Phụng dưỡng bố mẹ là việc của con trai?
(Dân trí) - Cả xóm còn mỗi nhà này chưa làm đường bê tông nối từ đường lớn của xã vào. Hôm ba anh em gặp nhau chị cười bảo: “Anh cả bốn phần, cậu út bốn phần còn anh chị cũng có hai phần góp vào làm đỡ ông bà cái đường cho ăn tết được ngon”.
Chị cười nhạt: “Thử hỏi từ bé đến lớn ai là người được chăm lo, đầu tư và kỳ vọng nhất, ai lúc nào cũng leo lẻo kêu con gái là con người ta. Cậu nghĩ đi, quyền lợi chẳng thấy đâu, lại đem quàng cho tôi một rổ trách nhiệm. Tôi là con gái, đi lấy chồng rồi làm gì có thời gian mà qua lại nhà ngoại. Ông bà có hai con trai rồi, còn tính đếm gì đến tôi”. Rồi chị bật khóc.
Nhớ ngày xưa chị làm thân con gái cứ phải ăn thèm vác nặng, học hành cũng chẳng có đầu có cuối, bố mẹ mua sắm gì cũng dành tất cho con trai, câu cửa miệng của ông bà là sau này nhờ chúng nó. Miếng nào ngon cũng phải dành cho anh cho em trước, chị là gái ăn ít tí cũng được. Quần áo đẹp, xe đẹp làm gì, con nhà nông, làm ruộng tối tăm mặt mũi, định ễnh bụng sớm hay sao... Cảm giác như con gái thì không phải là con trong nhà. Hơn chục tuổi đầu chị đã phải theo mẹ đi đắp bờ, gánh lúa trẹo cả vai, sụn cả lưng, trong khi đám sức dài vai rộng còn phải bận đi chơi, đá bóng rèn thể lực.
Suy nghĩ ấy kéo sâu vào tâm trí, in dài dọc thời thơ ấu khiến chị bị ám ảnh, mãi rồi chị cũng phải dần tin mình chính là loại “vịt giời ăn rồi lại bay”. Vì chẳng được ăn học, chẳng có của hồi môn hay ít vốn dằn lưng khiến cho cuộc sống trở nên khó khăn, chị phải thành người cặn kẽ, suy tính ngược xuôi. Được cái hai vợ chồng yêu thương bảo ban nhau cần kiệm làm lụng, dần dà cũng có chút của ăn của để.
Nhớ lần mẹ bị ốm, cậu út nhờ chị hộ mua thuốc, chị mang về dặn dò cẩn thận: “Thằng út nhờ con mang đến”. Vậy nhưng hôm gặp mặt thì cậu chàng chỉ trả chị già nửa chỗ ấy còn đâu phần chị. Chị không thích kiểu “của người phúc ta” dù chẳng hẹp hòi gì tiền bạc ở chỗ ấy, nhưng sự tính toán quá đáng, lúc nào cũng muốn “ăn người” của cậu em khiến chị cùn lên: “Thôi từ sau tôi chả dây, cậu mợ về mà mua thuốc”.
Vậy là em dâu giận dỗi nói: “Có cô con gái chấy rận mà cứ lom dom tính toán, ông bà buồn phải biết”. Chị mặc kệ, vì chị biết đi đâu cậu em cũng vẫn khoe là mình mua thuốc biếu mẹ, để rồi mọi người lại tấm tắc khen con trai nhà có hiếu.
Ngày ông bà chia đất, đương nhiên ai ai cũng mặc định chị chẳng có phần. Vậy nhưng khi có việc như ốm đau, đi viện, chị đưa biếu bố mẹ ít tiền thì cậu em giận dữ căn vặn ý muốn việc gì cũng phải “bổ đầu người”. Chị thở dài không buồn đôi co.
Thiết nghĩ việc phụng dưỡng cha mẹ là xuất phát từ cái tâm biết ơn, sống làm sao cho con cái còn nhìn vào mà học tập. Không phải vì bố mẹ cho nhiều thì mình quan tâm nhiều, bố mẹ chia cho ít thì cũng chăm sóc tí thôi. Bố mẹ là của chung, ai đi phân chia rạch ròi như thế, song những ưu đãi “trọng nam” từ bé khiến cả anh lẫn em chị lúc nào cũng có tư tưởng mình là độc tôn, dẫn đến nhiều lúc còn ngấm ngầm tranh giành nhau quyền lợi, vun vén cho bản thân, chẳng nghĩ gì đến ai khác khiến chị chán hẳn và càng thêm buồn tủi về những ngày khốn khó. Nghĩ vừa thương vừa giận bố mẹ.
TSL