Nước mắt "tò vò" sau những bản kết luận ADN
Cuộc sống bỗng trở thành bi kịch khi một ngày nọ, họ bước ra từ phòng xét nghiệm ADN, trên tay là tờ giấy chứng minh họ đích thực là kiếp tò vò bấy lâu nuôi đứa con không phải huyết thống của mình.
Xách ba lô lên và đi
Người đàn ông ngoài 40 tuổi đến phòng xét nghiệm với bộ dạng bảnh bao nhưng khuôn mặt buồn rầu. Anh cho biết, anh lấy vợ hơn 10 năm nhưng không có con. Ức chế trước sự thúc giục của gia đình hai bên, hai vợ chồng anh đã có một trận cãi nhau to. Sau đó người vợ bỏ về nhà ngoại và tuyên bố sẽ ly dị.
Nhưng rồi chỉ một thời gian ngắn sau, chị vợ lại thông báo với chồng là mình đã có thai. Hai vợ chồng vui mừng khôn xiết, giảng hòa với nhau và cùng hồi hộp chờ mong đứa con ra đời. “Tôi không bao giờ quên ngày hạnh phúc nhất đời tôi khi được bế đứa con gái bé bỏng của tôi trên tay” – anh tâm sự với giám định viên.
Công việc làm ăn khó khăn, công ty riêng của anh lâm vào bờ vực phá sản. Để giữ cho vợ và con gái mái nhà phòng thân, người chồng đã quyết định sang tên ngôi nhà cho vợ con. Giấy tờ sang tên chưa khô mực thì hai vợ chồng anh vì bất đồng quan điểm lại có một cuộc cãi nhau lớn như trước đây. Lần này, người vợ không bỏ đi đâu hết mà chỉ lạnh lùng tuyên bố:
“Anh không còn gì ở cái nhà này hết, nhà đã mang tên tôi và con gái cũng không phải là con anh”. Người đàn ông chết sững như sét đánh ngang tai.
Người chồng đau khổ quyết định đi xét nghiệm ADN, những mong vợ mình trong lúc nóng giận chỉ nói xằng vậy thôi. Ngày đến lấy kết quả, anh xách theo một chiếc ba lô và một va li như chuẩn bị cho một chuyến đi xa. Anh giải thích với giám định viên là nếu kết quả cho biết con gái không phải con anh thì anh sẽ bỏ đi xa luôn khỏi thành phố vì “nhà đã không còn, con cũng không phải thì còn lý do gì để ở lại nữa”.
Cầm kết quả trên tay, người đàn ông bật khóc. Bởi đúng như lời người vợ đã nói, cô con gái mà anh yêu thương hết mực bao nhiêu năm nay không phải con anh.
Bí mật được giấu kín
Yêu thương hai đứa con trai hết mực nên khi người vợ đòi nuôi hai đứa con trai sau khi ly dị khiến ông B. chết lặng. Vợ ngoại tình, không thể tha thứ được nữa nên ông phải đành ly dị, nay lại phải sống rời xa hai đứa con trai. Người vợ tai quái dường như cũng biết được tình cảm của chồng với hai con nên ngoài chuyện yêu cầu chu cấp, bất kỳ có việc gì dù con chỉ hơi nóng đầu, nửa đêm nửa hôm cũng gọi bố đến.
Sau một thời gian, ông B. tái hôn. Nhưng lạ một nỗi là sống với nhau cả vài năm trời mà người vợ hai không sinh con. Hai vợ chồng dắt nhau đi khám, kết quả làm ông B. bất ngờ: “con giống” của ông rất yếu nên khả năng có con vô cùng thấp.
Trở về nhà, ông B. vừa bị dằn vặt bởi nỗi buồn của người vợ hai lại vừa băn khoăn khi nghĩ đến hai đứa con của người vợ trước. Vì ông B. là trưởng tộc của dòng họ nên bố mẹ ông yêu cầu ông đi làm xét nghiệm huyết thống để xem hai đứa cháu trai có phải máu mủ nhà mình hay không.
Kết quả xét nghiệm ADN cho thấy, chỉ có đứa lớn là con ông, còn đứa thứ hai không phải. Đau khổ, nửa tin nửa ngờ, ông B. tìm đến bác sĩ nam khoa để hỏi lần nữa và bác sĩ giải thích chứng bệnh yếu “con giống” của ông phụ thuộc vào từng giai đoạn nên không thể khẳng định ông vô sinh tuyệt đối. Như vậy có nghĩa là kết quả ADN đã đúng, ông có con, dù chỉ là một trong hai đứa.
Nhưng khổ nỗi, ông B. lại rất yêu cả hai đứa con trai của mình nên ông không thể nào đi ngược với tình cảm của mình để nói lên sự thật đau lòng này và lựa chọn nuôi đứa này, bỏ đứa kia. Thế nên, khi bố mẹ ông hỏi kết quả thế nào, ông quyết định giấu sự thật trả lời với bố mẹ rằng cả hai cháu đều là cháu nội của ông bà cả.
“Tôi đã tự tay nuôi hai đứa con từ nhỏ, chúng như khúc ruột của tôi nên tôi không thể nói ra sự thật này. Làm thế khác gì tôi tự cầm dao cắt đi một phần thân thể của mình” – ông B. tâm sự.
“Rất nhiều năm đã trôi qua nhưng người đàn ông ấy vẫn sống với bí mật của riêng mình. Những đứa con vẫn không hề biết rằng giữa mình có sự khác biệt và người cha cũng không có sự phân biệt gì trong việc đối xử với cả hai người con. Đây thật sự là một người đàn ông cao thượng” – các giám định viên của Khoa Xét nghiệm sinh học Viện Pháp y quốc gia khi kể lại câu chuyện này với phóng viên đều nói vậy.
Được biết, chứng kiến tâm trạng đổ vỡ của người đàn ông xách ba lô, va li đến lấy kết quả, họ - những giám định viên pháp y đã trở thành những nhà tâm lý bất đắc dĩ, dùng lời khuyên của mình để “lau khô” những giọt nước mắt đàn ông đau khổ:
“Anh hãy trở về nhà vì đứa bé không có tội tình gì cả. Nó vẫn rất cần tình cảm của một người cha là anh. Ở đời ai cũng phải sống với một nỗi đau. Nhưng chừng nào tình cảm còn thì nỗi đau ấy sẽ nguôi ngoai rất nhiều”.
… Rất nhiều nước mắt đã rơi trên các tờ kết quả xét nghiệm huyết thống và trong đó phần nhiều là nước mắt đàn ông. Và cũng từ đây, một điều đã được nhận ra rằng: Tình cảm của con người đâu chỉ được hình thành trên mỗi nền tảng huyết thống mà còn từ sự yêu thương, chăm bẵm trong một thời gian dài.
Và chính vì thế, quyết định cao thượng của nhiều người đàn ông trước những “đứa con tu hú” của mình có thể thật khó hiểu với người ngoài, nhưng đó lại là điều mà trái tim họ mách bảo nên làm.
Theo Hoàng Minh
Pháp luật Việt Nam