn với chàng rể Philip (Mỹ) lần đầu được đưa về Thái Bình ra mắt, họ hàng ai cũng đến hỏi thăm vì chẳng dễ gì làng có được chàng rể Tây.
Nghe vợ giới thiệu người này là bác, đây là cô, kia là chị thì Philip cũng chỉ biết cười. Đến khi nghe bác hỏi lưỡi anh cứ líu lại hết “thưa cô” “thưa bác” rồi lại “à không thưa chị”… làm cả nhà không ai nhịn được cười với chàng rể quý.
“Tết - numberone”
Nghe nhắc đến Tết, giọng Adam hồ hởi: “Tôi đã khám phá được rất nhiều điều thú vị trong Tết ta kể từ khi được làm rể Việt”.
Như chứng minh cho lời chồng nói, chị Oanh chia sẻ: “Đón cái Tết đầu tiên cùng gia đình nhà vợ, thứ gì cũng lạ lẫm nhưng Adam đã làm quen rất nhanh. Đặc biệt mẹ và các chị tôi rất phục về khả năng đi lễ chùa của anh ấy”.
Rồi chị kể thêm: “Năm đầu tiên, anh ấy hăm hở đi lễ cùng cả nhà. Mình đưa cho một tập tiền 200 đồng bảo vào lễ rồi để lại từng bàn. Anh chàng cũng đi đến từng bàn, từng bệ để tiền rồi lại quỳ xuống khấn vái rất thành tâm làm cho tất cả mọi người đi lễ tại chùa hôm ấy đều rất tò mò và xì xào bàn tán. Tôi cũng thấy ngạc nhiên. Hỏi ra anh bảo: Anh khấn cho gia đình 2 bên mạnh khỏe. Nhưng anh có biết tiếng Việt đâu mà khấn. Mặt tỉnh khô anh thản nhiên: Thì anh khấn bằng tiếng Anh mà. Mình cười rũ bảo: Thế nhưng các vị thần nước em chưa biết tiếng Anh đâu? Đến lúc này mặt anh ngớ ra: Anh hy vọng là họ có… phiên dịch”.
Còn với chị Hằng (quận Hai Bà Trưng - Hà Nội), tục kiêng của người Bắc ban đầu cũng làm cho chàng Tây của chị rất khó chịu. “Ngày đầu tiên thấy vợ quét nhà dồn vào một góc anh không thích và phàn nàn là bẩn là không vệ sinh. Dù có giải thích cho anh về tập tục này nhưng đến ngày thứ 2 tôi vẫn thấy anh rất khó chịu.
Đến ngày thứ 3 sau khi được dẫn đi rất nhiều nhà họ hàng, đến nhà ai tôi cũng chỉ cho anh thấy “lộc” ở góc nhà anh mới như hiểu ra. Từ đấy trong 3 ngày đầu năm, anh luôn giữ việc quét nhà. Lúc nào cầm chổi anh cũng bảo: “Đón lộc đón lộc đầu năm”.
Gia đình nhà bà Nguyễn Thị Hồng (phố Hoàng Hoa Thám) cũng đã có những nụ cười vui vẻ đầu năm từ cậu rể Tây người Pháp trong lần đầu tiên anh về lễ nhà vợ. Đi đâu anh cũng luôn miệng “Chúc mừng năm mới” rồi hăm hở đi “phát” lì xì cho từng người.
Nhưng khổ nỗi anh chàng không phân biệt được ai thì gọi là “mừng thọ”, “mừng tuổi” rồi “lì xì” thành ra sau lời “Chúc mừng năm mới”, anh buông luôn một câu: “lì xì này” với cả bố mẹ vợ.
Năm mới đầu tiên làm rể Việt của Philip cũng mang đến cho anh những cảm nhận rất lạ. Đi chúc Tết họ hàng cùng vợ đến đâu anh cũng được mời cơm. Ai cũng ưu tiên gắp cho anh những miếng thịt gà rất ngon. Nhưng anh lại thực sự thấy rất khó chịu vì điều đó.
Anh bảo: “Ở Mỹ nếu có ai đó đưa vào bát ăn của mình như vậy là thiếu tôn trọng. Nhưng rồi sau được vợ giải thích tôi mới hiểu rằng hóa ra ai cũng quý mình mà. Tôi thực sự thấy vui vì điều đó”.
Và trên một diễn đàn, một thành viên cũng chia sẻ: “Đến bây giờ, sau 3 cái Tết ở Việt Nam, mỗi khi thấy vợ mệt mỏi vì chuẩn bị Tết mà kêu lên “Tết nhất” anh vẫn luôn giơ tay và cười thật tươi: “Đúng rồi tết - numberone. Cảm nhận được sự háo hức về Tết, về năm mới của một người nước ngoài như anh mình lại thấy “vui như Tết”.
Có Tết ông Công ông Táo, phải thức đến 12h để đón giao thừa cùng gia đình, đi lễ chùa đầu năm, đi thăm họ hàng và đón tiếp họ hàng đến nhà, khi đi chúc Tết phải nói “Chúc mừng năm mới” và mừng tuổi cho người già và trẻ em… là tất cả những điều mà những rể Tây đều phải học.
Lạ lẫm và đầy bỡ ngỡ từ sự khác biệt về văn hóa, nhưng những chàng rể Tây đã cố gắng quen để làm một chàng rể tốt, chằng kém gì rể ta.
Theo Hồng Khanh
VietnamNet