Bi kịch làm vợ ông thầy thuốc ác đức

Trải qua cuộc hôn nhân lừa lọc nghiệt ngã với một với bác sĩ, chị D., một tiến sĩ khoa học đã phải nhiều lần tự sát hụt. Bi kịch gia đình ở một số người có bằng cấp đôi lúc còn tệ hại hơn so với giới bình dân.

Thương anh nhà nghèo học giỏi

 

Gia đình tôi thuộc vào loại khá giả ở Trà Vinh. Năm 1984, tôi đậu vào đại học Sư phạm Cần Thơ. Ba tôi mua căn nhà cho tôi ở, có người giúp việc, có cả xe cup 70. Hồi ấy xinh gái, hát hay nên tôi được nhiều bạn trai ngưỡng mộ, trong đó có Đức học ngành y cùng khoá. Tôi quý Đức là con nhà nghèo học giỏi. Đức quê ở tận Thất Sơn nghèo khó, gia đình đông anh em, cha mẹ ly thân. Đức chạy xe đạp ôm để giảm bớt nỗi lo cho mẹ và chị.

 

Một chiều, Đức báo tin xe đạp bị ăn trộm mất. Hôm ấy tình cờ ba tôi sang thăm. Anh nghèo mà học giỏi nên ba tôi cũng quý. Ông thẳng thắn: “Nếu cháu thương nó thật tình thì đưa người lớn sang, đám cưới xong bác nuôi luôn hai đứa”.

 

Đám cưới chúng tôi tổ chức rình rang ở ba nơi: Cần Thơ, Thất Sơn và Trà Vinh. Trong lúc tiệc tùng đang vui thì ba tôi biến mất. Tôi chạy lên sân thượng thấy ba tôi đang ngồi khóc. Ba nói: “Gả con cho thằng Đức, ba mừng lắm, mừng vì nó nghèo đến mức không còn gì để nghèo hơn nữa. Nghèo mà có học, lại hiền lành. Ba nuôi nó ăn học để sau này, lỡ nó có phụ cái tình thì cũng còn cái nghĩa, mà phụ cái nghĩa thì cũng còn cái ơn. Ba hy vọng như vậy, và ba tin như vậy”.

 

Cũng trong đêm trọng đại đó, ba tôi nói với Đức: “Nếu cần, ba có thể cho con hết tài sản của ba. Nhưng con không được xử tệ với con gái của ba, không được làm cho nó khóc dù chỉ một giọt nước mắt. Con nhớ không, con có dám hứa không?”

 

Đức im lặng gật đầu.

 

Đức không còn phải đạp xe kiếm sống. Hàng ngày, anh chở tôi đi học bằng xe gắn máy. Về nhà đã có mâm cơm dọn sẵn.

 

Ông thầy thuốc ác đức

 

Ra trường, ba tôi đã lo sẵn chỗ làm, Đức vào khoa ngoại bệnh viện tỉnh, tôi dạy tại trường cấp ba thị xã Trà Vinh. Ba mua cho chúng tôi một căn nhà ngay trung tâm thị xã, để Đức mở phòng mạch sau này.

 

Ba tôi qua đời. Mất chỗ dựa cả vật chất lẫn tinh thần, tôi càng thấy Đức là người quan trọng nhất đời mình nhưng Đức có những biểu hiện làm cho tôi choáng váng.

 

Bẫy được con chuột sống, anh mang dao mổ cắt ra nhiều mảnh, vừa cắt, vừa cười. Tôi cố lý giải Đức xé sống con chuột do mê nghề phẫu thuật. Nhưng, nụ cười hể hả của Đức trước sự giãy giụa của con chuột cứ luôn ám ảnh tôi.

 

Một lần, ngay sau phút ái ân nồng thắm, Đức khoe vừa phá trinh một cô gái trẻ. Anh đã gạ gẫm con gái một bệnh nhân chờ mổ, sẽ mổ sớm và bảo đảm cứu mạng cha cô với điều kiện... Thương cha, cô gái đã chấp nhận. Tôi lại thêm một lần choáng váng.

 

Một hôm, công an, thanh tra y tế… áp giải Đức vô nhà. Thì ra, Đức gạ bán thuốc giả cho bệnh nhân… Tôi đã sử dụng tất cả các mối quan hệ tình nghĩa của ba tôi và của tôi để dàn xếp, cứu Đức khỏi tù tội, khỏi bị đuổi việc. Đức mở phòng mạch tại nhà. Một hôm, có một ông lão từ huyện xa đến thông ống tiểu phải ngồi chờ hàng tiếng đồng hồ. Khi biết ông lão chỉ còn bốn chục ngàn đồng Đức quơ tay giựt mạnh ống thông tiểu, ông già nẩy người, một dòng máu tuôn xuống đất. Tôi vừa khóc vừa nói với Đức: “Mình đâu phải thiếu tiền, cái ống thông tiểu chỉ có năm ngàn đồng, chẳng lẽ mình không thể làm phước được sao?”, Đức im lặng.

 

Một bác sĩ nhãn khoa nổi tiếng trùng tên Đức vừa chuyển về Sài Gòn. Đức mạo nhận mình là bác sĩ này. Tôi cản, Đức bảo bệnh mắt thông thường, thầy lang còn chữa được, huống chi anh là bác sĩ. Quả nhiên, có bệnh nhân gặp sự cố phải múc bỏ một tròng mắt, người nhà phát đơn kiện. Tôi phải lên Sài Gòn nuôi bệnh, tốn mấy lượng vàng đền bù thiệt hại, gia đình nạn nhân mới chịu bãi nại. Tủi nhục, thất vọng, tôi tự tử nhưng bất thành. Trong tận cùng của sự đau khổ, tôi nghĩ dù sao Đức cũng là cha của hai đứa con gái của tôi, tôi kiên trì tiếp tục cuộc sống chung, hy vọng Đức sẽ thay đổi theo hướng thiện.

 

Tôi thi vào trường đại học Tổng hợp TPHCM. Trong năm năm tôi lấy bằng cử nhân và bằng thạc sĩ loại xuất sắc, được tuyển nghiên cứu sinh tiến sĩ và phải trả giá đắt cho sự phấn đấu này.

 

Hôm ấy, tôi về đến nhà, anh thợ sửa đồng hồ đến đưa chiếc đồng hồ nữ còn mới tinh, anh nói: “Bác sĩ nhờ tôi thâu sợi dây đồng hồ cho chị”. Đức về, tôi hết sức bình tĩnh kể lại lời nói của anh thợ. Đức giựt chiếc đồng hồ: “Cái này tôi mua cho bồ tôi chớ đâu phải cho em” rồi nổ máy xe chạy đi mất.

 

Tôi tìm đến nhà trọ, cô gái ấy thản nhiên trả lời: “Em là gái làm tiền, ai mua em cũng bán, có gì đâu mà chị phải ghen”. Tôi câm miệng trong nhục nhã, ê chề. Tôi trở lên Sài Gòn, hai tuần sau quay về, Đức đã đem cô gái ấy về ở trong nhà! Đức bình thản giải thích: “Ba tôi ngày xưa cũng đem má tôi về ở chung với bà lớn, chuyện bình thường”.

 

Tôi nhớ đến lời mời của một trường đại học ở Sài Gòn. Nhưng đến bến bắc Mỹ Thuận, bỗng dưng bao nhiêu tâm huyết của tôi bị chùn xuống, tôi đã lao mình xuống sông Tiền. Khi được cứu sống, tôi trở thành vật lạ cho hành khách qua đường, trong hàng trăm ánh mắt thương cảm pha lẫn tò mò.

 

Chia tay, mất luôn cả căn nhà

 

Đang khốn khó giữa đất Sài Gòn thì chú tôi xuất hiện, trao số vàng mà ba tôi đã gởi. Nhờ vào đó tôi đã mua được đất đai, nhà cửa ở Sài Gòn.

 

Tôi vẫn còn thương Đức, vẫn hy vọng Đức sẽ hồi tâm. Đêm nào tôi cũng gọi điện thoại về nhà khóc than, tâm tình với Đức. Rồi một ngày, anh xuất hiện, cười tươi bảo tôi về với anh. Tôi mừng vui bỏ tất cả những gì đã làm được ở Sài Gòn, kể cả con đường du học để về quê với Đức. Đức lại hiện nguyên hình con người cũ. Anh kể về chuyện làm tình với cô này cô nọ. Tôi xin lãnh đạo sở Y tế cho Đức đi học chuyên khoa I. Cũng như hồi mới cưới, Đức lên Sài Gòn với mọi thứ đã có sẵn. Tôi lại phát hiện hàng chục tấm ảnh Đức đang làm tình với một cô gái lạ tại ngôi nhà cũ dưới Trà Vinh.  Dường như ở Đức bình thản khi làm mọi thứ trên đời, kể cả cái hôm tôi bắt quả tang Đức đang làm tình với cô cave cạnh bên phòng đứa con nhỏ đang học bài. Tôi đòi ly dị, Đức cũng bình thản nói: “Ừ, ly dị thì ly dị nhưng phải cho anh ở nhờ đến khi học xong”.

 

Ra toà, anh xác định không có tài sản riêng, cũng không có tài sản chung, nhà cửa hiện có là của vợ. Ly dị xong, tôi vẫn cho Đức ở chung, vẫn nấu cơm, vẫn giặt, ủi quần áo cho anh, thậm chí vẫn cho anh mượn tiền xài. Học xong, trở về Trà Vinh lấy vợ mới, Đức lại tìm gặp tôi than khó khăn về chỗ ở. “Ngôi nhà cũ, giá ba mươi lượng em cho anh một nửa, còn lại mười lăm lượng, anh sẽ trả trong ba năm”. Hết tình còn nghĩa, tôi bằng lòng. Đức hỏi mượn thêm hai mươi triệu, tôi cũng chịu. Nhưng sau đó. Đức trở mặt kiện đòi chia tài sản. Án sơ thẩm buộc tôi giao trọn căn nhà cho Đức, tôi kháng cáo án phúc thẩm coi căn nhà là tài sản chung và buộc tôi phải chia đôi giá trị, giao nhà cho Đức.

 

Theo Võ Đắc Danh

(ghi theo lời kể của chị T.T.D)/ Sài Gòn tiếp thị

 * Kỳ sau: Ông chồng phó giáo sư tham lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm