Phẫu thuật chuyển đổi giới tính và cái giá phải trả
Làm xong bộ ngực, Hải Minh còn phải chịu đựng những phẫu thuật cơ bản như nâng mũi, độn cằm, căng da mặt, da trán, nắn lại xương gò má, xương vai…
Phạm Thành Lộc trước và sau khi chuyển giới thành Bảo Anh!
1. Người muốn chuyển giới phải trải qua khoảng 30 cuộc phẫu thuật vì đơn giản là đã trở thành một phụ nữ thì không lẽ không có ngực, không có mông và không lẽ cứ để cái bắp chân to đùng, lông lá tùm lum! Nhưng ít ai biết rằng những ca mổ ấy sẽ tàn phá cơ thể của họ một cách tàn khốc khi phải cắt bỏ toàn bộ cơ quan sinh dục vốn vẫn khỏe mạnh và hoàn toàn có thể thực hiện chức năng sinh dục một cách bình thường.
Bên cạnh đó, phẫu thuật chuyển giới cũng hủy bỏ khả năng sinh sản của họ, chưa kể người chuyển giới không bao giờ có thể trở thành một người hoàn hảo đúng với giới tính mà mình đã chọn.
Chấp nhận chuyển đổi giới tính đồng nghĩa với việc chấp nhận những đau đớn khủng khiếp mà có người sau này khi đã "trai thành gái", họ cho biết nếu được trở lại buổi ban đầu - nghĩa là lúc chưa chuyển giới thì sẽ không bao giờ họ lên bàn mổ.
Thùy Vân, tên trong giấy khai sinh là Lê Văn Bình, ở TP Biên Hòa kể cho tôi nghe: "Nửa ngày sau khi mổ tạo hình khung hàm, những cơn đau xé da xé thịt bắt đầu xuất hiện. Thoạt tiên, nó chỉ âm ỉ nhưng càng lúc, cường độ đau càng tăng mà theo giải thích của một cô điều dưỡng là "đau do thuốc tê hết tác dụng".
Lúc ấy, ăn uống là một cực hình, uống nước, uống sữa cũng đau nhưng nếu so sánh với cơn đau sau mổ tạo hình bộ phận sinh dục thì cái đau khung hàm chẳng thấm thía gì. Ngày cũng như đêm, ở vùng hạ bộ tôi như có ai cầm cái dùi sắt nung đỏ, dí vào. Đau quá, tôi rên, tôi la, tôi khóc, tôi lạy lục cầu xin bác sĩ cho tôi thuốc giảm đau, thuốc ngủ nhưng bác sĩ nói uống thuốc phải đúng liều, đúng thời gian chứ không thể lạm dụng. Những lúc ấy, tôi vừa trách thân trách phận, vừa ước sao mình không chết đi cho xong…".
Thế nhưng, cũng có những người chấp nhận đau đớn miễn sao đạt được ước muốn, chẳng hạn như Phạm Thành Lộc, quê ở TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. Theo lời Lộc thì: "Ngay từ khi còn bé, tôi đã nhận ra có một con người khác trong chính con người tôi". Đến khi lớn lên, trưởng thành rồi trở thành một chuyên gia trang điểm, cái "con người khác" ấy càng lúc càng thể hiện rõ nét. Do quen biết với một số bạn bè đã từng chuyển giới, tháng 12/2013, Lộc sang Thái Lan để "tìm lại chính mình".
Theo lời Lộc, anh sang Thái Lan cùng với một người chị họ. Lúc vào bệnh viện, anh được bác sĩ kiểm tra sức khỏe và tâm lý. Khi mọi kết quả đều tốt, bác sĩ hẹn anh ngày tiến hành phẫu thuật. Phạm Thành Lộc nói: "Hồi đó, tôi chưa hình dung ra phẫu thuật chuyển giới sẽ đau đớn đến mức nào. Vì vậy tôi quyết định mổ cả phần trên và dưới cùng một lúc với tổng chi phí là 400 triệu đồng tiền Việt".
