Quanh chuyện kết hôn vì tình hay tiền

(Dân trí) - Câu hỏi quen thuộc này hiện đang mang một ý nghĩa mới đối với giới trẻ Trung Quốc trong nền văn hóa đậm chất tiêu dùng ngày nay. Một bài viết với tựa đề “Bạn sẽ kết hôn với một người không có nhà, không có xe hơi?” trên diễn đàn nổi tiếng Trung Quốc Tianya đã châm ngòi cho một cuộc tranh cãi nóng bỏng.

Bài viết được gửi từ tháng 10/2006, với hơn 18.000 lượt khách ghé thăm cùng hơn 500 câu trả lời chỉ trong vòng 2 ngày.

 

“Đó là một tình thế vô cùng khó khăn. Nếu bạn kết hôn vì tiền, bạn sẽ cảm thấy như đang bán chính mình. Nếu bạn kết hôn vì tình yêu, trong 5 hay 10 năm, bạn sẽ nhận ra tình yêu không trả được tiền nhà, tiền điện thoại, tiền gas hay hóa đơn tiền điện của bạn” - Marsha Zhao, nhân viên thông tin một công ty nước ngoài tại Bắc Kinh nói.

 

Zhao, mới kết hôn, thề rằng cuộc hôn nhân của cô là kết quả của tình yêu thuần túy.

 

“Hãy nghĩ về điều này”, cô nói. “Chồng tôi có ít hơn tôi về mọi thứ. Về học vấn, anh ấy có bằng cử nhân, tôi có bằng thạc sĩ. Anh ấy kiếm tiền ít hơn tôi nhiều. Thậm chí anh ấy không có hộ khẩu lâu dài ở Bắc Kinh. Bạn biết bố mẹ bạn quan tâm đến điều đó nhiều như thế nào rồi phải không?”

 

Kiếm được 100.000 nhân dân tệ (hơn 200 triệu VNĐ), cao hơn 50% so với hầu hết những người cùng lứa đang làm phóng viên, cô gái 25 tuổi này cho biết mua nhà hay có con không phải là ưu tiên trong lịch trình của họ.

 

“Chúng tôi muốn có căn hộ riêng nhưng giá cả quá cao. Chúng tôi không thể đủ tiền mua”. Cặp vợ chồng trẻ hiện đang sống trong căn hộ do bố mẹ Zhao cung cấp.

 

Trong số 10.050 phụ nữ tham gia cuộc điều tra, 47,4% nghĩ rằng nam giới không có ôtô thì vẫn ổn, nhưng không có nhà khi kết hôn thì không chấp nhận được, trong khi 39,3% trong số 8.962 nam giới được hỏi đồng ý.

 

7% phụ nữ cho rằng họ sẽ không tính đến việc kết hôn với người không có nhà hoặc xe hơi, và 11% nam giới cho rằng họ sẽ không cầu hôn với bạn gái của họ nếu họ không có ôtô hay nhà.

Để cuộc hôn nhân vì tình

yêu này sang một bên, có một cuộc điều tra trực tuyến được thực hiện gần đây bởi trung tâm điều tra của tờ Nhật báo thanh niên Trung Quốc tại Bắc Kinh cho biết hôn nhân thực sự có giá của nó.

 

Theo ông Fang Yihan, biên tập viên của trung tâm này: 58,8% nam giới và 51,6% nữ giới tin rằng có “giá khởi điểm” trong hôn nhân.

 

Một lời tuyên bố điển hình cho một trong nhiều quan điểm là, “Tôi thà khóc trong một chiếc ôtô còn hơn là mỉm cười từ ghế sau của một chiếc xe đạp.”

 

Olivia Jiang, 25 tuổi, hiện vẫn đang tìm kiếm ý trung nhân của mình. Ý trung nhân, theo cô, là người có thể kết hợp hoàn hảo tình yêu và giàu có.

 

“Tôi không bận tâm lắm về việc anh ta có nhà hay xe hơi, nhưng anh ấy phải có tiền. Dù bạn có yêu nhau sâu đậm bao nhiều”, cô nói, “cuộc hôn nhân chẳng sớm thì muộn cũng sẽ bị hủy hoại bởi những khó khăn về tài chính”.

 

Hiện đang làm việc cho một công ty tư vấn quốc tế tại thủ đô Bắc Kinh, Jiang nhận thấy lương tháng 7.000 NDT (14 triệu VNĐ) thật khó có thể đáp ứng nhu cầu của cô. Cô muốn mua một đôi giày cô vẫn ao ước, nhưng cô sẽ phải chờ cho tới khi đôi giày được bán hạ giá. “Dù vậy, khi đó đôi giày vẫn có giá hơn 1.000 NDT (hơn 2 triệu VNĐ)”, Jiang nói.

 

Đối với Jiang, người chồng lý tưởng của cô phải kiếm được ít nhất 100.000 NDT (hơn 200 triệu VNĐ) một tháng. Như vậy họ sẽ không phải lo lắng về tiền thế chấp, xe hơi hay chi phí nuôi con khi bắt đầu một gia đình.

 

Một số người cho rằng giới trẻ ngày nay, đặc biệt là phụ nữ, đang bị điều khiển bởi sự giàu có vật chất, vì vậy dường như trở nên hám lợi.

 

Nhưng ông Wu Ran, một giám đốc sân khấu, nghĩ rằng việc một phụ nữ muốn kết hôn với một người đàn ông có nhà, có xe hơi là bình thường và chính đáng. “Bạn không phải sở hữu một biệt thự hay một chiếc BMW”, ông Wu nói, “nhưng xe hơi và nhà cho thấy tình trạng ổn định của một người đàn ông”.

 

Trong vở kịch Lối sống phong cách D mà ông Wu đạo diễn mới đây có nhân vật một chàng trai trẻ mua một căn hộ trong một khu phố xa hoa và bí mật làm hai việc để chi trả tiền thế chấp.

 

Nhân vật nam này không nói với bạn gái anh ta sự thực vì sợ rằng cô ấy sẽ bỏ anh ta ngay khi biết rằng anh ta không phải người đàn ông giàu có mà cô ta muốn. “Rất nhiều cô gái giống như thế trong thế giới thực”, ông Wu nói, và cho biết thêm rằng “đối với tôi, việc có nhà có xe hơi là điều bắt buộc tuyệt đối trước khi tôi kết hôn. Tôi muốn mang lại cuộc sống ổn định cho bạn gái tôi”.

 

Ông Wu đưa ra quan điểm rằng những người kết hôn vì tình yêu hơn là vì tiền đang đầu tư tuổi trẻ của họ vào người chồng. Về cơ bản, họ không khác gì những người muốn kết hôn tiền.

 

Không giống một mối quan hệ yêu đương, một cuộc hôn nhân bao gồm hai loại quan hệ xã hội: vật chất và lý tưởng. Vì thế, “Sẽ là cần thiết và tự nhiên khi có những nhu cầu vật chất trước khi đi tới hôn nhân”, Wang Wei, phó Viện trưởng Viện hôn nhân và gia đình Bắc Kinh phát biểu.

 

Trong thực tế, những ham muốn vật chất luôn luôn tồn tại, biến đổi trong từng nhóm xã hội khác nhau và thời điểm khác nhau, ông nói.

 

Ví dụ như trong giai đoạn của cuộc Cách mạng văn hóa (1966-1976), thời kỳ lý tưởng nhất và cuồng tín nhất, nhiều phụ nữ tìm kiếm những người chồng tương lai có lai lịch chính trị tốt, có xe đạp, đồng hồ, máy khâu và radio - những điều kiện tiên quyết cho hôn nhân.

 

Ngày ấy, người ta cần tem hàng hóa để mua những thứ này, nên biến chúng thành biểu tượng của sức mạnh.

 

Mọi thứ đã thay đổi. “Bạn không thể mong chờ con cái bạn không nghĩ tới vật chất khi xã hội đang đầy những quảng cáo, và triết lý ‘không ăn trưa miễn phí’ đã thâm nhập vào đời sống xã hội của chúng ta”, Li Dun, nhà xã hội học thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc phát biểu.

 

Tháng 11/2006, Thượng Hải, nổi tiếng là thành phố vật chất nhất Trung Quốc, đã tổ chức một bữa tiệc “Thuyền tình” độc quyền đầu tiên của họ trong chuyến đi chơi biển “Thuyền trưởng số một” nhằm kết nối các nhà triệu phú trong nước với những phụ nữ giàu có, xinh đẹp.

 

Chi phí tham dự là 28.000 NDT (hơn 56 triệu VNĐ) để có cơ hội tìm người tình trong mơ. Bữa tiệc gặp mặt yêu cầu những người tham gia là nam phải có tài sản trị giá ít nhất 2 triệu NDT (hơn 4 tỷ VNĐ). Phụ nữ cần phải “đẹp và khêu gợi”.

 

“Tôi không thấy điều gì sai trái với việc này. Đó là một cuộc chơi công bằng, đàn ông và phụ nữ có được cái họ tìm kiếm. Thực sự, không có gì là miễn phí. Chỉ riêng lễ thành hôn đã làm bạn tiêu tốn hàng ngàn đô la Mỹ rồi”, cô Yang cho biết.

 

Ở tuổi 30, cô Yang đang tìm kiếm một người đàn ông lái chiếc Porsche. Những tính toán mới nhất từ Hiệp hội công nghiệp dịch vụ kết hôn Thượng Hải cho biết chi phí cưới bình quân ở Thượng Hải đạt mức 187.000 NDT (hơn 375 triệu VNĐ) trong năm 2006, cao hơn 271 lần so với những năm 1970.

 

Hầu hết tiền bạc được chi tiêu cho việc trang trí nhà cửa, mua các sản phẩm có thương hiệu, và cho tuần trăng mật. Chi phí đó chắc chắn sẽ làm sửng sốt bà Zou Junyuan, hiện sống tại Changsha, thủ phủ tỉnh Hoa Nam, miền Trung Trung Quốc.

 

Bà Zou, hiện 76 tuổi, vẫn nhớ đám cưới của bà “rất đơn giản”.

 

“Chúng tôi đứng trước bức ảnh của chủ tịch Mao Trạch Đông, trao nhau lời thề trước những người thân và bạn bè. Tiền phần lớn được dùng để mua giường, chăn và các vật dụng thiết yếu hàng ngày khác”.

 

Mặc dù người ta vẫn nghĩ rằng tiền sẽ không đảm bảo được hạnh phúc nhưng Bi Jinyi, một luật sư về ly dị và nhà tư vấn hôn nhân và mối quan hệ tại Bắc Kinh cho biết hầu hết các vụ ly dị mà bà đã giải quyết có liên quan tới các vấn đề tài chính.

 

Phước Đại

Theo ChinaDaily