Nước mắt chảy xuôi
(Dân trí) - Chủ nhật rồi đến chơi nhà bạn, thấy bạn đang ngồi bón cơm cho mẹ ăn. Mẹ bạn tỏ ý muốn thôi, bạn lại cố dỗ mẹ ăn thêm vài miếng nữa, mẹ bạn quay mặt đi, khiến vài hạt cơm rơi vãi xuống sàn nhà. Bạn cáu, thế là mẹ khóc, con khóc.
Bạn từ nhỏ đã không biết cha mình là ai. Mẹ bạn sau phút dại khờ đã cam chịu bao nhiêu điều tiếng để sinh ra bạn. Không có nghề nghiệp ổn định, không được trợ giúp từ người thân, mẹ bạn làm tất cả mọi việc để có thể có tiền nuôi bạn khôn lớn học hành. Ai bảo đàn bà là yếu đuối, chứ mẹ bạn đã một mình đứng vững giữa bão giông. Từ nhỏ bạn đã quen những tiếng gõ cửa mỗi đêm. Những người đàn ông biết gia cảnh nhà bạn mẹ đơn con chiếc nên tìm đến gạ gẫm. Những lúc như thế mẹ ôm bạn vào lòng thủ thỉ: Đừng sợ, con gái mẹ sau này phải mạnh mẽ hơn mẹ, nhất định không để mình phải khổ vì đàn ông.
Bạn lớn lên, học hành tử tế rồi đi làm. Mẹ bạn tưởng đã có thể ngơi nghỉ để cậy nhờ con thì tai họa ấp xuống. Sau một cơn tai biến, mẹ bạn liệt nửa người, mọi sinh hoạt cá nhân từ đó không thể một mình xoay xở. Bạn đã hơn ba mươi tuổi, vẫn chưa lấy chồng. Không phải không có ai yêu, chỉ là những người khi có ý định tiến xa hơn nhìn thấy gia cảnh bạn bỗng chùn lòng. Chẳng ai muốn đến nhà bạn ở rể, họ cũng chẳng đồng ý đưa mẹ bạn về nhà mình chăm sóc, mà bạn thì không thể để mẹ ở một mình.
Tuổi thanh xuân cứ vùn vụt qua đi, ngôi nhà vẫn chỉ có hai người đàn bà hao mòn nụ cười, vắng thưa tiếng nói. Và hôm ấy, khi nghe bạn nổi cáu với mẹ, khi thấy nước mắt tủi hờn của mẹ bạn rơi, chợt nhớ đến câu: “Khi cha cho con ăn, cha con cùng cười. Khi con cho cha ăn, cha con cùng khóc”. Nghĩ đến đó tự nhiên lòng tôi chùng xuống. Tôi nhớ mẹ.
Tôi nhớ những ngày tôi còn thơ bé, được mẹ dắt đi chợ, đi chơi. Mỗi sáng dậy mẹ thường ngồi tết tóc đuôi sam cho tôi, xong rồi ngồi ngắm và khen tôi xinh khiến tôi cười tít mắt. Tôi nhớ những bữa cơm đạm bạc có cá kho mặn, mì tôm nấu rau muống, mẹ ngồi nhìn chúng tôi xì xụp ngon lành, và mẹ nói rằng nhìn các con ăn mẹ không còn thấy đói. Nhớ những ngày mấy chị em rủ nhau tắm mưa rồi cùng nhau lăn đùng ra ốm. Mẹ tất tả kiếm lá nấu nước xông cho từng đứa một. Mẹ nấu cháo hành, đút từng thìa, vừa đút vừa dỗ ăn cho nhanh khỏi. Nhớ những buổi chiều được mẹ tắm cho, tôi vung nước bắn tung tóe lên, thế là mẹ cười con cười rộn rã.
