Phản hồi bài viết "Lì xì Tết - làm sao cho phải?": Đừng làm hư trẻ

(Dân trí) - Không biết từ bao giờ, nhiều đứa trẻ coi tiền mừng tuổi là "thu nhập", và chúng đánh giá người quen, họ hàng dựa vào những tờ tiền trong bao lì xì.

Mừng tuổi đầu năm là một tập tục đẹp trong văn hóa của người Việt. Nhưng bấy lâu nay, nhiều người đã biến nó thành dịp lấy lòng người lớn thay vì chỉ lì xì trẻ nhỏ lấy hên. Chính hành động của người tặng bỏ vào phong bao những tờ tiền mệnh giá lớn và thái độ của các phụ huynh đã tạo nên thói quen xấu cho trẻ con.

Phản hồi bài viết "Lì xì Tết - làm sao cho phải?": Đừng làm hư trẻ - 1

Nhiều bậc cha mẹ có cách ứng xử thật kém cỏi trong việc lì xì. Sau khi khách khứa đến nhà chơi, tặng lũ trẻ phong bao đỏ, bố mẹ liền gọi chúng vào "khám" bao lì xì, nếu tiền "to" họ vui mừng ra mặt còn tiền "nhỏ" họ làm thinh hoặc chê bai người tặng. Trẻ con thì lại rất giỏi bắt chước, nên mới có những tình huống dở khóc dở cười.

Chẳng ai trách móc gì những đứa trẻ ngây thơ, tò mò khi chúng mở phong bao đỏ ra xem ngay khi được tặng. Tuy nhiên sẽ là thảm họa khi đứa bé kêu lên "Ôi sao mà ít thế" hoặc "Cô/chú thật keo kiệt". Người tặng lì xì cũng khó xử mà phụ huynh cũng muối mặt.

Không chỉ dừng lại ở hành động đếm tiền thiếu khéo léo đó. Tai hại hơn, thói quen lì xì quá nhiều tiền cho trẻ nhỏ và tâm lý người làm cha làm mẹ, muốn "kiếm chác" từ tiền lì xì của con sẽ tạo cho trẻ tính thực dụng, vật chất, ngay từ khi còn nhỏ đã đo lòng người bằng từng đồng tiền mừng tuổi.

Người lớn nên biết dạy trẻ quý trọng nghĩa tình thay vì tiền bạc. Hãy dạy con cháu tiền lì xì ít hay nhiều cũng đều đáng quý bởi người tặng đã có tâm mừng tuổi mình. Hãy để lì xì đầu năm mãi là một phong tục đẹp, đứng biến nó trở thành áp lực tài chính hay cơ hội kiếm "một món hời"

Phản hồi của độc giả Nguyễn Huân

Phản hồi bài viết "Lì xì Tết - làm sao cho phải?": Đừng làm hư trẻ - 2

Mọi ý kiến phản hồi của độc giả được đăng thành bài trên trang "Tình yêu - Giới tính" sẽ nhận nhuận bút từ Tòa soạn. Trân trọng.