Nỗi niềm tháng ba
(Dân trí) - Tháng Ba cũng là tháng Hai âm lịch. Người ta cứ bảo Giêng dài Hai rộng, có lẽ cái tâm trạng buổi giáp hạt phải khắc khoải đợi ngày mùa đã ăn sâu vào nếp nghĩ.
Dì Bé đông con, chú lại mất sớm nên cảnh nhà càng khốn quẫn dù dì đã xoay đủ nghề vẫn không lo nổi cho mấy miệng ăn, bọn trẻ vô tư chẳng biết gì, nồi cơm đã vét đến hạt cuối cùng mà cứ ỉ ôi, mè nheo vòi vĩnh khiến dì nhiều lúc phát cáu. Con Lành là chị cả, vất vả từ sớm nên nó khôn trước tuổi, can ngăn bầy em không được chỉ còn biết gạt nước mắt, vớ vội củ khoai giật cặp sách kéo tôi đi thật nhanh để khỏi chứng kiến cái quang cảnh vừa đáng thương hại vừa thô tục…
Mới đó mà đã hơn hai mươi năm, ngày xưa cũng vào dịp này dì thường ra đồng bắt cua, những con cua sữa chuẩn bị vào mùa sinh sản căng mẩy nhưng nhức thịt, sau khi làm sạch, bỏ vỏ, xay nhuyễn chắt lấy nước nấu canh với lá me đất, thịt và gạch cua nổi lên béo ngậy hòa cùng vị chua chua, thanh mát của lá me, bữa cơm chiều chỉ có thế mà ngon, đeo đẳng suốt cả tuổi thơ tôi, hình như nó không chỉ là món ăn mà còn hàm chứa những điều chưa lý giải được…
Cũng một buổi chiều tháng Ba, mưa bụi giăng mắc đầy trời trong cái lạnh cuối mùa hiu hắt ánh hoàng hôn dì và đàn con bìu ríu ra đi, mặc cho mọi người can ngăn “năm chục cân thóc sản lượng nói thì to nhưng làm gì đến mức phải bỏ chốn ra đi”, nhưng dì chỉ lặng lẽ gạt nước mắt. Mấy ai hiểu dì ra đi là muốn tránh miệng tiếng người đời, tay phó chủ nhiệm có hàm răng vẩu vàng ệch vì khói thuốc, vị khách không mời lần nào cũng lấy cớ đến đốc thúc sản lượng nhằm lúc nhá nhem tối mò vào nhà, miệng lão thao thao bất tuyệt nhưng cặp mắt trắng dã lại dán chặt vào tấm eo thon mĩ miều làm dì đỏ bừng cúi gằm mặt, vâng vâng dạ dạ.
Tháng Ba của miền Nam nóng nung người, bỗng thấy thèm cái cảm giác được co ro thu mình trong cái rét nàng Bân, húp bát canh cua đồng nấu lá me quê mình. Ngồi ôn chuyện xưa con Lành lại rơm rớm nước mắt...
- “ Sao dì không về quê, bây giờ người ta chuyển đổi cách làm ăn rồi, mấy cân lúa lép xí xóa từ lâu, bất quá thì tiến cho làng vài triệu gọi là công đức”, vừa mở miệng tôi biết mình lỡ lời.
- “Cái thằng này, con nít mà nhớ dai kinh khủng, ở đâu quen đó rồi, nhớ quê lắm nhưng giờ dì đã già, bọn nó bận túi bụi nên chưa sắp xếp mà về được”.
Thì ra trong tâm thức mỗi người ai cũng đau đáu một thời đã qua, gian khó đủ điều nhưng sao vẫn cứ đeo đẳng để rồi những lúc bình tâm tĩnh trí, dẹp bỏ mọi lo toan thường nhật sang một bên thì những kỷ niệm xưa lại ùa về dù chỉ trong ký ức xen lẫn chút u hoài.
Đình Dũng