Những gia đình bất lực… vì con
Giữa trưa, người đàn bà tiều tụy, cắp chiếc nón lá hớt hải tìm đến trụ sở Công an xã. Nước mắt lưng tròng, chị nói: “Xin các anh cho cháu đi trường giáo dưỡng, gia đình em đã không thể dạy dỗ được nó!”.
Rồi chị bật khóc tức tưởi, nước mắt của sự thất vọng và bất lực đến cùng cực. Chưa đầy chục tuổi, cậu con trai duy nhất của chị đã khiến gia đình điêu đứng.
Bó tay nhìn con hư hỏng
“Tôi năm nay hơn 40 tuổi, có một cậu con trai 14 tuổi. Vợ chồng tôi ly hôn 10 năm rồi, tôi nuôi con và hiện đã lấy vợ mới. Cuộc sống gia đình mới không có vấn đề gì. Vợ tôi yêu con tôi và chưa bao giờ đánh, mắng nó. Vấn đề là ở chỗ tôi không thể dạy bảo được nó... Đó là một đứa trẻ hư, chẳng biết từ bao giờ nó lại đổ đốn đến vậy. Nó không nghe lời tôi, thường xuyên bỏ học, lêu lổng. Học thì vừa dốt vừa lười, năm ngoái đúp lại lớp 6...
Tôi đã dùng đủ mọi cách để khuyên bảo, ngọt nhạt có, quát mắng có... nhưng chẳng có cách nào hiệu quả. Tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, nhu cầu và mong muốn của nó như thế nào, khơi gợi trong nó tình thương với bố mẹ, nhưng chỉ được lúc đó. Nó vâng - dạ, hứa hẹn như thật, như một đứa trẻ đã nhận ra lỗi. Ngay sau đó, khi tôi không để ý, nó đã trốn đi chơi...
Lâu dần thành quen, tôi không thể nói nổi con mình. Nó cũng chẳng sợ ai, ở nhà một lúc quay trước quay sau đã thấy nó mất hút. Có hôm phải đi tìm mãi mới thấy. Bạn bè thì chơi toàn những đứa hư hỏng, chắc những đứa ngoan chẳng ai thèm chơi với nó. Vợ cũ của tôi đi suốt. Năm vừa rồi cô ấy đi lao động nước ngoài về, mẹ con gặp nhau, nó hay xuống đó. Tôi sợ mẹ nó chiều chuộng và làm hư nó từ đó. Giờ nó lại có tính hay ăn cắp vặt, đã có lần, có người đến tận nhà tôi mách...
Thỉnh thoảng nó bị Công an xã gọi vì tội trộm cắp. Tôi rất buồn và cảm thấy bất lực vì không dạy bảo được con. Tôi đã gọi điện hỏi rất nhiều trung tâm tư vấn, đã làm nhiều cách mà không thể thay đổi được tình hình. Tôi đã liên lạc với nơi con học để mong có sự phối hợp, nhưng họ cũng không thể giúp được hơn vì con tôi tự ý bỏ học mà chẳng sợ bị kỷ luật. Phải chăng con tôi không thể ngoan được nữa?
Tôi đã nghĩ đến nước cuối cùng là đưa nó đi trại giáo dưỡng... nhưng thật áy náy và day dứt lương tâm. Sợ rằng dù có thành người hay không thì sau này nó sẽ hận tôi. Và cũng sợ rằng, nếu cứ thế này, một ngày nào đó con tôi cũng sẽ bị bắt... Hãy cho tôi một lời khuyên, tôi rất bối rối và cảm thấy bất lực vì không biết phải làm thế nào với đứa con của mình”.
Những đối tượng vị thành niên tham gia cướp tài sản
Đây chỉ là một trong số rất nhiều tâm sự của các ông bố, bà mẹ chuyển đến các trung tâm tư vấn mà chúng tôi được đọc. Bó tay không dạy được con, cảm giác bất lực đến uất ức và tuyệt vọng, họ mong được chia sẻ, giúp đỡ, mong tìm ra lối thoát. Và khi đứa con tiếp tục quấy phá, không còn cách nào khác, họ chấp nhận đưa con vào trường giáo dưỡng.
Viết đơn xin cho con đi giáo dưỡng
Giữa trưa, người đàn bà tiều tụy, cắp chiếc nón lá hớt hải tìm đến trụ sở Công an xã. Nước mắt lưng tròng, chị nói: “Xin các anh cho cháu đi trường giáo dưỡng, gia đình em đã không thể dạy dỗ được nó!”. Rồi chị bật khóc tức tưởi, nước mắt của sự thất vọng và bất lực đến cùng cực. Chưa đầy chục tuổi, cậu con trai duy nhất của chị đã khiến gia đình điêu đứng.
5 tuổi, nó đã biết lấy trộm tiền của bố mẹ mang đi cho bạn bè. Những trận đòn quá nặng so với một đứa trẻ ở tuổi nó cũng chẳng đủ sức răn đe. Chỉ được vài ngày, Nguyễn Văn H., tên của nó, lại tật nào chứng nấy... Khóa tủ kiểu gì, nó cũng có thể mở được để lấy tiền. Anh chị bỏ cả công việc đi theo nó đến trường. Bố đứng canh ở cổng trước, mẹ chặn ở phía sau trường, nhưng nó đã ngồi ở hàng điện tử chẳng rõ từ lúc nào.
