“Nổi loạn” vì bị chồng cắm sừng
Những người đàn bà hiền lành, chân phương, cả đời chỉ biết đến chồng con, luôn hy sinh vì chồng con, đến một ngày nhận ra, hạnh phúc gia đình chỉ là vỏ bọc hoàn hảo. Không ít người đã tìm đến một lối sống hoàn toàn khác.
Ai cũng nói gia đình ông Thành bà Tâm là gia đình kiểu mẫu. Vợ chồng thành đạt, con cái ngoan ngoãn, học giỏi. Ông Thành có cửa hàng sửa chữa điện tử ngay mặt đường phố huyện, làm ăn khá phát đạt. Còn bà Tâm là giáo viên cấp một ở địa phương.
Mọi người vẫn kháo nhau, hồi trước, khi ông Thành quyết định lấy bà Tâm, gia đình bên ông phản đối ghê lắm. Vì họ chê bà Tâm nhỏ bé, xấu gái lại hơn chồng gần 3 tuổi. Ấy thế nhưng họ vẫn nên vợ nên chồng, bởi bà tuy hình thức không bằng chồng nhưng lại được cái khéo léo, đảm, nuôi con khéo, chiều chồng giỏi. Năm tháng qua đi, họ sống hạnh phúc bên nhau khiến những lời đàm tiếu cũng vì thế mà bớt đi.
Cũng đôi khi, ông Thành đầu mày cuối mắt với cô nọ, cô kia, bởi hơn bốn mươi tuổi rồi nhưng trông ông vẫn phong độ ngời ngời, lại là người làm ra tiền, cư xử hào phóng, lịch thiệp nên chẳng thiếu gì cô hâm mộ.
Ngược lại với ông Thành, bà Tâm vốn dĩ đã hơn tuổi ông, lại không phải là người thích ăn mặc diện, nên trông có phần già hơn chồng thật. Nhiều người ác mồm vẫn thường trêu là “trông như hai mẹ con”. Những lời như thế, không phải bà Tâm không biết, nhưng bà bỏ ngoài tai, bởi hơn ai hết bà hiểu mình và chồng mình là người như thế nào. Với lại khi hai vợ chồng mới lấy nhau từ hai bàn tay trắng, làm gì đã có của ăn của để như bây giờ, nên mọi khoản chi tiêu đều phải căn cơ, chứ nói gì đến chuyện làm đẹp. Cho đến khi có tiền rồi, thì cái nếp ăn, nếp nghĩ nó đã thành quen, bà không sửa được. Bà tin rằng sự đảm đang và khéo léo của mình đã là tất cả những gì mà một người đàn ông cần ở vợ.
Khi nghe người ta đồn thổi là ông Thành có cặp kè với cô Hương, làm đầu ở chợ huyện, nhưng bà không tin. Vì lúc về nhà, chồng bà vẫn một mực yêu vợ, thương con. Bà chỉ ngã ngửa ra khi đến một ngày, cô em gái nói rằng tận mắt trông thấy ông anh rể tình tứ trong nhà cô gái này. Khi bà Tâm gặng hỏi chồng thì ông không chối nhưng lại nói đó chỉ là chuyện qua đường thôi.
Thế đã đủ để bà Tâm choáng váng. Bà cay đắng nhận ra, bao năm vất vả lo cho chồng con đến mức không có thời gian và tiền bạc để lo cho bản thân mình, nhưng rút cục, bà nhận được gì? Cay đắng, chua chát, bà bỗng dưng trở thành con người khác.
Từ một người một năm may chỉ độc hai bộ quần áo, chưa từng biết dùng đến son phấn, giờ đã hơn 40, bà không tiếc tiền làm đầu, làm tóc, sơn móng chân, móng tay. Rồi một tháng bà mua đến 3 bộ quần áo mới. Người biết chuyện thì âm thầm cảm thương, hay khuyên nhủ khéo, còn người không ưa thì vẫn bàn tán sau lưng bà với những từ khó nghe. Hai con đã lớn, chúng cũng ngượng với bạn bè vì sự “cưa sừng làm nghé” của mẹ.
