Ở nhà chồng nuôi

Không ít gia đình theo mô hình này đã rơi vào bi kịch khi một trong hai người không còn hiểu và chia sẻ được vai trò của người kia.

Năm năm trước, chị Hoa làm nghề giáo viên. Sau khi sinh đứa con thứ hai thì sức khoẻ suy sụp. Trong lúc ấy, anh Dũng chồng chị được thăng tiến trong công việc, tiền bạc kiếm được cũng dư dả. Vì thế, anh khuyên vợ nghỉ làm ở nhà để nghỉ ngơi, bồi bổ sức khoẻ, có thời gian chăm sóc và dạy dỗ con cái.

 

Lúc đầu Hoa lưỡng lự vì thời gian công tác trong ngành giáo dục đã được gần 10 năm. Nếu bỏ, chị cảm thấy tiếc và nhớ trường, nhớ lớp... Tuy nhiên, cuối cùng chị cũng đồng ý, vì những lý lẽ của anh đưa ra rất thuyết phục.

 

Công việc của một người nội trợ trong gia đình như dọn dẹp nhà cửa, chợ búa, cơm nước và chăm sóc hai đứa con nhỏ đã chiếm hết thời gian của chị. Nhưng điều đáng buồn là từ ngày ở nhà, mọi chuyện chi tiêu đều phải trông chờ vào... kinh phí của chồng, quan hệ vợ chồng thường xuyên xảy ra những chuyện cơm không lành, canh không ngọt.

 

Thỉnh thoảng chị cũng cần có những khoản riêng để làm đẹp như bao phụ nữ khác như quần áo, mỹ phẩm... Song mỗi lúc cần những khoản ấy, chị lại mang mặc cảm, tự ái vì phải ngửa tay xin chồng.

 

Thời gian đầu, anh Dũng còn hào phóng chi cho vợ, nhưng càng về sau anh càng tỏ ra lơ là. Tệ hơn, càng ngày anh càng tỏ ra không còn tin tưởng chị. Tiền kiếm được, ngoài những khoản chi trong gia đình, còn bao nhiêu anh cất giữ, tiêu xài mà chị Hoa chẳng hề được biết...

 

Chị Trang quyết định về với anh Bưởi trong khi chưa có việc làm. Vì thế, kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào thu nhập từ nghề kỹ sư xây dựng của anh. Chồng đi làm, vợ ở nhà trông nom nhà cửa và lo toan công việc nội trợ.

 

Ở khu xóm lao động, những phụ nữ son rỗi “ở nhà, chồng nuôi” như chị Trang không phải hiếm. Ngoài công việc chợ búa, nấu cơm, thời gian rảnh rỗi còn lại không biết làm gì, các chị thường tụm năm, túm ba để “tám”.

 

Lúc đầu chỉ chơi vui để giết thời gian, nhưng càng ngày chị Trang càng lậm vào trò chơi đỏ đen đó. Chị giấu chồng bằng cách chơi vào lúc anh đi làm và có mặt ở nhà trước khi chồng về. Và để có tiền, chị phải bớt xén những khoản chi tiêu trong gia đình, nhiều lúc cay cú ăn thua, chị bỏ bê luôn cả việc nhà.

 

Đến một lúc, chị phải đi vay nóng để tiếp tục giết thời gian tại những sòng “chến” đó. Khi món nợ lên đến vài triệu đồng, Trang phải mang bán cả vòng vàng, dây chuyền - những vật kỷ niệm trong ngày cưới để trả nợ. Chuyện đổ bể, anh Bưởi thấy không còn có khả năng hàn gắn được nữa nên đã đưa đơn ra toà xin ly dị...

 

Hai câu chuyện trên chỉ là những khía cạnh nhỏ đề cập đến những người phụ nữ rơi vào hoàn cảnh phụ thuộc. Trên thực tế, còn nhiều bi kịch khác mà hậu quả không phải ai cũng lường trước.

 

Cuộc sống vợ chồng chẳng may trục trặc dẫn đến phải ly hôn, người phụ nữ sẽ bị tước đi quyền chăm sóc, nuôi nấng con cái vì họ không có khả năng độc lập về kinh tế. Hơn nữa, khi phải sống lệ thuộc chồng, nếu chẳng may gặp phải những ông có tính “bủn xỉn”, cân đong đo đếm từng lọ mắm, củ hành... thì cuộc sống lứa đôi rất dễ rạn vỡ.

 

Giải pháp tốt nhất là người phụ nữ nên có một công việc phù hợp với hoàn cảnh, trừ khi vì lý do bắt buộc nào đó phải ở nhà. Công việc không chỉ có thêm thu nhập đóng góp cho ngân sách gia đình, mà điều này còn phòng xa mọi rủi ro, bất trắc lúc chồng bị tai nạn, ốm đau, thất nghiệp...

 

Người phụ nữ có việc làm sẽ tạo được vị thế của mình đối với chồng con trong gia đình. Đồng thời đó cũng là một trong những cách thiết thực tạo nên sự bình đẳng giới giữa vợ - chồng, hạn chế được nạn bạo hành xuất phát từ quan điểm “chồng chúa vợ tôi”.

 

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm