Nỗi đau của người chồng bị cô vợ hiền ngoan “cắm sừng”
(Dân trí) - Cảm giác đầu tiên khi tôi đọc câu chuyện "Cuộc điện thoại giữa đêm và sự thật khủng khiếp phía sau người vợ ngoan hiền" chính là nuối tiếc. Một người vợ hiểu biết, tâm lý, xinh đẹp, khéo léo. Một người chồng chu đáo, hiền lành, yêu thương và tin tưởng vợ. Cuối cùng tất cả những thứ đó cũng không thắng nổi sự ích kỉ và ham muốn dục vọng của con người.
Tôi hình dung ra nỗi đau của anh. Vốn thường, càng tin tưởng nhiều thì nỗi thất vọng lại càng sâu, càng tự hào nhiều thì càng bẽ bàng đau xót. Nhưng vẫn như người ta thường nói, dù muốn dù không, chuyện cũng đã xảy ra rồi không thay đổi được. Vậy vấn đề là phải giải quyết chuyện này ra sao, đó là điều anh đang hoang mang nhất.
Nếu anh không thể chấp nhận, nếu anh không thể tha thứ thì chắc là ngay khi nghe cuộc điện thoại đó hẳn anh đã “bắt tại trận” để vợ anh không còn đường thanh minh rồi. Nhưng anh có thể giả vờ như chưa biết, có thể bình thản mà thăm dò hỏi han, tôi nghĩ sự chịu đựng của anh thật đáng nể.
Có nhiều ý kiến cho rằng anh là một người đàn ông nhu nhược. Rằng đàn ông là phải dứt khoát, mạnh mẽ, biết vợ ngoại tình là phải trừng trị ngay, rồi “lành làm gáo, vỡ làm muôi”. Nhưng tôi thì nghĩ rằng sự im lặng của anh là một khoảng lặng vô cùng cần thiết, bởi sự nóng giận chưa bao giờ là phương cách hữu hiệu để giải quyết mọi vấn đề.
Vốn là một chuyên gia về tâm lý, vợ anh đủ kinh nghiệm để đối mặt với tất cả mọi tình huống. Như khi cô ấy bình thản đưa ra lời khuyên khi anh hỏi trường hợp của bạn anh là một ví dụ. Có thể cô ấy đã sai lầm nghiêm trọng, và dù chuyện đó đã kết thúc rồi thì tôi nghĩ anh vẫn cần thiết nói chuyện với vợ.
Tôi chưa hình dung ra vợ anh sẽ có thái độ thế nào, nhưng cô ấy cần phải biết là anh đã phát hiện ra mọi chuyện. Và gia đình có thể sẽ tan vỡ vì tội lỗi của cô ấy.Tha thứ hay không, quyền quyết định hoàn toàn là của anh. Nhưng dù anh có muốn tha thứ cho vợ thì cũng cần để cho cô ấy biết sự thật. Rằng là cô ấy đã sai, đã làm tổn thương nghiêm trọng đến tình yêu và niềm tin của anh. Và anh chỉ có thể tha thứ một lần duy nhất, nếu cô ấy không biết trân trọng cơ hội này thì mãi mãi sẽ không còn cơ hội thứ hai.
Trong trường hợp anh không thể quên được nỗi đau này, không thể chấp nhận sự thật phũ phàng này thì cũng để cho vợ anh biết đó là điều anh không thể chấp nhận.
Lừa dối, phản bội trong hôn nhân giống như một cuộn chỉ bị rối. Khi sự cố ập đến, có người bình tĩnh ngồi gỡ từng chút một, có người chán nản vứt bỏ đi mà không hề do dự. Điều quan trọng nhất của anh lúc này là phải hiểu rõ mình có muốn gỡ hay không và liệu có thể gỡ nổi nó hay không?
Nếu anh muốn gỡ, thì vợ anh phải có trách nhiệm gỡ cùng, dù có thể rất lâu mới vượt qua khó khăn này. Còn nếu anh muốn vứt cuộn chỉ rối ấy đi, thì ít nhất cũng hãy cho cuộn chỉ ấy biết vì sao mình bị vứt chứ.
Anh đừng nghĩ anh im lặng tha thứ cho vợ thì gia đình anh sẽ lại hạnh phúc như xưa. Sự im lặng, sự đau khổ không được giải tỏa nó sẽ như đốm than âm ỉ, nó sẽ từ từ đốt cháy trái tim anh, tình yêu của anh. Cũng có thể vợ anh tưởng có thể che mắt được anh mà sai lần này đến lần khác đến mức không cách nào cứu vãn được. Rồi không chỉ vợ anh mà chính anh cũng góp phần khiến cuộc hôn nhân của mình thành địa ngục.
Và như ông bà ta đã nói “đánh người chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại”. Nếu anh thật lòng không muốn gia đình tan tác hì có lẽ nên suy xét đến vấn đề tha thứ nếu vợ anh thực sự muốn quay đầu..
Phản hồi của độc giả Thu Hồng