Ca mổ chuyển giới của Lộc kéo dài 6 tiếng. Lúc tỉnh dậy, Lộc - mà bây giờ đã trở thành "cô" Bảo Anh - thấy mình nằm trong phòng hồi sức: "Tôi chỉ kịp đưa mắt nhìn ra xung quanh rồi lại thiếp đi".
Hai ngày sau mổ, cơn ác mộng mới thật sự bắt đầu: "Tôi phải chịu đựng những cơn đau chết đi sống lại nhiều lần mặc dù ngày nào tôi cũng được tiêm thuốc giảm đau. Có lúc vết mổ ở dưới bị chảy máu, tôi cứ tưởng mình sẽ không còn có thể quay về Việt Nam được nữa. Trong 2 tuần đầu sau mổ, tôi nằm một chỗ trong một khách sạn nhỏ ở Băng Cốc, mọi sinh hoạt đều do chị họ tôi lo. Lúc đó, cứ mỗi lần mở mắt ra là tôi khóc vì tôi nhận ra rằng phẫu thuật chuyển giới là một điều vô cùng khắc nghiệt, nhất là với những người làm cả phần trên và phần dưới cùng một lúc như tôi…".
Hiện tại, mỗi tháng Bảo Anh đều phải tiêm nội tiết tố sinh dục nữ 4 lần, tổng cộng khoảng 800 nghìn đồng. Mặc dù biết rõ chất nội tiết estrogen là con dao hai lưỡi vì nó gây cao huyết áp, một số bệnh ung thư, bệnh tim mạch và điều đặc biệt nguy hiểm là nó có thể tạo ra cục huyết khối trong máu, dẫn đến tử vong do nhồi máu phổi nếu huyết khối đi vào phổi, nhồi máu não nếu đi lên não, nhồi máu mạc treo nếu đi vào ruột nhưng nếu không tiêm thì các cơ bắp sẽ mất đi vẻ mềm mại - là nét đặc trưng của nữ giới, râu sẽ mọc vì nó làm thay đổi toàn bộ trục "não bộ - tuyến yên - buồng trứng" ở nữ và "não bộ - tuyến yên - tinh hoàn" ở nam.
2. Cũng phải chịu đựng nỗi đau đớn như Bảo Anh, nhà thiết kế thời trang Franky Nguyễn kể lại: "Qua lớp rèm mỏng manh ngăn cách phòng mổ và phòng chờ đợi, tôi nghe rõ tiếng sụt sùi hãi hùng, tiếng vùng vẫy hoảng loạn, tiếng y tá quát tháo bệnh nhân để giúp họ trấn tĩnh, tiếng hét đau đớn, tiếng dao kéo đụng vào nhau khô khốc… Tôi lạnh toát người khi một chiếc xe phủ khăn trắng đưa một người xấu số từ phòng mổ đi ra. Tôi nắm chặt tay, lòng bàn tay rịn mồ hôi, thầm cầu nguyện cho con người bất hạnh vừa rồi. Ai nấy trong phòng chờ dẫu không nói ra nhưng cũng tự hiểu rằng có thể người kế tiếp nằm trên chiếc xe đó chính là mình, hoặc người ngồi kế bên mà mình vừa nói chuyện...".
Vẫn theo Franky Nguyễn, nếu có điều gì bất hạnh xảy ra với "cô", "cô" sẽ không oán thán bởi chính "cô" đã tự lựa chọn con đường này. Gia đình "cô" cũng không thể kiện tụng bởi trước khi phẫu thuật, "cô" đã tự nguyện ký vào hợp đồng sinh tử, chấp nhận mọi sự rủi ro. Cái giá để đổi lấy một hình hài mới, một thân phận mới nhiều khi không chỉ là máu và nước mắt, mà còn chính bằng mạng sống của mình: "Nhiều lúc tôi muốn quên đi, muốn vùi chôn những âm thanh phẫu thuật đáng sợ đó, muốn xóa nhòa 8 tiếng trên bàn mổ, nằm bất động nhưng vẫn nghe rõ, hiểu rõ những gì bác sĩ đang làm trên cơ thể mình nhưng không thể quên được".
