Phụ tình theo đại gia… rởm
Khi tôi chọn Đạt để lấy làm chồng, Long, người yêu tôi lúc đó, không trách tôi nửa lời. Anh nói rằng anh hiểu vì sao tôi làm thế và cũng chỉ mong tôi được sống hạnh phúc nên tôn trọng quyết định của tôi.
Trước khi gặp và yêu Long tôi không đặt ra các chuẩn mực cho người yêu, người chồng tương lai của mình nên đó là tình yêu trong sáng, không tính toán. Chúng tôi nhận được sự ủng hộ của cả hai gia đình và mọi người đều mong ngày ra trường hai đứa sẽ về chung một nhà.
Vậy nhưng, sau khi ra trường thì tôi lại là người ngần ngừ chuyện cưới xin. Tôi thấy cuộc sống của các đồng nghiệp quá nhiều vấn đề từ chuyện nhà đi thuê, phải lo lắng cuộc sống hàng ngày tới chuyện về quê… Tôi sợ tôi và Long sẽ không thể vượt qua được những khó khăn đó rồi chúng tôi sẽ lại cãi nhau, bỏ nhau mất.
Tôi đem tâm sự này nói với Long và anh đã đồng ý để thư thả một hai năm hai đứa tiết kiệm tiền rồi mới tổ chức cưới. Anh nói với tôi mà tự hào rằng tôi đúng là một người phụ nữ chu toàn và một người vợ đáng để mơ ước của bất cứ ai.
Anh đâu có ngờ rằng lúc đó trong đầu tôi đã nghĩ tới viễn cảnh xa vời mà người đứng bên cạnh tôi trong đám cưới không phải là anh. Tôi không tính được liệu với mức lương chỉ đủ sống như hiện tại, tới bao giờ anh và tôi mới có tiền lo đám cưới, có tiền mua nhà, sinh con… Có lẽ nó có đáp số nhưng tôi không thể đợi tới lúc đó, vì biết đâu tôi đã già và héo mòn vì chờ đợi.
Ngày tôi lên xe hoa về nhà chồng ai cũng xuýt xoa, khen ngợi rằng tôi có một người chồng như ý. Gia đình tôi và bản thân tôi đều tin tôi sẽ có một cuộc sống gia đình viên mãn.
Đạt, chồng tôi được gọi là đại gia bởi anh có rất nhiều tiền nhờ tài xoay xở buôn bất động sản và cửa hàng buôn bán xe máy lớn. Tôi chắc chắn lấy anh sẽ không phải lo nghĩ nhiều, đó là chưa kể tới việc tôi hiển nhiên được sống trong một căn hộ rộng rãi, thoáng mát ở ngoại ô mà không phải lo tới việc đóng tiền thuê nhà hàng tháng.
Tôi mơ màng nghĩ tới chuyện kỳ lĩnh lương tháng không còn là nỗi mong chờ, phấp phỏng, tính toán để chi trả đủ thứ trên đời nữa. Giấc mơ ấy thật ngắn, nó ngắn đúng bằng quãng đường đưa tôi về nhà chồng.
Ngay tối đầu tiên ở nhà Đạt tôi đã được vinh dự tham gia một cuộc họp gia đình với đầy đủ các nội dung và lúc đó tôi mới rõ chân dung “đại gia” của chồng.
Hóa ra, Đạt chỉ là người quản lý một phần những công việc cho bố mẹ và anh trai cả. Anh được trả lương hàng tháng như bất kỳ người làm công ăn lương nào khác dù có phần rộng rãi và không bị trừ lương nếu không đảm bảo công việc.
Mẹ chồng tôi ngọt nhạt rằng, trước đây vì chưa có vợ, nó lêu lổng cứ hết tiền lại vòi mẹ, giờ đã cưới vợ cho rồi thì phải tu chí làm ăn, hai vợ chồng cộng tổng thu nhập vào mà vun vén việc gia đình, bà sẽ không tham dự nữa…
Những ngày sau đó, tôi như sống trong địa ngục với những quy định khắt khe của gia đình nhà chồng mà tôi đóng vai trò không khác gì một đứa con ở. Từ bố mẹ chồng tới anh chị chồng đều coi tôi như một người ăn nhờ ở đậu nên việc phải lo chuyện cơm nước, cỗ bàn là trách nhiệm hiển nhiên của tôi, chưa kể tới những va chạm thường ngày khiến tôi kiệt sức.
Vậy mà, chồng tôi không được một lời động viên, khích lệ, hàng tháng ngoài số tiền lương mẹ chồng đưa trực tiếp cho tôi thì anh chẳng còn lo tới điều gì khác, anh vẫn chơi bời, tụ tập như khi chưa có vợ.
Vì quá ức chế mà không thể nói với ai (ai có thể tin được tôi đang sống như vậy, còn bố mẹ, tôi không muốn họ phải lo lắng) nên tôi đã nói chuyện với Long. Anh dường như vẫn ở đó, chờ đợi và động viên tôi mỗi khi tôi cần tới. Tôi thực lòng biết ơn anh vô cùng vì những giúp đỡ đó nhưng càng ngày tôi càng nhận ra mình đã sai lầm trầm trọng thế nào khi kết hôn với người chồng hiện tại. Còn người xưa, tôi biết nói gì nữa đây?
Theo Lan Vy
Phununet