Nơi uốn nắn những chồi non không mọc thẳng

Chúng tôi đến Trường Giáo dưỡng số 2 đúng lúc cơn mưa rào ập đến. Mấy chục học sinh nam trong đội sản xuất đứng dàn hàng, chuyền tay nhau những thúng thóc vào nhà kho để tránh mưa. Thật khó có thể hình dung những cậu trai thành phố nay bê thóc thành thạo như vậy.

 
Nơi uốn nắn những chồi non không mọc thẳng - 1
Trẻ em được đào tạo học nghề, học văn hóa tại Trường Giáo dưỡng số 2.
 
Đổ thóc vào nơi khô ráo, các em còn biết vỗ thúng thóc thật mạnh để lòng thúng sạch sẽ. Thái độ trân trọng lao động, trân trọng đến từng hạt thóc như vậy, có lẽ chỉ đến khi bước chân vào ngôi trường này, các em mới được dạy dỗ và cảm nhận hết.

 

Ở trường vui hơn ở nhà

 

Buổi tối, ở phòng ký túc xá dành cho học sinh nữ, chúng tôi có cảm nhận không khí đầm ấm như một gia đình. Các cô bé quây quần quanh cô Nguyễn Thị Hằng - giáo viên chủ nhiệm Đội học sinh nữ. Nhà gần trường, nhưng tối nào cũng vậy, không khi nào cô về sớm.

 

Cô tâm sự, đối với các em nữ đang tuổi mới lớn, thiếu bàn tay chăm sóc của gia đình, đặc biệt là người mẹ, là một thiệt thòi lớn đối với các em. Là mẹ của 2 cô con gái cũng đang độ trăng tròn, hơn ai hết, cô rất hiểu tâm lý của những học sinh nữ. Từ những “nữ quái” ở ngoài đời, khi vào đây, các cô bé dưới bàn tay chăm sóc của các thầy cô đã trở lại vẻ thùy mị, dịu dàng con gái.

 

Cô bé Đặng Thị Mỹ Vân, tức Vân “chồn” (14 tuổi), ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, có khuôn mặt khá dễ thương. Mái tóc ngắn, nhuộm xanh đỏ ngày mới vào trường, nay đã thay bằng mái tóc dài đen mượt. Từ chỗ ăn nói cộc lốc, trống không, có lẽ những người thân của Vân khó mà tin nổi những từ “vâng, dạ” luôn thường trực trên khuôn miệng xinh xắn của cô bé.

 

Sinh ra trong một gia đình không hoàn thiện, 3 anh chị em Vân có 3 người bố khác nhau. Người mẹ đam mê ma túy, bỏ mặc những đứa con lêu lổng và rơi vào cạm bẫy xã hội. Mới học đến lớp 3, Vân đã bỏ nhà đi bụi cùng một đám choai choai, tụ tập tại một quán nét trên phố Hàng Than. Tối đến, chúng rủ nhau “đột vòm” trộm cắp tài sản.

 

Ngày Vân bị đưa vào Trường Giáo dưỡng cũng là lúc các thành viên trong gia đình cô bé tan đàn xẻ nghé. Anh trai vào tù do bán “thuốc lắc”, mẹ Vân cũng đi Trại Phú Sơn vì bán ma túy. Đứa em út không được ông bố ngoại quốc đón nhận nên phải gửi vào làng trẻ Birla.

 

Hơn 1 năm Vân sống tại trường giáo dưỡng, bố ruột của cô bé mới thăm con được 1 lần. Người mẹ nghiện ngập, sau một thời gian cải tạo trong trại giam đã vô cùng ân hận nhận ra lỗi lầm của mình.

 

Chỉ còn vài tháng nữa, cô bé sẽ hết thời hạn giáo dưỡng. Mẹ thì đi tù chưa biết ngày nào ra. Còn bố, liệu có đón nhận cô bé về sống chung với người vợ mới? “Nếu được ở lại trường, cháu sẽ ở ngay vì ở đây vui hơn ở nhà cô ạ”. Câu nói hồn nhiên, chân thật của cô bé khiến chúng tôi chạnh lòng.