Trao đổi với một số người đã chuyển giới từ nam sang nữ, họ đều cho biết có được một bộ ngực căng tròn là niềm mơ ước lớn nhất của đời họ. "Cô" Hải Minh - mà trước đó là Trần Đức Thành, ở quận 7, TP HCM - chuyển giới xong thì đi hát đám ma kiếm sống nói: "Để tiết kiệm chi phí, em chọn một thẩm mỹ viện trong nước làm ngực, giá 70 triệu đồng trong lúc nếu làm ở Thái Lan thì phải mất 120 triệu". Tôi hỏi có đau không? Hải Minh nhăn mặt: "Đau lắm anh à. Đau đến nỗi bây giờ nhiều đêm nằm mơ, em vẫn gặp ác mộng".
Theo bác sĩ Bào, phẫu thuật nội soi tạo ngực chỉ mất từ 3 đến 4 tiếng bằng cách đục lỗ ở nách rồi luồn một túi bằng silicon vào, sau đó bơm nước muối cho đến khi có được kích thước phù hợp, thời gian nằm lại để theo dõi biến chứng khoảng 1-2 ngày tùy theo thể trạng của người đó. Khoảng một tháng, cơ thể sẽ quen dần với hai túi silicon "không mời mà đến", những cơn đau cũng giảm bớt, hiện tượng sưng ở vùng ngực cũng hết. Hải Minh kể: "Làm lần đầu tiên, ngực em bên cao bên thấp nên phải làm lại. Tới hồi hoàn chỉnh, một bữa đi hát đám ma, em bị một ông thò tay bóp mạnh khiến em vừa đau vừa sợ. May mà cái túi silicon không bể…".
Làm xong bộ ngực, Hải Minh còn phải chịu đựng những phẫu thuật cơ bản như nâng mũi, độn cằm, căng da mặt, da trán, nắn lại xương gò má, xương vai. Riêng việc mổ tạo hình cơ quan sinh dục nữ cho Hải Minh được tiến hành ở Thái Lan. Ca mổ kéo dài suốt 5 tiếng đồng hồ. Để tạo hình, các bác sĩ đã cắt bỏ dương vật, chỉ giữ lại một phần da. Sau đó, họ tạo một khoang rỗng ở tầng sinh môn, nằm giữa bàng quang và trực tràng rồi chuyển vạt da che phủ mặt trong của thành khoang, giống như lớp biểu mô âm đạo. Cuối cùng, họ tạo hình môi lớn và môi bé.
Loại thuốc nội tiết mà những người chuyển giới từ nam sang nữ phải tiêm suốt đời.
Hải Minh nói: "Nếu không nhiễm trùng thì không sao, chỉ đau thôi. Còn nếu đã nhiễm trùng thì vết mổ luôn rỉ mủ, hôi không chịu nổi. Có người nhiễm trùng nặng quá, bác sĩ phải cắt lọc gần hết, đợi cho lành rồi làm lại từ đầu. Sau khi đã hoàn thành và bình phục, em thường xuyên gặp phải một chuyện mà các bác sĩ giải thích là hiện tượng "dương vật ma". Do thần kinh cảm giác còn sót lại nên đôi khi em vẫn cảm thấy… cương cứng mặc dù em chẳng còn cái gì để cương cả!".
Tuy nhiên, điều khủng khiếp nhất của những người chuyển nam thành nữ là sau khi bộ phận sinh dục đã ổn định, họ còn phải nong âm đạo để có thể thích ứng với sinh hoạt tình dục sau này. Hải Minh cho biết: "Các bác sĩ Thái Lan hướng dẫn em mua 3 bộ phận của đàn ông bằng cao su, cái bé nhất đường kính 4cm, lớn nhất đường kính 8cm rồi hàng ngày… tập nong!".
Nếu như phẫu thuật tạo hình âm đạo đau đớn 1, thì cái việc "nong" còn đau gấp 5 lần. Đã vậy, tâm lý của người chuyển giới lại sợ rằng sau này khi làm "chuyện ấy" sẽ không có cảm giác nên họ cố chịu đau, nong ngày nong đêm, cốt sao mình sẽ là đàn bà chính hiệu. Hải Minh kể: "Tự nong rất khó, không phải vì mình không làm được mà khi làm, những cơn đau đã khiến em chùn tay nên em phải thuê một người khác làm giúp".
