Phu thê xuyên lục địa

(Dân trí) - Vì tiền và vì giấc mơ xuất ngoại, ngày càng nhiều chị em bất chấp tất cả để cặp kè, gắn đời với những anh chồng khác quốc tịch. Nhưng sẽ là thiển cận nếu ai đó tuyên bố: 100% chị em chịu lấy chồng ngoại chỉ vì mục đích duy nhất: tiến thân.

Thần tình ái gõ cửa

 

Dư luận có người đồng tình, có người kịch liệt bài bác chuyện gái Việt lấy chồng ngoại. Và sau bao năm tranh cãi, điều đó vẫn là đề tài đấu võ mồm muôn thuở.

 

Song mọi vấn đề đều có tính chất hai mặt và vẫn có không ít mối tình nội - ngoại kết gắn với nhau bằng yêu thương chân thành.

 

Chị Thanh Nguyên, sinh năm 1969, trú tại thành phố Nha Trang nhớ lại chuyện gặp gỡ anh chồng người Canada:

 

“Hôm ấy, mình đang đi dạo biển thì bị một người đàn ông do không làm chủ tốc độ đâm thẳng vào. Thay vì đỡ mình dậy thì người đàn ông nọ sừng sộ đổ lỗi. Đám đông bu lại nhưng chẳng ai nghĩ đến chuyện can thiệp hay xem vết thương mình như thế nào. May mà lúc ấy Tommy tình cờ đi ngang. Anh lập tức gọi taxi đưa mình đi cấp cứu”. Tình yêu đơm hoa từ đó.

 

Không được lãng mạn như thế, ngọn lửa yêu thương giữa anh Martin Dalton sinh năm 1970, giám đốc công ty Sander, một công ty gia đình có trụ sở tại New York, chuyên kinh doanh các thiết bị phòng cháy chữa cháy - với chị Nguyễn Ý Nhi, sinh năm 1980 trú tại số nhà 32/4 đường 23 khu phố 3, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, có phần “hơi bị chông gai”.

 

Ý Nhi kể : “Năm 1999, Martin đi du lịch sang VN. Khi ấy, mình là tiếp tân của khách sạn và Martin thường nhờ mình đặt tour du lịch cho anh. Lúc ấy, ấn tượng của mình về Martin là ông Tây khó tính, hay than phiền và những lúc như thế, mình phải giải thích cho anh hiểu”.

 

Martin về nước. Năm 2000, anh trở lại VN và nhờ Ý Nhi giúp đỡ trong việc xin giấy phép, chọn địa điểm và tổ chức buổi họp báo giới thiệu sự ra đời của công ty do anh làm giám đốc.

 

Lúc này đây, tình cảm của đôi trai Tây - gái Việt này đã có nhiều lưu luyến. Mối quan hệ kéo dài đến năm 2005 thì kết thúc bằng lễ cưới “theo phong tục nhà vợ”.

 

Và trăm đáng ngàn cay!

 

Ý Nhi tâm sự, đến với Martin, chị đã gặp rất nhiều trở ngại từ gia đình và xã hội. “Bố mẹ cho rằng văn hóa Đông - Tây có sự khác biệt nên hai đứa sẽ khó mà hòa hợp. Hôm đám cưới, mình buồn lắm vì bố và nhiều bà con họ mạc đã không đến dự”.

 

Khi đã thành vợ thành chồng, Ý Nhi vẫn phải đối mặt với nhiều áp lực. Tưởng Nhi như nhiều cô gái “lấy Tây vì tiền”, nhiều người đã không ngần ngại hỏi chị “kiếm được bao nhiêu từ vụ cặp kè này?” hoặc hỏi “bí quyết lấy Tây”.

 

Nói về những hiểu nhầm mang tính chất xúc phạm, chị Nguyên bức xúc: “Có lần, mình và anh ấy ghé chợ Đầm mua sắm thì một phụ nữ bán hàng hỏi thẳng thừng: “Đêm qua kiếm được khá không em?”.

 

Cũng bởi vì sợ người ta hiểu lầm mà đi đâu, mình cũng thủ sẵn giấy chứng nhận đăng ký kết hôn”. Chị thở dài: “Mình và anh Tommy có cùng điểm chung là thích tìm về những vùng thôn quê để hóng hương đồng gió nội nhưng… Bận nọ, một bác lớn tuổi đã quơ lưỡi liềm đuổi kịch liệt vì “cái thứ lấy Tây tụi mày về đây chỉ tổ làm hư tụi nhỏ”.

 

Mới đây, trên một trang blog cá nhân, một chị có nickname HuongNga có chồng là người Úc tâm tình rất mủi lòng: “Cũng vì có chồng ngoại quốc mà khi nộp đơn xin việc vào một công ty nhà nước, dù đáp ứng đầy đủ các điều kiện tuyển dụng của đơn vị ấy nhưng mình vẫn bị loại… Bố mẹ của một số bạn bè và em họ đã cấm tất cả chơi với mình vì “coi chừng tụi bây học đòi, nối gót theo nó lấy mấy thằng mũi lõ”… Đi mua sắm cùng anh ấy, bao giờ tụi mình cũng bị chém đẹp. Có lần bực quá, mình phản ứng thì bị người bán miệt thị: “Làm gái thì cứ lo làm gái đi, xen vào làm gì! Là người Việt với nhau phải biết giúp đỡ chứ. Yên tâm, chút tao chi hoa hồng cho”.