Ông chồng vốn dĩ cũng thương vợ, lại thấy mình có lỗi nên chẳng dám ho he khi thấy vợ thay đổi. Chỉ có bà Tâm là khổ, cứ tự mình dằn vặt bởi những suy nghĩ như thế.
Làm máy bay bà già
Thủy và Hà từng có thời gian yêu nhau thắm thiết trước khi thành vợ chồng. Thủy là bác sỹ khoa sản trong bệnh viện tỉnh, còn Hà là kiến trúc sư của một công ty tư vấn xây dựng. Kinh tế gia đình khá giả, hai cô con gái xinh như thiên thần, ai cũng nói cuộc sống quá ưu ái họ.
Hà vốn là con trai độc nhất của gia đình, vì thế, nên khi thấy mình chỉ sinh được hai cô con gái thì Thủy cũng áy náy. Nhiều khi cô tỉ tê cùng chồng là không biết có nên cố sinh thêm thằng cu không. Nhưng Hà đều gạt đi. Vì anh hiểu nếu sinh con thứ ba sẽ rất bất lợi cho Thủy. Cô là bác sỹ trẻ rất tiềm năng của bệnh viện, đang được đề bạt lên chức phó khoa, nếu sinh con thứ ba, chắc chắn đường công danh dừng lại ở đây.
Nghe những lời lẽ có tình có lý của chồng như thế, Thủy hạnh phúc lắm. Cô tưởng mình đã tìm được đúng người đàn ông mà mình có thể trông đợi. Nhưng cuộc sống vốn dĩ luôn đầy ắp những bất trắc rủi ro mà không ai lường trước được.
Thủy không thể tưởng tượng rằng một ngày, một người đàn bà bằng tuổi mẹ cô tìm đến nói cho hết sự thật. Trong một chuyến công tác sáu tháng, Hà đã có quan hệ với con gái bà và hiện có một cậu con trai hai tuổi. Nhưng mẹ nó hiện đã đi xuất khẩu lao động ở bên Hàn Quốc, và bà muốn trả lại đứa con này cho Hà. Thủy như chết điếng trước những gì người đàn bà này nói.
Hóa ra dưới bộ mặt đạo đức, trí thức mà cô vẫn thầm yêu kia là một con người bội bạc. Suốt mấy năm trời qua, anh lén lút kiếm tìm ở người đàn bà khác, một đứa con trai để nối dõi tông đường. Dù Hà có thanh minh, có van xin, nhưng niềm tin trong cô đã chết, cô không sao có thể yêu thương lại Hà như ngày xưa được nữa.
Chán chường, cô ngã vào vòng tay Tiến, một bác sỹ trẻ mới chuyển về viện được một thời gian, vốn dành tình cảm đặc biệt cho cô từ trước. Không yêu Tiến nhưng hận chồng, chán ngán, cô không nghĩ gì đến hậu quả của những việc mình làm nữa. Cuộc tình chẳng được lâu, họ bị phát hiện và kỷ luật. Tiến buộc phải điều chuyển công tác đi nơi khác. Còn Thủy, cô vẫn được giữ lại ở bệnh viện vì đã có nhiều năm gắn bó, và cũng xét đến hoàn cảnh không được vui vẻ của cô. Nhưng con đường công danh của cô cũng vì thế mà ảnh hưởng.
Khi phát hiện ra bị người chồng thân yêu của mình phản bội, nhiều người phụ nữ đã tìm mọi cách để trả thù. Họ nghĩ rằng làm những điều đó, họ sẽ thấy thoải mái, giải tỏa. Nhưng xét đến cùng, người bị tổn thương cuối cùng vẫn là họ. Giá như trước khi hành động như thế, họ bình tĩnh hơn, suy nghĩ thấu đáo hơn để không rơi vào bi kịch thì tốt biết mấy.
Theo Minh Nguyệt
Phununet