Với Trần Thị Thu Hà, một cô gái nay đã trở thành đàn ông cho biết những cơn đau do phẫu thuật cắt ngực đối với nữ chuyển thành nam cũng chẳng kém gì, và phải mất gần 2 năm "anh" mới có được bộ ngực đàn ông hoàn toàn. "Anh" nói: "Việc đầu tiên các bác sĩ ở Thái Lan thực hiện là lấy hết các mô mỡ, cơ, tuyến sữa trong ngực tôi ra. Tiếp theo, tôi phải quấn băng thun quanh ngực suốt hai tháng đồng thời tiêm nội tiết tố nam (testoteron) đều đặn. Một năm rưỡi sau, khi chất nội tiết đã có tác dụng, ngực tôi không to ra nữa, bác sĩ mới tiến hành cắt bỏ phần da thừa, tạo hình ngực hoàn chỉnh".
Để tạo hình dương vật, bác sĩ lấy một vạt da ở vùng bẹn, nơi có nhiều thần kinh cảm giác, cuốn vào rồi lồng một ống bằng silicon làm ống dẫn tiểu. Nhằm giúp dương vật có thể sống, bác sĩ khâu nối với các mạch máu và dây thần kinh vùng bẹn đồng thời đưa vào lõi dương vật một miếng sụn vào bên trong để đảm bảo cho người chuyển giới sau này "làm việc" được. Thu Hà nói: "Phải mất mấy tháng, em mới quen với việc tiểu đứng vì cứ mỗi lần mắc tiểu, trong tiềm thức em cứ đinh ninh rằng em phải… tiểu ngồi!".
3. Quyết định phẫu thuật chuyển giới, người chuyển giới ngoài việc phải đối mặt với sự đau đớn, với những tác dụng phụ nguy hiểm của việc tiêm chất nội tiết thì vấn đề pháp lý liên quan trực tiếp đến nhân thân họ cũng là chuyện khiến họ phải đau đầu.
Thùy Vân kể: "Lúc về đến sân bay Tân Sơn Nhất, các cán bộ làm nhiệm vụ kiểm tra xuất nhập cảnh đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy em: Một cô gái tóc dài, có ngực, có mông nhưng trong hộ chiếu lại tên là… Lê Văn Bình, giới tính ghi rõ là nam! Em phải xuất trình hồ sơ mổ chuyển giới của bệnh viện ở Thái Lan, chứng nhận em đã trở thành đàn bà. Thế đã hết đâu, ra đường bị Cảnh sát giao thông thổi phạt vì chạy lấn tuyến, em lại phải chứng minh rằng em là người chuyển giới, lên phường xin giấy tờ cũng vậy, đủ thứ phiền phức…".
Thực tế đến nay, vẫn chưa có quy định pháp lý cho phép những người đã chuyển giới được điều chỉnh lại tên, họ, giới tính trên các giấy tờ tùy thân. Điều này dẫn đến nhiều quyền lợi của họ bị bỏ ngỏ như giao dịch mua bán, chuyển nhượng, thừa kế tài sản, đăng ký tạm trú, tạm vắng... bởi lẽ giấy tờ một nơi còn hình dáng bên ngoài một nẻo, mà nói như Thùy Vân thì "Em như người vô hình".
Vì thế, theo Tiến sĩ Y, Sinh học Đào Đại Cường, ngoại trừ những người "nửa nam nửa nữ", cần phải mổ định giới để có thể trở về đúng với giới tính thật của mình, hoặc những người bề ngoài là nam, nhưng lại có đủ mọi thứ "phụ tùng" của phụ nữ hoặc ngược lại thì mới cần phải phẫu thuật chuyển giới. Còn với những ai từ đầu đến chân, từ trong ra ngoài là nam, hoặc là nữ thì nên ngừng ngay ý định mổ chuyển giới bởi lẽ khi ký vào giấy cam kết phẫu thuật, có nghĩa là đang ký vào bản án tử hình cho chính bản thân mình…
Theo Vũ Cao
An Ninh Thế Giới