Tôi lấy chồng rồi sinh con. Người ta bảo con gái cần mẹ nhất những ngày sinh nở, mà tôi thì lấy chồng xa, vậy nên tôi xin nhà chồng được về sinh bên nhà ngoại. Sinh đẻ không thuận lợi, tôi nằm viện gần nửa tháng trời, nửa tháng mẹ chăm cháu chăm con bạc phơ cả tóc. Ấy vậy mà có những lúc tôi gắt gỏng với mẹ chỉ vì mẹ pha sữa cho cháu nước không đủ ấm hay khi mẹ sơ ý để khăn sữa và tã của con ở cùng một chậu. Có con rồi, khi biết dồn tâm sức lo cho con từng bữa ăn giấc ngủ, khi lòng đau thắt mỗi khi con ốm con đau, mới hay rằng những ân tình, những chăm bẵm, những săn sóc đã nhận của mẹ cha, có khi đi hết đời này cũng không trả được. Càng nghĩ mắt càng nhòe cay, lòng rưng rưng bỗng dưng muốn khóc.
Tôi có bà chị rất nghiêm khắc với con. Chị cho rằng dạy con mà không dùng roi thì con khó thành người tử tế. Quan điểm của chị đúng hay sai tôi không bàn. Nhưng có một lần chị định đánh con thì con trai chị nói: “Con lớn rồi, con sai thì mẹ bảo chứ đừng đánh con nữa. Con có thể tránh để không bị ăn đòn, cũng có thể đưa tay mà đỡ roi của mẹ. Nhưng con không làm thế, vì nếu con cầm lấy roi không cho mẹ đánh thì chắc là lòng mẹ cũng sẽ đau”. Tôi bảo chị thế là hạnh phúc rồi, con chị thành người rồi. Nó không muốn tránh đòn chỉ vì sợ làm mẹ tổn thương, bởi chẳng có gì đau lòng hơn khi bị con mình chống đối.
Vậy nên, hôm rồi cô bạn bảo có cái clip trên mạng khiến dân tình phẫn nộ xôn xao tôi không dám xem. Clip ấy ghi lại cảnh một người đàn ông đưa mẹ đi khám ở bệnh viện, trong lúc chờ đợi anh ta to tiếng với mẹ, rủa mẹ “sao bà chưa chết đi” sau đó còn vung tay định đánh mẹ. Tôi nghe bạn tôi kể mà lòng cứ nôn nao cảm giác nó bất nhẫn làm sao. Cảm giác của người mẹ ấy lúc đó như thế nào, có lẽ ai làm mẹ rồi mới hiểu. Mình có con rồi mình biết, yêu thương con đến cạn lòng, chăm lo cho con chẳng bao giờ so đo tính toán. Mình mắng con, con cãi một câu đã bực mình rồi. Người đàn ông ấy chắc hẳn cũng làm cha, cớ sao lại có thể nhẫn tâm như thế?
Muôn đời nước mắt chảy xuôi. Chẳng có mẹ cha nào sinh con ra, chăm bẵm yêu thương chỉ cốt để sau này nhờ cậy. Con cái hạnh phúc thì cha mẹ yên lòng, con cái khổ nghèo thì cha mẹ cũng lao đao. Con khôn thì cha mẹ được nhờ, con dại khờ thì cha mẹ xót thương. Cha mẹ chẳng bao giờ vì con đã đủ lông đủ cánh rồi mà hết yêu thương lo lắng. Nhưng phận làm con chúng ta chắc chắn là có nhiều thiếu sót. Nhiều khi cha mẹ ốm đau bận bịu không về được, cứ nghĩ gửi biếu cha mẹ ít tiền đã là có hiếu. Nhiều khi lễ tết từ chối được sum vầy vì còn mê mải những chuyến chơi xa. Nhiều khi cha mẹ nhắc nhở vài điều lại buông lời gắt gỏng “con lớn rồi, con tự biết làm sao cho đúng”. Ta đâu hay rằng, con cái dù trưởng thành khôn lớn tới đâu, dù đi ra làm ông vương bà tướng thế nào, thì với mẹ cha, con vẫn chỉ là đứa trẻ.
Lê Giang