“Cha mẹ hoặc người đỡ đầu là người trước tiên phải chịu trách nhiệm về việc bảo vệ, chăm sóc, nuôi dạy trẻ em, dành điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của trẻ em. Đồng thời cha mẹ, các thành viên lớn tuổi khác trong gia đình, người đỡ đầu phải làm gương tốt về mọi mặt cho trẻ em noi theo. Trong trường hợp ly hôn hoặc trường hợp khác mà cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con chưa thành niên thì vẫn có nghĩa vụ đóng góp để nuôi dưỡng, giáo dục con. Cha mẹ, người đỡ đầu phải chịu trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự về thiệt hại do hành vi của đứa trẻ mình nuôi dạy gây ra”.
(Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em) |
Chị sụt sùi: “Nghe mọi người khuyên can, em hết đánh lại dỗ ngon, dỗ ngọt nhưng nó cũng chẳng thay đổi. Nó bảo: Bố mẹ mua cho con cái máy tính, con chơi điện tử ở nhà sẽ không đi ra ngoài đường và lấy tiền của bố mẹ nữa...”.
Thương con, anh chị gom tiền, cố chạy vạy khắp nơi mua cho nó chiếc máy nhưng đâu lại đóng đấy. Những trận đòn đối với nó đã “nhờn thuốc”. Nó đã vô cảm trước những giọt nước mắt của mẹ.
Khi đặt bút viết đơn xin cho cậu con trai là Nguyễn Quang Long, 13 tuổi, đi cơ sở giáo dưỡng, anh Nguyễn Tuấn Bình suy nghĩ, trăn trở rất nhiều...
Anh thương con nhưng đã bất lực trước đứa con mình sinh ra. Người cha ấy hy vọng rằng trường giáo dưỡng với những hình thức giáo dục thiết thực sẽ giúp con anh sớm trở lại với cuộc sống. Vợ mất sớm, anh Bình một mình bươn chải, nuôi hai đứa con, một trai, một gái đang tuổi ăn, tuổi học.
Công ăn việc làm không ổn định, thu nhập bấp bênh phụ thuộc vào những chuyến xe ôm hằng ngày nên cũng chẳng có nhiều thời gian để ý đến Long... Long ham chơi điện tử rồi bỏ học. Những trận đòn không khiến Long thay đổi. Bố không cho tiền, Long bắt đầu lao vào trộm cắp.
Ngày 2/10/2008, Long trộm cắp điện thoại di động của chị Hồng ở Khương Hạ, Khương Đình, Thanh Xuân, bị Công an phường bắt giữ. Anh Bình muối mặt đến bảo lãnh cho con. Những tưởng sau lần ấy, nó sẽ chừa. Nào ngờ chỉ được dăm bữa, Long lại lấy trộm một chiếc điện thoại khác ở một quán nét, bán lấy tiền chơi những trò vô bổ trên Internet. Bố đánh mắng, nó bỏ nhà đi hoang…
Hệ lụy từ những gia đình không hoàn thiện
Những học sinh chúng tôi gặp ở Trường giáo dưỡng số 2 Ninh Bình là những mảnh đời khác nhau. Nhưng ở chúng đều có một điểm chung là sinh ra trong những gia đình không hoàn thiện. Trường giáo dưỡng hiện có hơn 20 học sinh nữ. Khác hẳn với tấm ảnh trong hồ sơ đưa vào trường giáo dưỡng, không còn mái tóc cắt cua, nhuộm xanh đỏ, cô bé Trần Thị Gái, 15 tuổi, trú tại huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) bẽn lẽn cất tiếng chào khi gặp chúng tôi. Trước khi vào trường giáo dưỡng một tháng, Gái mới biết mặt mẹ.
Gái rơm rớm nước mắt kể với tôi: “Hôm đấy, cháu đi học về, nhìn thấy một người đàn bà lạ ngồi trong nhà. Cháu hỏi ông ai đấy ạ. Ông cháu chỉ cười rồi nói cháu đoán thử xem là ai. Mãi lúc sau, ông cháu nói với cháu rằng đó là mẹ cháu. Có lẽ vì xa cách lâu ngày nên cháu chẳng thấy có tình cảm nhiều với mẹ”.
Cuộc sống thiếu thốn sự chăm sóc của gia đình đã đẩy em vào sa ngã. Khi mẹ đi tù, Gái chỉ là một cô bé mới vài tuổi, nó quá non nớt để có thể hiểu hết những cám dỗ của cuộc sống. Gái cùng anh trai được ông ngoại chăm sóc. Học hết lớp 1 trường làng, Gái bỏ học nên cũng chẳng biết chữ. Khi ông ngoại bị bắt, Gái và cậu anh trai là Trần Xuân Minh (hiện cũng đang học tại trường giáo dưỡng) được đưa vào trại trẻ mồ côi nuôi dưỡng. 3 năm sau đó, ông ngoại ra tù, Gái và anh được đưa trở về gia đình. Gái bỏ nhà đi lang thang, thú vui duy nhất là vùi đầu vào hàng điện tử.
Khi nói về Internet, Gái tỏ ra hứng khởi, khác hẳn vẻ e dè ban đầu: “Cháu chẳng cần ăn, cứ thấy được chơi là đủ no. Có lúc cháu ngồi liền 2-3 ngày, mắt trũng sâu, sau thì nằm ngủ bù mấy ngày liền”. Ông ngoại khuyên can không được, Gái quậy phá, gây sự với hàng xóm... Gái cùng đám bạn xấu tham gia trộm cắp trên địa bàn, tiền kiếm được đều cho vào quán nét...
(Còn nữa)
Theo CAND