Nỗi buồn thị dân

Trong một con hẻm của TP.HCM, có mười cái bàn thờ được dựng vội hai bên đường. Đám đổ nát hoang tàn chưa dọn hết, ba căn nhà trong con hẻm đổ sập. Mười bàn thờ ấy là của mười nạn nhân đã ra đi cùng ngày, sáu người trong gia đình ông Lê Minh Phương, còn lại là những người hàng xóm của họ.


Hình minh họa: PNO

Hình minh họa: PNO


Người đến thắp hương rất đông, và ai cũng thắp hương trên tất cả các bàn thờ. Gương mặt của những đứa trẻ trong di ảnh sáng sủa, cứng cáp, hồn nhiên, chẳng có nét gì là yểu mệnh. Không hiểu sao, nhìn những gương mặt ấy, thấy nhói lên trong lòng ý nghĩ: mình đã có thể gặp nó, hôm qua, hôm kia, thậm chí buổi trưa buổi chiều ngay trước cái ngày 24/2/2013 định mệnh ấy. Mình chẳng bao giờ biết được, rằng tối nay những con người ấy sẽ vĩnh viễn ra đi, sẽ không ai còn thấy họ đi về trong hẻm nữa. Cũng vì không biết - và cũng không hề có ý định sẽ biết, mình đã không chào hỏi, cũng chẳng quan tâm họ làm nghề gì, sống ra sao trong căn nhà thuê ấy. Ờ thì thành phố mà, thị dân mà, đèn nhà ai nhà nấy rạng, ai cũng vào nhà mình rồi đóng cửa lại, vậy là xong.

Khi tai nạn xảy ra, ai cũng bàng hoàng hoảng hốt trước đống gạch vụn từng là ba căn nhà kế nhau, nhưng đau lòng là không ai biết những ai đang nằm dưới đống gạch vụn đó. Cảnh sát chỉ năm phút sau là có mặt, nhưng hàng xóm láng giềng, cả phường, quận và một số cơ quan hữu trách của phường, cũng không ai biết liệu trong căn nhà ấy có người hay không. Mà định mệnh nghiệt ngã sao sáu người trong nhà ông Phương tối hôm đó đều tập trung trong căn nhà thuê ấy. Hơn 14 người trong ba căn nhà sập được báo mất tích. Tuy nhiên, do tất cả nạn nhân đều bị chôn vùi nên việc xác định danh tính rất khó khăn. Người bị nạn nằm sâu dưới mấy mét bê tông đất đá, có khi đã tắt hơi rồi, mà hàng xóm láng giềng vẫn ngơ ngác không biết họ tên gì, thân nhân ra sao. Cứ như thể một “hố đen” bất thần há miệng, nuốt trọn những kiếp người, mà không một thanh âm nào, không một danh tính nào đánh thức được sự nhận biết của những người hằng ngày vẫn đi về cận kề bên cạnh.

Nghĩ mà đau! Đó có phải là thói quen thành thị? Thói quen kín cổng cao tường, thói quen không quan tâm đến đời sống của người khác, thói quen “tôn trọng” đến mức lạnh nhạt, hờ hững với hàng xóm láng giềng - những người mà ông bà mình dạy “bán anh em xa mua láng giềng gần”… Thực tế, trong một số khu dân cư, khi thoát dần cảnh “xóm nhà lá”, truyền thống láng giềng “tối lửa tắt đèn có nhau” cũng phai nhạt dần. Người ta dựng nên những cánh cổng đồ sộ, sơn đen sơn vàng kín bưng, cao ngất. Ra vô khỏi nhà khóa cổng, rồ máy xe chạy đi, thế là xong. Nhất là khi nhà thuê, đổi chủ thường xuyên nữa, thì càng lạnh nhạt. Sống bên cạnh nhau mà gần như vô cảm, một vài nụ cười xã giao, ngoài ra, không ai biết ở nhà bên cạnh người ta làm gì, sống thế nào. Nếu có biết, thì có khi là vì kiện tụng: sửa nhà, lún nền nứt tường, vì làm ồn ào quá mức, vì có đám cưới đám tang…, thế thôi. Nhà nào nhà nấy đóng cửa im ỉm, không phải chỉ vì ngại trộm cắp, mà vì ai cũng chỉ muốn yên ổn trong cái vỏ ốc của riêng mình. Lâu lâu trong hẻm có một đám tang, người mất nằm đó, nhưng hàng xóm có khi còn không biết người mất là ai, vì ông cụ/ bà cụ ấy tuổi cao sức yếu, quanh năm chỉ quanh quẩn trong nhà, hoặc nằm liệt giường đã lâu, có ai vào thăm đâu mà biết!

Gia đình ông Phương mất cả sáu người, gồm cả những đứa trẻ. Hàng xóm mất năm người nữa (một người mới mất trong bệnh viện). Sống không cùng sống chung, nhưng đã chết chung cùng ngày giờ nơi chốn. Họa vô đơn chí, không lựa là người thân hay sơ! Đại nạn hi hữu, thời bình không bom đạn, ở trong nhà mình, ngủ trên giường mình, mà vẫn chết, cả khối bê tông đổ sập xuống, lửa, đất đá vùi chôn. Nói định mệnh là cách nói dễ dàng hơn cả. Nhưng có định mệnh ấy không nếu những người sống hiểu được, biết được mình hằng ngày kề cận với cả kho thuốc nổ; nếu những người quản lý biết những ngòi nổ, thuốc pháo được tàng trữ ngay giữa địa bàn khu dân cư đông đúc của mình? Sinh mệnh của mỗi người không chỉ có ý nghĩa trong sự tồn tại tự thân, mà còn có ý nghĩa trong những liên hệ với cộng đồng. Tự do cá nhân không phải là mặc kệ những an toàn sinh mệnh của những người xung quanh. Trong cảnh tang thương sau tai nạn, có phần trách nhiệm của người đã khuất, nhưng cũng có phần trách nhiệm của những người hàng xóm, của cộng đồng dân cư khi chưa thực sự quan tâm đến những người đang sống bên cạnh mình. Cái tình làng nghĩa xóm mà ông cha truyền dạy bao đời, nó không chỉ là cái tình nghĩa sẻ chia lúc ốm đau khốn khó, mà hơn thế, nó còn là trách nhiệm với cộng đồng: mỗi người, mỗi nhà không chỉ sống cho mình, mà còn sống cho người khác, sự an nguy của gia đình cũng liên quan đến sự an nguy của làng xóm. Ở đời chẳng phải lúc nào cũng “mình làm mình chịu”thôi đâu…

Nhà đã sập, người đã chết rồi. Phải chi giờ còn là ngày hôm trước, thì chắc chắn sẽ mỉm cười chào nhau một tiếng - ước vọng nhỏ nhoi bây giờ thành vô vọng mất rồi. Giật mình tự hỏi, nhiều khi ta “đi lướt qua nhau” hàng trăm ngàn ngày như thế, mà không biết nhau lấy một lần. Nhiều khi sống cạnh nhau năm này tháng khác, mà không biết lấy một người trong nhà bên cạnh. Cho đến khi những vỏ ốc vỡ ra, nát vụn, đổ bể rồi mới thấy những con ốc trong vỏ bấy bớt, yếu đuối đến chừng nào. Nỗi buồn này, nếu được đặt tên, xin được gọi là “nỗi buồn thị dân” - một nỗi buồn lẽ ra không nên, không đáng có. Ngậm ngùi trong hương khói khóc thương những người bạc mệnh, cũng ngậm ngùi trong nỗi cô đơn sau những cánh cổng đóng im lặng của phố phường…

Theo Hoàng Mai
PNO