Nỗi lòng ở nhà chồng nuôi

(Dân trí) - Suốt ngày vất vả với công việc, rồi lo chuyện gia đình, Giang vẫn mơ ước không phải đi làm, ở nhà chuyên tâm cho mái ấm. Nhưng đến khi toại nguyện rồi, Giang mới hiểu, cảnh được chồng nuôi cũng chẳng sung sướng gì.

Là tổ trưởng sản xuất của một xí nghiệp may nhà nước với mức lương ba cọc ba đồng, công việc vất vả từ sáng tới tối, những tháng cao điểm xuất hàng, xí nghiệp tăng giờ làm thêm, đến tối mịt Giang mới về nhà. 

 

Anh Quang, chồng Giang, lại là nhân viên một doanh nghiệp nước ngoài, lương tháng tính bằng đô nên thường xuyên phàn nàn về công việc của vợ. Mỗi lần nhìn vợ đầu tắt mặt tối, anh lại không chịu được. Nhiều lần đi làm về, thấy bếp vẫn lạnh tanh, con thì chưa đón, anh tìm mọi cách thuyết phục vợ nghỉ việc ở nhà lo cho gia đình. 

 

Những ngày đầu ở nhà, Giang hào hứng bắt tay vào dọn dẹp, sửa sang tổ ấm. Nhìn căn nhà nhỏ bé được sắp xếp, thu dọn sạch sẽ, gọn gàng, những bữa ăn ngon, và thời gian vợ chồng bên nhau, Giang trào dâng hạnh phúc. 

 

Một thời khóa biểu đều đặn sáng dậy sớm lo bữa cho cả nhà, rồi đưa con đi học, đi chợ, giặt quần áo, đón con, lo bếp núc v.v. được Giang hoạch định sẵn. Những việc chân tay cỏn con tưởng chừng đơn giản thế, vậy mà nuốt hết thời gian của Giang trong ngày.

 

Chẳng còn lúc nào thảnh thơi mà giao lưu với bạn bè, đồng nghiệp, sáng tối quanh quẩn trong nhà với những việc không tên, cuộc sống của Giang rơi vào nhàm chán, nhiều lúc là gánh nặng. Những chuyện vợ chồng, con cái, cô không còn biết chia sẻ cùng ai. 

 

Cái khổ nhất là các khoản tiền đều trông vào chồng, từ đi chợ đến mua sắm đồ đạc, kể cả nhu cầu cá nhân. Mỗi đợt cuối tháng, nghe vợ nhắc khéo, anh Quang đều ngạc nhiên: “Đã hết tiền tiêu rồi hả em. Anh mới đưa đầu tháng rồi cơ mà. Em chi tiêu cái gì cũng phải tiết kiệm chứ”.

 

Có muốn dư dật thêm vài đồng phòng khi có chuyện cần thì Quang lại gạt đi: “Em ở nhà cần nhiều tiền để làm gì”. Giang không biết trả lời thế nào. Nhìn bạn bè son phấn, quần áo này nọ, trong cô trào lên một mặc cảm. 

 

Tiếng nói của Giang trong nhà dường như cũng không còn trọng lượng. Tháng ngày êm đẹp trôi nhanh, gần đây Quang thường đi làm về muộn, ít ăn cùng vợ con, ngày nào cũng say mềm men rượu. Giang vừa lên tiếng góp ý đã bị chồng quát lại: “Cô biết gì mà nói, có đi làm đâu mà hiểu tôi vất vả thế nào”. Như bị dao cắt, Giang đau lòng rơi nước mắt.

 

Nhàn cư vi bất thiện

 

Vừa tốt nghiệp trung cấp dược Thắm đã nhận lời lấy chồng. Sau đám cưới lại có em bé luôn nên cô quyết định ở nhà, kinh tế gia đình phụ thuộc vào chồng cả. 

 

Việc nhà không nhiều, Thắm nhập luôn “hội buôn” ở xóm. Chiều nào các bà, các chị cũng túm năm tụm bảy hết chuyện trong nhà đến chuyện ngoài ngõ rất xôm. Đến mức có buổi nhà bận việc không được ra “buôn”, Thắm thấy bứt rứt lắm.

 

Chồng Thắm bận đi từ sáng đến tối mới về, thỉnh thoảng lại công tác xa, thấy có vợ chăm lo gia đình thì yên tâm kiếm tiền lắm, tháng nào cũng “đóng” đủ lương cho vợ. 

 

Tuổi còn trẻ, lại gái một con, không phải lo lắng vất vả kiếm tiền, không lam lũ vì gia đình nên trông Thắm cứ phây phây như chưa chồng vậy. Cô “lọt mắt” vài chàng hàng xóm, rồi cũng xuôi lòng “vụng trộm” với một anh.

 

Hàng xóm bắt đầu xì xào, tiếng đến tai chồng Thắm. Anh nghi ngờ nhưng chưa có bằng chứng nên nói dối đi công tác xa một tháng, rồi bất ngờ quay về nhà. Bắt gặp cảnh vợ đang “tình tang” với thằng nào, anh nổi cáu, đuổi vợ ra khỏi nhà và quyết định ly hôn.

 

Vừa đi làm vừa lo chuyện gia đình là điều khá vất vả cho người phụ nữ. Có lẽ bởi thế không ít chị em chọn cách ở nhà toàn tâm toàn ý với gia đình, để rồi chính mình rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

 

Trước tiên là vị thế của các chị trong nhà giảm hẳn do phụ thuộc quá nhiều vào chồng. Chưa kể, nhiều thời gian rỗi không biết làm gì, cái hư, cái xấu dễ có cơ bột phát.

 

Nhiều chuyên gia tư vấn khuyên rằng: “Người phụ nữ nên tham gia vào công tác xã hội để nâng cao vị thế của mình. Khi đứng trong một tổ chức, một đơn vị tập thể, các chị em sẽ cảm thấy tự tin, phát huy được năng lực, đóng góp được cho xã hội.

 

Nhưng các chị chớ quên vai trò làm vợ, làm mẹ của mình. Vẫn phải chăm lo cho hạnh phúc gia đình, biết cân bằng giữa việc nhà và việc nước.

 

Trường hợp vì lý do nào đó mà phải ở nhà, ngoài việc nội trợ, các bà vợ có thể tham gia vào những nhóm, các hội ở địa phương để luôn sống trong tập thể, và thấy mình có ích. Không nên ỷ lại, dựa dẫm vào chồng.

 

DK