Nữ giáo viên nhận 50 chiếc bánh ăn hỏi từ mẹ chồng trong ngày ly hôn

Hồng Anh

(Dân trí) - "Có lẽ vì chuyện gọi điện hỏi về số bánh cốm còn thiếu trong ngày ăn hỏi, mà mẹ chồng ghim trong đầu là tôi "tham lam, đi đòi 50 chiếc bánh cốm"", chị Hương kể.

Vừa trở về từ tòa án với tờ quyết định ly hôn trên tay, chị Nguyễn Thu Hương (SN 1987, ở Hà Nội) bất ngờ nhận được cuộc gọi của một nhân viên giao hàng. Người này giao đến một thùng lớn bên trong có 50 chiếc bánh cốm, loại dùng trong các lễ ăn hỏi.

Chị Hương khá bất ngờ khi mình không đặt mua loại bánh này mà nhân viên giao hàng lại chuyển đến tận nhà với tên người nhận, số điện thoại của chị.

"Đang chưa kịp hiểu chuyện gì, tôi nhận được điện thoại từ mẹ chồng, mà đúng hơn thời điểm ấy là mẹ chồng cũ. Bà bảo trả tôi 50 chiếc bánh cốm rồi chửi bới rằng tôi tham lam. Tôi thực sự rất sốc bởi dù đã ly hôn, tôi vẫn phải chịu những lời lẽ cay nghiệt từ mẹ chồng", chị Hương kể lại với PV Dân trí.

Chị Nguyễn Thu Hương vốn có một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Chị và chồng cũ quen nhau khi chị mới tốt nghiệp đại học. Ngày ấy, dù bị mẹ của bạn trai phản đối rằng đôi bên không hợp tuổi, lấy nhau một người sẽ yểu mệnh… nhưng cả hai vẫn tiến tới hôn nhân vào năm 2010.

Ngày ăn hỏi, chị Hương thấy sính lễ có 150 bánh xu xê nhưng lại chỉ có 100 bánh cốm, trong khi thông thường số lượng hai loại bánh này thường đều nhau theo quan niệm có đôi có cặp.

Nghĩ rằng mẹ chồng đã để quên lễ ở đâu đó nên chị Hương gọi điện hỏi rõ để có đủ các cặp bánh đáp lễ họ hàng.

"Mẹ chồng tôi bảo rằng bánh chỉ có từng đó chứ không phải thiếu. Tôi cũng vô tư không nghĩ gì nhiều nên mới gọi hỏi. Song có lẽ vì chuyện đó, mà mẹ chồng ghim trong đầu là tôi "tham lam, đi đòi 50 chiếc bánh cốm", chị Hương kể.

Nữ giáo viên nhận 50 chiếc bánh ăn hỏi từ mẹ chồng trong ngày ly hôn - 1

Chị Hương nhận được 50 chiếc bánh cốm trong ngày ly hôn. (Ảnh minh họa).

Sau đám cưới, vợ chồng chị sống chung với bố mẹ chồng trong căn nhà thuộc một quận trung tâm ở Hà Nội. Bắt đầu từ đây, chị Hương vướng vào những mâu thuẫn không hồi kết với mẹ chồng.

"Mẹ chồng tôi làm nghề buôn bán, tính tình khá sắc sảo, nhanh nhẹn. Tuy nhiên, trong đời sống gia đình thì rất hay săm soi, bắt lỗi tới từng sợi tóc, từng cọng rau. Bà dường như có chút ghen tị với con dâu. Tôi lại không khéo và thẳng tính quá. Vì công việc bận rộn nên nhiều khi nhà cửa không được gọn gàng như bà mong đợi", chị Hương cho hay.

Vốn tốt nghiệp Đại học Hà Nội khoa tiếng Anh, chị Thu Hương sớm có kinh tế ổn định nhờ công việc dạy ngoại ngữ. Thời điểm những năm 2010-2012, thu nhập của chị lên tới ba bốn chục triệu đồng một tháng. Trong khi đó chồng chị lại khá nhu nhược, thu nhập chỉ 4 triệu đồng một tháng, từ nhỏ đã phụ thuộc vào gia đình.

Tuy nhiên, vì rất yêu chồng nên chị Hương không quá để ý đến chuyện chênh lệch thu nhập. Chị nghĩ, bản thân có điều kiện kiếm tiền tốt hơn thì sẽ lo kinh tế gia đình.

Dù con dâu bận rộn với các lớp dạy tiếng Anh, nhưng mẹ chồng chị Hương vẫn yêu cầu chị phải chu đáo, tươm tất với công việc nội trợ. Để hai bên không xảy ra xích mích, chị Hương cố gắng nấu nướng đủ hai bữa cơm.

Nữ giáo viên nhận 50 chiếc bánh ăn hỏi từ mẹ chồng trong ngày ly hôn - 2

Dù bị phản đối nhưng chị Hương vẫn quyết làm đám cưới với bạn trai. (Ảnh: P. G).

Tuy nhiên, khi lịch dạy dày đặc, không có thời gian dọn dẹp nhà cửa, chị Hương đành phải thuê giúp việc. Mẹ chồng chị Hương lại không đồng ý mà cho rằng chị đang lôi người về "phá nhà" của bà.

