Ông chồng phó giáo sư tham lam
Sau bất hạnh với ông chồng bác sĩ biến thái nhân cách, bất nhân bất nghĩa, nữ tiến sĩ bạc phước lại rơi vô cạm bẫy của ông phó giáo sư toán học. Mất mấy căn nhà, gần nửa tỉ bạc chị mới nhận ra bộ mặt lừa lọc của chồng và một lần nữa phải tự tử.
Cuối năm 2000, báo chí đưa tin thầy Tín, phó giáo sư toán, bị mưu sát hụt, cùng với bức ảnh chụp gương mặt anh bị sưng phù đang nằm trong phòng cấp cứu của bệnh viện Chợ Rẫy. Người mưu sát là một thạc sĩ, học trò của vợ anh, một phó giáo sư triết học. Dư luận cho rằng người vợ cũ định giết anh để chiếm đoạt tài sản đang tranh chấp sau ly hôn, bà đi nước ngoài để tạo bằng chứng ngoại phạm.
Khoảng 10 ngày sau, Tín đến nhà tôi, mắt vẫn còn sưng: “Nghe mấy đứa sinh viên nói cô vừa mua ngôi nhà này, còn một tầng lầu định cho thuê?”
Lời đường mật
Mùng hai tết năm ấy, Tín mời tôi đi du xuân, tôi ngần ngại không đi. Anh chở hai đứa con gái tôi đi Suối Tiên. Chiều về hai đứa nhỏ khoe một xấp hình chụp những cảnh Tín đang đùa vui với chúng, quấn quýt nhau như cha con. Tín đã khơi dậy trong tôi nỗi khát khao mái ấm gia đình. Sau lễ cưới, tôi nói như van xin anh: “Em bây giờ mọi thứ đã đầy đủ, chỉ cần lòng chung thuỷ của anh”. Tín quay xe sang một hướng khác và dừng lại trước một ngôi chùa rồi nắm tay tôi dẫn vào, thắp nhang thề giữ lòng chung thuỷ. Tôi như lịm đi trong hạnh phúc ngọt ngào.
Khi tôi mua ngôi nhà ở đường Hồ Văn Huê, Tín bàn: “Mình đã là vợ chồng rồi, phải có trách nhiệm với nhau, 73 lượng vàng còn lại, anh góp vào để hai đứa đứng tên chung”. Đã chuẩn bị sẵn 200 lượng vàng để mua nhà, nhưng tôi cũng bằng lòng. Đến ngày thanh toán, Tín rầu rĩ than: “Con mụ ấy vẫn ngoan cố chưa chịu thi hành án… để anh đi cầm chiếc xe”. Tín lái xe đi, chiều về anh lại rầu rĩ nói: “Xe nằm trong tài sản phải chia, mụ ấy không cho anh cầm cố”. Tôi nói thật lòng, định mua ngôi nhà này để bán kiếm lời, cứ để một mình tôi đứng tên, mai mốt có bán làm thủ tục đơn giản hơn. Tín cho rằng tôi tính toán thiệt hơn, vợ chồng mà làm như vậy khó coi. Thấy anh có vẻ phật lòng nên khi làm giấy chủ quyền, tôi để anh đứng tên chung.
Hai tuần sau, Tín được chia 140 lượng vàng theo bản án ly hôn. Anh tâm sự: “Bố mẹ anh đã già, từ hôm anh bị mưu sát đến nay, hai cụ phải ở nhà thuê. Ta mua cho hai cụ một ngôi nhà khác, em bán ngôi nhà ngoài quận 3 để góp vào, coi như tài sản chung của hai ta. Anh sẽ làm giấy xác nhận hẳn hoi”. Tôi nghe lời Tín, bán ngôi nhà trên đường Nguyễn Đình Chiểu lấy 102 lượng vàng để góp mua một ngôi nhà trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Tín cũng làm giấy tờ ra phường xác nhận cho tôi. Nhưng khi làm giấy chủ quyền thì Tín lại để ông bà cụ đứng tên. Anh giải thích: “Bố mẹ nhạy cảm và tự trọng, nếu để chúng mình đứng tên thì ông bà cụ sẽ mang mặc cảm ở nhờ nhà con dâu. Mai kia mốt nọ ông bà cụ qua đời thì nó là của mình chớ của ai”.
Giá ngôi nhà Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến 300 lượng vàng, Tín mang giấy tờ ngôi nhà Hồ Văn Huê đi thế chấp ngân hàng để vay thêm 73 lượng. Trong hồ sơ vay, Tín lại ghi mục đích sử dụng là để mua chính ngôi nhà Hồ Văn Huê, mà con số 73, trùng hợp với lần thanh toán sau cùng của ngôi nhà này. Lúc ấy, tôi như kẻ ngây thơ trước những lời ngọt ngào của Tín. Cứ luôn tự hào rằng mình đang sống với một người chồng trí thức và tử tế. Thậm chí, một năm sau, thấy vàng lên giá, tôi mang 65 lượng ra giải chấp cho Tín mà không chút phàn nàn, cũng không buộc anh phải làm giấy tờ xác nhận.
Một hôm, đang ngồi ăn cơm thì bỗng dưng Tín tỏ ra trầm tư. Tôi hỏi chuyện gì, Tín tâm sự: “Hồi con gái anh du học, anh phải vay 400 triệu đồng, nhưng khi ly hôn con mụ ấy không thừa nhận”. Hôm sau, tôi ra ngân hàng rút 400 triệu đồng cho Tín. Anh xúc động tự nguyện lấy giấy viết ra làm biên nhận, hứa trả trong vòng tám năm, mỗi năm 50 triệu đồng, lãi suất một năm là 8,7 phần trăm.
Tín rủ tôi hùn mua lô đất hơn ba ngàn mét vuông ở Bình Châu với giá 180 triệu đồng. Qua vụ mua bán này Tín bộc lộ bản chất của mình: thứ nhất, khi làm giấy chủ quyền thì chỉ một mình Tín đứng tên; một người bạn đã rỉ tai tôi rằng giá thực của lô đất ấy chỉ có 90 triệu đồng. Tín không bỏ tiền ra mà được đứng tên lô đất.
Tôi ngồi ngẫm nghĩ và xâu chuỗi lại: ngay sau khi làm vợ Tín, tôi đã mất một nửa ngôi nhà vì cho Tín đứng tên chung; tiếp đó tôi mất trọn ngôi nhà Nguyễn Đình Chiểu; thứ ba, một năm sau thì tôi mất thêm 65 lượng vàng để trả nợ cho ngôi nhà của bố mẹ anh; thứ tư, sau đó ít hôm thì tôi mất tiếp 400 triệu đồng, và bây giờ, Tín trắng trợn lừa tôi trong lô đất Bình Châu.
Bộ mặt thật
Bi kịch bắt đầu xảy ra kể từ hôm tôi phát hiện mất cái máy nước nóng trong nhà tắm. Anh nói thấy không xài nên anh gỡ nó mang về nhà bố mẹ. Nhà bố mẹ anh không thiếu mà còn xài loại đắt tiền, vậy thì Tín mang đi cho ai? Tôi thuê thám tử theo dõi thì được biết, Tín ăn chơi trác táng, quan hệ bất chính với học trò, với đồng nghiệp, Tín thuê hẳn một căn nhà để chung sống với cô bồ nhí trên đường Hoàng Hoa Thám, Tân Bình. Tôi không làm rùm beng sợ hổ danh người trí thức, nhưng anh tỏ ra nghiêm khắc, chuẩn mực cho rằng tôi nghi ngờ rồi vu khống anh, buộc tôi phải đưa ra chứng cứ. Tôi đã bắt quả tang và ghi lại bằng hình ảnh rõ ràng.
Trong cơn cuồng quẩn, một lần nữa tôi liều mình tự tử. Hôm sau thấy mình nằm trong bệnh viện Trưng Vương. Khi xem hồ sơ, biết mình nhập viện lúc ba giờ sáng. Tôi chợt nghĩ, tôi uống mười viên seduxen trước mắt Tín vào lúc bảy giờ tối, đến ba giờ sáng anh mới đưa tôi nhập viện, nghĩa là anh thật sự muốn cho tôi chết.
Một hôm, tôi đang giảng bài thì thám tử báo tin: Tín đến tiệm rượu của người học trò cũ gạ bán toàn bộ số rượu ngoại là rượu nghĩa rượu tình nhân viên đã tặng tôi và anh vào dịp lễ tết.
Khi tôi chuyển số rượu ấy đi nơi khác, Tín quy giá tủ rượu ấy là một trăm triệu đồng, nếu tôi lấy thì phải trả lại anh năm mươi triệu.
Về đến nhà, Tín mở khoá rào, bất ngờ anh đập ổ khoá vào mặt tôi, máu tuôn xối xả. Sáng hôm sau, tôi mời anh lên taxi ra tiệm rượu quen nhờ định giá. Hoá ra hầu hết là rượu giả, số rượu thật còn lại chỉ đáng giá năm triệu đồng. Tôi lấy hai triệu rưỡi đồng ra đưa cho Tín và mang một nửa số rượu về nhà làm kỷ niệm.
Cuối năm ấy, tôi xin ly dị. Nhưng đã hơn một năm nay toà vẫn chưa xử được vì chưa xác định đâu là tài sản riêng và đâu là tài sản chung. Giấy xác nhận tài sản riêng của tôi về ngôi nhà Hồ Văn Huê bị đánh cắp, Tín vẫn khăng khăng đó là tài sản của anh, nay thì nói toàn bộ, mai lại nói một nửa.
Với luật pháp, tôi có thể gởi niềm tin vào công lý, dù biết rằng còn lắm gian nan. Nhưng với cuộc đời, khi vẫn còn tồn tại những thầy thuốc như Đức, những nhà giáo như Tín thì tôi luôn ám ảnh, phập phồng, lo sợ trước những mối nguy hiểm đang tiềm ẩn và sẽ tiềm ẩn.
Theo Võ Đắc Danh
Ghi theo lời kể của chị T.T.D/Sài Gòn tiếp thị