Phải biếu tiền đều hai bên nội ngoại thì mới hiếu thảo?

(Dân trí) - Tôi và chồng vốn xuất thân khác nhau nên trong cuộc sống hôn nhân có những bất đồng chưa thể hoá giải. Đau đầu nhất là chuyện biếu xén hai bên nội ngoại.

Phải biếu tiền đều hai bên nội ngoại thì mới hiếu thảo? - 1

Ảnh minh họa: Getty Images

Nhà đẻ tôi khó khăn hơn nhà chồng nhiều. Bố mẹ tôi trước đây làm nông, giờ đã già, chỉ sống dựa vào đàn gà, vườn rau và tiền các con góp nhau cho bố mẹ.

Những lúc ốm đau hay phải sửa sang lại căn nhà đã ọp ẹp, bố mẹ khá chật vật. Vì vậy tôi hay biếu thêm để bố mẹ đỡ khổ, lúc thì công khai với chồng, khi thì tôi giấu chồng, lấy từ khoản tiết kiệm riêng. 

Ngược lại, bố mẹ chồng tôi có cuộc sống dư dả, nhà cửa khang trang, không thiếu thốn tiện nghi gì từ cái máy rửa bát đến con robot lau nhà. Tổng lương hưu của ông bà cả chục triệu, chưa kể còn có tiền tiết kiệm dưỡng già gửi ngân hàng. 

Tôi quan điểm với bố mẹ chồng, chúng tôi nên thể hiện lòng hiếu thảo bằng sự quan tâm, chăm sóc, hỏi han chứ không quá chú trọng về mặt tiền bạc vì ông bà đâu thiếu thốn gì. Nhưng chồng tôi lại khó chịu khi tôi cho nhà ngoại nhiều hơn. Anh muốn đảm bảo sự công bằng, đã biếu thì phải biếu hai bên số tiền bằng nhau.

Có những lúc tôi buồn lòng đến phát khóc. Tháng trước, tôi lo cho mẹ tôi 3 triệu chữa cột sống, chồng muốn tôi cũng phải biếu mẹ chồng 3 triệu để bà tiêu trong chuyến du lịch sắp tới. Tôi có góp ý, mẹ đâu thiếu gì tiền bạc, thì chồng tôi bảo mua cái túi có giá trị tương đương cho bà cũng được. Tôi nghe xong mà choáng, bản thân tôi cũng chưa sắm túi đắt như vậy cho mình.

Kinh tế hai vợ chồng tôi rất bình thường, chỉ đủ trang trải cuộc sống nơi thành phố đắt đỏ, lương tôi có nhỉnh hơn anh. Để có tiền cho mẹ đẻ, tôi đã phải chắt bóp chi tiêu. Giờ còn cho thêm cả mẹ chồng, tôi không xoay xở kịp. Tôi cũng chia sẻ với chồng tình hình như vậy. Anh ấy đáp tỉnh bơ là thế thì cho mỗi người một triệu rưỡi thôi.

Tôi không hiểu sao chồng mình có thể vô tình đến vậy. Mẹ đẻ đau ốm, khó khăn, tôi mới phải cho, chứ mẹ tôi mà có đủ sức khoẻ và tiền bạc để đi du lịch, tôi sẽ không phải biếu mẹ thêm mà dành khoản tiền đó lo cho cuộc sống gia đình nhỏ của mình.

Một lần khác, con gái tôi ốm nhập viện, ông bà nội ngoại đều rất lo lắng gọi điện hỏi thăm. Ông bà nội nhanh chóng gửi cho cháu mấy triệu để lo viện phí dù chúng tôi không xin. Ông bà ngoại không có điều kiện nhưng cũng gửi gà, gửi rau còn mua thêm các món bổ dưỡng khác ở quê gửi lên để cháu tẩm bổ.

Chồng tôi nói chuyện với con, bảo rằng “sau này lớn phải nhớ ơn ông bà nội, nghe tin con ốm chút thôi, ông bà đã vội gửi tiền để chăm con”, mà không hề nhắc gì đến ông bà ngoại.

Có lẽ từ lâu, chồng tôi đã không coi trọng bố mẹ vợ, không cảm thông cho hoàn cảnh nhà vợ, chỉ biết đề cao giá trị đồng tiền. Với anh, tiền mới là thước đo tình cảm. Nhiều khi tôi ước chưa từng cưới chồng để khỏi phải trải qua những điều chạnh lòng này, khỏi phải khổ sở mỗi lần cho tiền bố mẹ.

Ngọc Linh