Những ngày đi làm về muộn, sáng chị muốn ngủ nướng một chút thì đã thấy mẹ chồng đứng ngoài cửa phòng đập đập chổi lau nhà. Tiếng động rất mạnh như nhắc khéo chị Hương.

Người phụ nữ này kể, mẹ chồng còn thường xuyên xưng hô mày - tao với chị, trong khi luôn ngọt ngào mẹ - con với con rể. Khi chị Hương thắc mắc thì bà nói rằng con rể là khách, xưng hô mày - tao thì mẹ con mới thân thiện. Là cô giáo, chị không có thói quen ăn nói bốp chát, cay nghiệt nên thường xuyên cảm thấy bị tổn thương.

Đỉnh điểm những lần lời qua tiếng lại, mẹ chồng dùng nhiều từ ngữ khó nghe để nói về chị. Những lần sau đó, chị không muốn tranh luận thêm, chọn cách im lặng thì cũng bị chê trách vì tội "khinh thường" mẹ chồng.

Chị Hương nhớ lại: "Có ngày tôi dạy học 5 ca liên tục, đi làm về nhà đã 10h đêm, nhưng cơm phần chỉ có đĩa rau luộc. Ở góc bếp là nguyên một chậu bát cả nhà ăn xong không rửa. Tôi đành tự nấu đồ ăn, ăn xong rửa bát đến 11 giờ đêm. Nhiều khi, tôi cảm thấy bị kiệt sức khi phải cùng lúc đi dạy và làm việc nhà. Mẹ chồng thì luôn tìm cớ căn vặn, chửi bới".

Vì mâu thuẫn với mẹ chồng mà hai vợ chồng chị Hương thường xuyên cãi vã. Tuy nhiên, người chồng đứng giữa không có bất kỳ động thái nào để hóa giải những mâu thuẫn ấy.  

Để bảo vệ cuộc hôn nhân của mình, chị nhiều lần đề xuất với chồng chuyển ra ở riêng nhưng anh không đồng ý. Sau này chị mới biết, có lẽ vì quá ngán ngẩm không khí gia đình căng thẳng, chồng chị đã ra ngoài tìm người phụ nữ khác để trút bầu tâm sự.

Cuối cùng sau 4 năm sống chung với mẹ chồng, chị Hương đành đặt bút ký vào giấy ly hôn để thoát khỏi cuộc sống ngột ngạt và những bữa cơm uất ức.

"Tôi tự nhận mình không phải là một người hoàn hảo. Tuy nhiên, tôi nghĩ nếu yêu thương, quý mến nhau thật lòng thì cả đôi bên cùng cố gắng để xây dựng một mái nhà yên ấm.

Tôi mong muốn phát triển về sự nghiệp, chăm lo cho kinh tế gia đình. Còn mẹ chồng thì lại coi tôi như osin của gia đình, trọn vẹn mọi việc từ A đến Z. Ly hôn là do tác động từ mẹ chồng, nhưng sau đó, tôi đau khổ phát hiện ra chồng đã có người khác từ trước đó nhiều tháng", chị Hương nhớ lại.

Sau ly hôn, chị Hương sống cùng con trai. Nhìn lại những ngày tháng đã qua chị chia sẻ, bản thân không cổ súy cho việc ly hôn nhưng nếu phụ nữ không thể cứu vãn cuộc hôn nhân thì hãy tìm cách dứt điểm, tìm lối đi cho chính mình.

Nữ giáo viên nhận 50 chiếc bánh ăn hỏi từ mẹ chồng trong ngày ly hôn - 3

Sau 4 năm, chị Hương quyết định ly hôn, tự giải phóng mình khỏi cuộc sống ngột ngạt. (Ảnh minh họa: Sohu).

Mối quan hệ mẹ chồng vốn là câu chuyện muôn thuở trong nhiều gia đình. Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, việc giữ hòa khí khi đôi bên sống chung dưới một mái nhà là cả một nghệ thuật.

Nếu có sự cộng hưởng, cố gắng từ hai phía thì mối quan hệ đôi bên sẽ tránh được mâu thuẫn. Khi có xung đột không nên chọn cách im lặng, nín nhịn vì nếu để tình trạng này kéo dài thì mối quan hệ cả hai sẽ càng thêm tồi tệ, khó hàn gắn.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, điều quan trọng nhất là cần phải học cách tôn trọng, nhường nhịn và quan tâm đến nhau. Mẹ chồng cần có cái nhìn thiện cảm hơn với con dâu, cần thông cảm và chia sẻ với con dâu.

Về phía nàng dâu cần biết san sẻ giúp đỡ mẹ chồng, quan tâm đến sức khỏe của mẹ chồng, chịu khó tìm hiểu về sở thích, tính cách của mẹ chồng để "lựa theo chiều gió".

Người chồng đứng ở giữa cũng cần có sự khéo léo để hòa giải đôi bên, không vì yêu vợ quá mà bênh vợ, cũng không nên vì thương mẹ quá mà nghĩ mẹ mình luôn luôn đúng.

Để tránh việc ly hôn vì những mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng, cách tốt nhất vẫn là sống riêng để giảm bớt những mâu thuẫn có thể gặp phải.

Nếu không thể sống riêng thì đôi bên cần có sự hài hòa, không nên chỉ vì cái tôi hay quan điểm của bản thân mà áp đặt suy nghĩ cho người kia.

(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)