Nỗi oan của nàng dâu "hồ ly tinh" khi sống chung với mẹ chồng

Nàng dâu này khủng hoảng khi sống chung với mẹ chồng mà nguyên nhân chính là do cháu trai tự nhiên bài xích bà. Dưới đây là chia sẻ thấm thía của chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa.

Em năm nay 28 tuổi, lập gia đình được hơn 3 năm rồi và hiện tại con trai em đã được gần 3 tuổi. Chồng em là con một nên từ ngày cưới đến giờ vợ chồng em vẫn sống chung với mẹ chồng . Giai đoạn đầu sống chung cũng không có nhiều mâu thuẫn. Nhưng gần đây em bắt đầu rơi vào trạng thái khủng hoảng trong mối quan hệ với mẹ chồng. Mà nguồn cơn tất cả cũng từ bé con nhà em.

Công bằng mà nói thì từ ngày em sinh con tới bây giờ, chủ yếu là bà nội gần gũi và chăm sóc mẹ con em vì bà ngoại còn bận chăm ông ngoại ốm. Khi em hết thời gian ở cữ, từ miếng ăn giấc ngủ của cháu đều một tay bà lo. Vậy mà khoảng 1 tháng trở lại đây, chẳng hiều sao bé luôn phản ứng mỗi lần bà nội gần gũi, chăm sóc.


Với người già, vui vầy với cháu là hạnh phúc lớn nhất (Ảnh minh họa IT)

Với người già, vui vầy với cháu là hạnh phúc lớn nhất (Ảnh minh họa IT)

Thời gian đầu bé chỉ tỏ thái độ cáu kỉnh với bà còn bây giờ bất cứ lúc nào bà đến gần là bé gào lên, bà chạm tay vào người thì khóc, lấy tay lau lau đi... mà khổ lắm chẳng ai dạy bé thế cả. Những lúc đó, hơn ai hết em hiểu được sự tự ái và tủi thân của mẹ chồng nên lựa lúc con bình tĩnh lại em cũng bảo cháu không được hỗn với bà, bà có yêu và thương con thì mới bế ẵm và chăm sóc con như thế. Nhưng trẻ con nói thế thôi chứ chúng đâu có hiểu được ngay.

Thế là mẹ chồng bắt đầu quay sang hậm hực và quy tội cho em là dạy con xa lánh bà nội. Khi con em ngày càng “phản ứng” với bà thì mẹ chồng em bắt đầu đay nghiến và dành cho em những lời cay độc. Bà rêu rao với hàng xóm rằng em ăn cháo đá bát, sống không có phúc, em dạy con em xa lánh bà nội…

Có những hôm cả nhà đang ngồi chơi vui vẻ, bà bế cháu vào lòng nhưng bé cứ vùng vẫy và sà vào lòng mẹ thì bà lu loa lên rằng tưởng cưới con dâu về sẽ được thêm con, thêm cháu, nào ngờ mất luôn cả con trai, giờ có cháu lại mất luôn cả cháu. Và trong mắt mẹ chồng em bây giờ em như là hồ ly tinh cướp đi những người thân yêu nhất của bà.

Mặc cho bố chồng em hết lời khuyên nhủ dàn xếp, rằng trẻ con nó đã biết gì đâu mà chấp nhặt nhưng bà vẫn khăng khăng với suy nghĩ tiêu cực đó. Em thực sự rất ức chế vì bị mẹ chồng nghĩ oan.

Lê Thúy (Bắc Ninh)


Hết lòng yêu thương con cháu mà bị ghét bỏ thì người mẹ sẽ bị tổn thương rất lớn (Ảnh minh họa IT)

Hết lòng yêu thương con cháu mà bị "ghét bỏ" thì người mẹ sẽ bị tổn thương rất lớn (Ảnh minh họa IT)

Đọc xong lá thư của bạn, tôi thương bạn bị nghi oan thì ít nhưng tôi thấy thương bà nội cháu nhiều hơn. Một bà mẹ hết lòng với con và mong ngày có cháu nội để bế bồng cho vui lúc tuổi già. Hầu hết trẻ em thấy ai nâng niu chăm sóc nó thì nó yêu người ấy. Mẹ đi vắng suốt ngày chỉ có bà chăm nom, bồng bế nó như vậy chắc chắn nó phải yêu quý bà. Vì thế, thật khó hiểu khi bỗng dưng cháu lại quay ngoắt 180 độ, ghét bà ra mặt.

Ông bà ta có câu “lên ba tuổi cười, lên mười tuổi ghét”. Hầu hết những đứa trẻ lên ba đáng yêu hơn bất cứ lứa tuổi nào khác vì sự ngây thơ trong trắng như pha lê của nó. Tình cảm yêu ai, ghét ai lúc này xây dựng hoàn toàn trên cảm tính chứ không phải là bằng lý trí. Nói khác đi, giống như các con vật nuôi trong nhà, ai cho nó ăn, ru nó ngủ, vuốt ve yêu chiều bồng bế nó thì nó yêu. Vậy tại sao nó lại quay ngắt với bà nội như vậy?

Vì thế, bạn nên nói chuyện với con, hỏi xem cháu vì sao lại xa lánh bà như vậy. Dù lời con trẻ chưa gãy gọn, nhưng có thể từ vài lời giải thích, bạn cũng có thể hiểu được vấn đề, từ đó chia sẻ với bà, giải thích với con để hai bên không hiểu lầm nhau.


Cách dạy trẻ hiệu quả nhất là làm gương để con bắt chước (Ảnh minh họa IT)

Cách dạy trẻ hiệu quả nhất là làm gương để con "bắt chước" (Ảnh minh họa IT)

Còn nếu cháu vô lý ghét bà thì bố mẹ phải uốn nắn lại tính cách cho cháu. Nhưng không phải bằng cách “lựa lúc con bình tĩnh lại em cũng bảo cháu không được hỗn với bà, bà có yêu và thương con thì mới bế ẵm và chăm sóc con như thế”. Đây là cách giáo dục đứa lên 10 chứ không phải với đứa trẻ lên 3. Với tuổi lên 3 phải dạy bằng cách làm mẫu cho nó theo chứ không phải bằng thuyết giáo. Ví dụ trong bữa ăn, bạn muốn dạy con biết mời cơm ông bà thì chính bạn phải mời trước: “Con mời ông bà xơi cơm” đứa trẻ sẽ nói theo mẹ. Khi nó mời, bạn khen con tôi ngoan quá, thơm nó một cái. Dần dần sẽ thành thói quen.

Trẻ con bắt chước rất giỏi, bạn cứ thử dạy đi, nó sẽ làm được đấy.Tuy nhiên bạn phải uốn nắn ngay. Nếu để một vài năm nữa tính cách đứa trẻ định hình sẽ rất khó dạy.

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa
Dân Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm