Quá bảo vệ, lo lắng cho con, có thể bạn đã bị... rối loạn ám ảnh cưỡng chế
(Dân trí) - Có những bà mẹ bị mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế mà không hề hay biết...
Chị Thy (42 tuổi) là bà mẹ hai con. Cuộc sống của Thy từng có thời luôn bị bủa vây không ngừng bởi những nỗi lo lắng xoay quanh sự an toàn của bé gái đầu lòng. Bạn bè của Thy ban đầu cũng trấn an chị rằng đó là phản ứng tâm lý thường thấy của người lần đầu làm mẹ.
Nhưng mọi chuyện không dừng lại ở những nỗi lo lắng bình thường như bao bà mẹ khác. Trong đầu Thy luôn lởn vởn những nỗi lo sợ đầy ám ảnh căng thẳng, rằng đứa con bé bỏng của mình có thể bị làm hại hoặc gặp phải tai nạn.
Nỗi sợ càng ngày càng lớn và ám ảnh nặng nề đến mức Thy luôn cảm thấy có những nguy cơ rình rập, rằng chỉ cần lơ đễnh trong phút chốc là tai họa không ngờ có thể giáng xuống đứa con của mình. Thy luôn cảm thấy bất an, lo lắng, căng thẳng, cô không ngừng kiểm tra đi, kiểm tra lại những chi tiết nhỏ vì lo sợ mình đã lơ đễnh, đã không thực hiện cẩn thận.
Chẳng hạn khi chỉ có hai mẹ con ở nhà, cô chạy lên chạy xuống kiểm tra cửa ra vào nhiều lần vì sợ rằng mình quên không khóa cửa, sẽ có kẻ xấu lẻn vào nhà làm hại hai mẹ con hoặc… bắt cóc đứa con nhỏ của mình.
Trong những tháng đầu sau khi sinh con gái đầu lòng, Thy cảm thấy mình có phần căng thẳng, lo lắng thái quá cũng là bình thường, đúng như lời người thân, bạn bè động viên.
Nhưng rồi một số trục trặc xảy ra, chồng cô gặp tai nạn giao thông, may mắn là “tai qua nạn khỏi”, dù phải điều trị chấn thương một thời gian. Sức khỏe của Thy sau khi sinh con cũng không được tốt, cô thường xuyên phải ra vào bệnh viện để thăm khám. Những điều này càng khiến cô cảm thấy lo lắng tột độ, có những lúc rơi vào trạng thái sợ hãi dù đang không có chuyện gì quá nghiêm trọng xảy ra.
Cô bắt đầu sợ cầm dao bởi thấy dao quá nguy hiểm, có thể làm tổn thương con gái, dù bé mới chỉ được vài tháng tuổi, còn chưa biết lẫy. Vì bỗng nhiên sợ dao, nên cô cảm thấy sợ nấu ăn, chểnh mảng chuyện ăn uống và sụt cân. Chồng động viên Thy đi khám tâm lý.
Chồng Thy cũng cảm nhận thấy trạng thái tâm lý của vợ kể từ khi có con nhỏ diễn ra khá bất thường: “Vợ tôi sợ hãi đến mức không muốn xem tin tức, không muốn đọc báo, vì cô ấy sợ nghe những câu chuyện đề cập tới những tai nạn xảy tới với trẻ em. Dù ở khía cạnh nào đó, những thông tin ấy giúp cho những người mới làm cha mẹ như chúng tôi có thể có được những bài học để bảo vệ con”.
Cuối cùng, Thy tìm tới bác sĩ chuyên khoa tâm lý. Cô được chẩn đoán mắc hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế sau sinh, một hội chứng tâm lý đôi khi vẫn xảy ra ở phụ nữ sau khi sinh nở, Thy được giới thiệu đến các buổi trị liệu.
Khi một người mẹ bị nhiều người thân, bạn bè nhận xét là quá lo lắng, quá cẩn thận trong chuyện chăm sóc con cái, rất có thể người phụ nữ ấy đang mắc phải hội chứng này, Thy chính là một trường hợp như thế.
Cô được chữa trị bằng liệu pháp trò chuyện với chuyên gia để học cách đối diện với những điều khiến cô sợ hãi một cách tích cực, lành mạnh hơn thay vì nghiêm trọng hóa những tình huống nhỏ trong cuộc sống.
Dần dần, cô bớt đi những nỗi sợ, nỗi bứt rứt không yên, bớt liên tục đứng lên kiểm tra đủ thứ trong nhà. Cần phải hiểu hội chứng này không phải hội chứng trầm cảm sau sinh. Người mẹ mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường lo lắng thái quá cho đứa trẻ, vượt trên mức lo lắng thông thường và dễ dẫn tới những suy nghĩ tiêu cực kiểu “chuyện gì sẽ xảy ra nếu mình trượt ngã và làm rơi con?”.
Những dấu hiệu bồn chồn, bứt rứt của người mắc hội chứng này rất dễ nhận biết, chẳng hạn họ không ngừng kiểm tra lại những việc đã làm vì sợ mình... chưa làm, hoặc làm chưa đúng, kiểm tra lại khóa cửa nhiều lần như Thy cũng là một dấu hiệu, việc cô không ngừng lo lắng tai ương có thể xảy ra cũng là một biểu hiện.
Phải mất đến ba năm điều trị, Thy mới có thể cảm thấy mình thực sự ổn thỏa và đã vượt qua được những biểu hiện thường thấy nhất của hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Chỉ đến khi ấy, cô mới sẵn sàng sinh thêm con.
Cho tới giờ, nhớ lại quãng thời gian mình bị mắc hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế lúc đón con đầu lòng chào đời, Thy vẫn cảm thấy… hết hồn. Với bé thứ hai, cô nuôi con một cách nhẹ nhõm, thoải mái hơn nhiều:
“Hiện tôi đã thực sự hạnh phúc với trải nghiệm làm mẹ, tôi không còn lo lắng thu mình trong nhà, liên tục kiểm tra đồ đạc và từng chi tiết nhỏ một cách điên cuồng như xưa. Khi bỗng nhiên trong một quãng thời gian, bạn không ngừng cảm thấy mình dễ rơi vào trạng thái sợ hãi và lo lắng, hình dung ra đủ nguy cơ rình rập, rất có thể bạn đang có vấn đề tâm lý.
“Những vấn đề tâm lý dạng này nếu được điều trị sớm sẽ khá đơn giản và dễ dàng vượt qua. Nhưng nếu không điều trị, rất có thể bạn sẽ ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành của con. Tôi rất biết ơn chồng vì anh ấy đã đồng hành bên tôi đủ nhiều để nhận ra điều bất thường trong tâm lý của tôi, động viên tôi đi khám và điều trị kiên trì”.
Bác sĩ chuyên khoa tâm lý giải thích rằng những người mẹ mắc hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường cho rằng chỉ có mình mới có thể đem lại sự an toàn tuyệt đối cho con, vì vậy, họ luôn căng mình lên để kiểm soát mọi việc mọi lúc mọi nơi.
Theo thống kê của khoa tâm lý học tại trường Đại học King's College London (Anh), có khoảng 4% người mới làm cha mẹ bị mắc phải hội chứng này. Nếu không điều trị tâm lý, người bệnh sẽ bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế trong suốt nhiều năm.
Khi tới tuổi đi học, con cái của những bậc cha mẹ bị mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế cũng có thể phát sinh những biểu hiện của hội chứng này. Khi quá bảo vệ trẻ, bé sẽ không thể phát triển kỹ năng tự mình đương đầu, xử lý vấn đề, nhưng những phụ huynh bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường không chịu hiểu thực tế ấy.
Các bác sĩ tâm lý cho rằng áp lực trách nhiệm, cùng sự mệt mỏi khi lần đầu nuôi con nhỏ có thể dẫn tới trạng thái căng thẳng, rối loạn tâm lý, làm phát sinh hội chứng này. Như trong trường hợp của Thy, sau này, cô nhận ra mình không nhớ nổi đã làm mẹ trong những tháng đầu như thế nào, bởi tất cả như được nhìn qua một màn sương mù của ký ức, trong đó, chỉ hiện lên rõ nhất nỗi sợ hãi:
“Trong lần sinh con thứ hai, tôi hiểu rằng mình có thể lo lắng, sợ hãi ở một số thời điểm, nhưng không thể để nỗi sợ hãi lấn át mình suốt một thời gian dài”.