 

Lo cho ngày về của các em

 

Có dịp trực tiếp tâm sự với những trẻ em hư đang được học tập, giáo dục tại Trường Giáo dưỡng số 2, chúng tôi mới hiểu sự khát khao một mái ấm gia đình của những đứa trẻ vốn làm đau đầu người lớn này. Đằng sau cái vẻ ngổ ngáo, gan góc đến xù xì của các em, vẫn còn chút hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng của những đứa trẻ một thời bị nhuộm đen bởi tệ nạn xã hội.

 

Cô Lê Thị Oanh, cán bộ Đội giáo vụ của nhà trường bảo, ngôi trường này chính là một xã hội thu nhỏ. Mỗi học sinh ở đây là một số phận, một mảnh đời khác nhau. Ở các em hội tụ đủ những thói hư, tật xấu tiêm nhiễm từ người lớn, chỉ trừ những tội danh liên quan đến chức vụ. Và khi người lớn đã bất lực, bản thân các em chối bỏ không chịu sự giáo dục của cộng đồng, thì để các em có cơ hội sửa mình, các thầy cô Trường Giáo dưỡng số 2 đã dang tay đón nhận. Khơi gợi phần thiện vốn có trong các em, giúp các em nhận ra lỗi lầm để hướng tới tương lai là công việc thường xuyên và bền bỉ của các thầy cô.  

 

“Mưa dầm thấm đất”, nhiều thầy cô đã không quản ngày đêm, kiên trì cảm hóa, thuyết phục các em, dần đưa số học sinh này vào nền nếp. Đồng thời trong công tác quản lý, trường đã tiến hành nhiều giải pháp vừa siết chặt kỷ luật, vừa thực hiện nếp sống quân sự hóa, vừa đề cao hình thức tự quản, để lập lại trật tự kỷ cương.

 

Kiên trì “dạy chữ, dạy người”, biến cải những thiếu niên hư thành những con người tốt là cả một chặng hành trình đầy gian nan vất vả. Mọi người ở đây đều ra sức cảm hóa, thuyết phục, giáo dục, dìu dắt các em vượt lên số phận, quá khứ lỗi lầm, tạo dựng một tương lai tốt đẹp hơn.

 

Trong quyển lưu bút tại phòng truyền thống của nhà trường, chúng tôi vô cùng xúc động khi đọc những dòng chữ nắn nót của ông Đỗ Văn Dũng, một phụ huynh có con từng học tại đây: “... Hôm nay trang giấy nhỏ này không thể ghi hết được tình sâu nghĩa nặng, khi mà gia đình giơ tay lên đã được người cầm nắm. Thay mặt gia đình chúng tôi xin ghi lòng tạc dạ đến thầy Hiệu trưởng cùng Ban Giám  hiệu, các thầy cô trong trường đã có tấm lòng bao dung, đầy nhân ái để dành cho các cháu nói chung và con của gia đình chúng tôi nói riêng...”.

 

Chia tay Trường Giáo dưỡng số 2, chúng tôi cũng chia sẻ nỗi trăn trở, lo lắng nhất của các thầy cô về tương lai của học sinh sau khi ra trường. Rõ ràng, ở trong trường, các em đã thật sự lột xác. Nhưng khi về với cuộc sống thường nhật, trước gia đình không hoàn thiện, trước sự ghẻ lạnh, kỳ thị của mọi người, trước những cám dỗ của xã hội, ai dám chắc các em không quay trở lại con đường cũ?

 

Học sinh Trường Giáo dưỡng, về cơ bản được bảo đảm các quyền của công dân, quyền trẻ em theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em và Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, ngoại trừ một số quyền như: Quyền chung sống với cha mẹ, đoàn tụ với gia đình; quyền tự do đi lại, cư trú… bị hạn chế trong thời gian ở trường.

Nhưng các em lại được hưởng các quyền như: Được chăm sóc và nuôi dưỡng khi bị tước mất môi trường gia đình; không bị lao động cưỡng bức hay kỷ luật hà khắc về thể xác và tinh thần; được tôn trọng phẩm giá; được duy trì mối liên hệ với gia đình; được hưởng những sự chăm sóc đặc biệt; được học hành và tiếp thu một nền giáo dục tiến bộ; được nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí…

 

Theo CAND