 

Chị Mai, có chồng là người Tây Ban Nha thở dài: “Khi mình thông báo sẽ tiến đến hôn nhân, họ hàng có người làm ầm lên, cho đó là suy đồi, bại hoại rồi phán “cuộc hôn nhân ngoại lai này sớm muộn rồi cũng hủy hoại dòng tộc”.

 

Đến khi thành vợ thành chồng, tưởng tụi mình giàu có, chòm xóm rồi bà con từ mấy đời ùn ùn đến thăm rồi thở than, xin xỏ, hỏi vay mượn tiền. Mình từ chối thì bị mắng mỏ là bủn xỉn. Có người quen mỉa mai: “Nó nghèo vậy mày lấy làm gì hở cháu?”!

 

Nỗ lực của các chàng rể ngoại

 

Dù không trăm đắng ngàn cay như các chị em nhưng trên hành trình “bảo vệ tình yêu và tiến đến hôn nhân với người ấy”, các chàng trai “mắt xanh tóc vàng” cũng phải nỗ lực vượt khó rất nhiều. 

 

Martin cho biết, để lấy lòng mọi người phía “bà xã”, anh phải tập ăn bằng đũa, tập ăn nước mắm, học nói tiếng Việt, học cách đi đứng, trò chuyện, tập uống trà và ăn các món ăn VN…

 

Anh Henry bộc bạch, để có buổi ra mắt ấn tượng, gần cả năm trời anh miệt mài với các gia sư và nhiều trung tâm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Do nhà ngoại ở trong bưng biền nên anh còn phải tập đi cầu khỉ, luyện uống rượu đế. Nghe Thanh Nguyên tâm tình “bố em rất thích đánh cờ tướng”, Henrry cũng đã “thỉnh” nhiều “sư phụ” truyền dạy.

 

Cũng theo lời kể của Thanh Nguyên, nhạc gia tương lai của Thomas - bạn đồng nghiệp của Henry vừa thấy con gái cùng người yêu là một ông Tây “cao lòng ngòng, tóc vàng hoe, tay chân lông lá” bước xuống xe trong ánh mắt khó chịu của hàng xóm đã đùng đùng quay ngoắt vào nhà.

 

Nhưng lên mâm cơm, thấy Thomas kính cẩn gắp đùi gà cho tía má và nói “Con rất thích thịt gà luộc chấm muối tiêu. Nhưng nếu có lá chanh thì ngon hơn”, ông bà nhạc vui lắm. Mến “cái thằng Tây” lễ phép, sành phong tục người mình, uống rượu đế rất chiến, ca vọng cổ cũng mùi”.

 

Áp lực từ cả bên trong

 

Vượt qua được những khó khăn, áp lực từ phía gia đình, xã hội, những đôi vợ chồng Á - Âu còn phải chịu thêm thử thách mới nảy sinh từ tổ ấm của chính họ. Chi tiêu gia đình sẽ do ai quyết định? Đặt tên cho con lấy họ bố hay họ mẹ? Ai sẽ là người đóng vai trò chủ đạo trong việc giáo dục con? Những câu hỏi tưởng chừng như vô cùng đơn giản này thực ra rất khó khăn đối với những đôi vợ chồng “xuyên lục địa”.

 

Chị Thanh Nguyên bày tỏ: “Ảnh quen lối sống phương Tây, khi mua sắm gì thì tự ý, theo kiểu “tiền anh anh xài, tiền em em giữ”. Mình thì muốn vợ chồng cùng nhau góp gạo thổi cơm. Mua sắm, cho ai vay mượn gì thì phải cùng nhau bàn bạc. Sau khi được làm công tác tư tưởng, ảnh nay rất ủng hộ quan điểm “vợ nhà là tay hòm chìa khóa”. 

 

Chị Ý Nhi trải lòng: “Khi bé con chào đời, tình cảm giữa mình và ông xã rất căng bởi không thống nhất được nhiều vấn đề. Giải quyết xong cái vụ đặt tên cho con rồi, mình với ảnh tiếp tục cự nhau về chuyện dạy con theo cách nghiêm khắc của mình hay cưng chiều hết mực của ảnh… Cuối cùng bọn mình cũng thông nhất quan điểm “Không áp đặt mà để con tự nhiên phát triển tính cách. Khi con sai phạm điều gì thì hạn chế la mắng, tăng cường giải thích cho con hiểu…”.

 

Chị Thanh Nguyên tâm sự: “Với những đôi vợ chồng người Việt, xung đột gia đình luôn là bài toán thách đố nói chi vợ Á - chồng Âu, khó khăn phải nói là gấp bội phần. Kinh nghiệm cho thấy, nếu ai cũng vì “cái tôi” của mình mà không chịu hiểu và cảm thông cho nhau thì sớm muộn gì cũng gãy gánh”.

 

Chuyện về những mối tình xuyên lục địa là thế. Ngổn ngang những cam go, thử thách dù họ đến với nhau bằng tình yêu chân thành, sâu đậm. 

 

Thành Nguyễn

Chuyên san Trí Tri