Nỗi buồn đàn ông

Anh là đối tác làm ăn của chúng tôi đã mười mấy năm. Mười mấy năm quen anh, dù một năm chỉ gặp nhau vài ba lần vì anh sống ở thành phố khác, nhưng cũng đủ để tôi kính trọng và quý mến.

 
Nỗi buồn đàn ông  - 1


Tôi chưa từng thấy người đàn ông nào trong tầng lớp trí thức lại có thể kiên nhẫn xoay xở mưu sinh như anh. Có lúc làm chủ doanh nghiệp, có khi phá sản chỉ chạy vòng vòng trung gian, cũng có thời gian thất nghiệp, cái số anh lận đận long đong trong con đường sự nghiệp. Thế nhưng chưa bao giờ tôi thấy anh chán nản, than vãn hay tỏ vẻ mệt mỏi.

 

 Những chuyện chúng tôi thường nói với nhau là công việc, anh luôn quan tâm, nắm bắt xem có gì mới để làm, để tìm kiếm trong đó cơ hội. Bao giờ anh cũng chỉnh tề, lịch thiệp, hòa nhã, cởi mở. Anh không phải là người thành đạt, nếu so sánh với các đối tác khác của công ty chúng tôi, nhưng tôi luôn hết sức kính trọng anh.

 

Thỉnh thoảng đôi lần, tôi có hỏi về gia đình anh. Lạ một điều là anh có vẻ không muốn nói, chỉ vắn tắt rằng chị là một nghệ sĩ đàn dân tộc và anh có hai con, một trai, một gái. Rồi có khi, anh cũng kể rằng chị đi hoài, đi mãi. Tối khuya hai ba giờ sáng mới về, khi biểu diễn, khi tập tành. Sáng ngủ đến trưa, khi anh đã đi làm từ lâu. Chị cũng thường đi biểu diễn nước ngoài, nên anh chị hiếm khi được gặp nhau. Tôi hỏi: “Chắc chị đẹp lắm, nghệ sĩ mà”. Anh gật đầu, rồi lảng qua chuyện khác.

 

Một lần tôi đến công tác tại thành phố anh ở. Nghe tôi gọi, anh hết sức vui mừng. Anh mời tôi ăn trưa, rồi ăn sáng. Sau đó, trong bữa ăn, anh nói: “Đúng ra tôi phải mời anh về nhà tôi chơi. Nhưng… thiệt lòng nếu mời anh về, tôi không biết… dọn chỗ cho anh ngồi ở đâu. Nhà tôi dơ và lộn xộn như chưa từng có căn nhà nào như vậy”. Tôi ngạc nhiên, nhưng không dám hỏi thêm, chỉ cười. Anh bảo: “Vợ tôi luôn luôn không có thời gian cho gia đình và con cái. Cô ấy đi suốt và sống cuộc sống đâu đó mà tôi không hiểu. Thời gian đầu, tôi còn cố công dọn nhà. Nhưng hễ đi diễn về là cô ấy lại bỏ đồ khắp nơi, để tôi dọn dẹp, giặt giũ. Lâu rồi… tôi mệt và nản. Cho đến khi gần đây, tôi nhắc con mình dọn dẹp bàn học của mình, nó hỏi tôi giống y như mẹ nó: “Để làm gì?” thì tôi thật sự… chịu thua”.

 

Tôi nghe câu chuyện anh kể, không dám bình luận gì thêm. Cứ lâu dần như thế, mỗi lúc một chút, một chút anh hé mở cho tôi chân dung người vợ của mình mà anh không hay biết. Vợ anh là nghệ sĩ, nhưng cuộc sống chỉ hào nhoáng trên sân khấu, từ hình thức cho đến… tiền bạc. Vì thế chuyện nuôi hai con, anh lo, cô ấy làm chỉ để lo cho mình. Chuyện dạy con cũng anh lo, nhưng nếp sống của anh không lấn át nổi cung cách sống dễ dãi, bừa bãi của vợ. Nên có những chuyện anh cũng đành… chịu thua.

 

Thế nhưng tất cả những chuyện ấy, anh đều có thể bỏ qua và kiên nhẫn, cần mẫn xây đi xây lại từng chút. Chỉ có một nỗi buồn… nỗi buồn không thành đạt là ẩn sâu trong trái tim anh. Một mình chăm sóc hai con suốt mười mấy năm trời, anh không còn nhiều thời gian cho sự nghiệp kinh doanh. Và điều đó với vợ anh là một nỗi nhục. Cô chì chiết, đay nghiến, miệt thị và thẳng thừng coi anh là một người quản gia lo cho con và nhà cửa, nấu ăn cho cô những lúc tình cờ cô có nhà.

 

Cho đến câu chuyện mới xảy ra… Hôm đó, anh nghe nói có gia đình vợ qua chơi. Vợ anh nói sẽ kêu đồ ăn về cho cả nhà ăn: “Chứ mấy thứ anh nấu ai mà nuốt nổi”. Anh nghe, lòng buồn, bỏ lên lầu ngồi. Cho đến tận hai giờ chiều, không thấy động tĩnh gì, anh mới bước xuống nhà thì thấy cả nhà vợ đang ngồi ăn uống đùa giỡn với nhau bên mâm đồ ăn sắp hết. Anh ngạc nhiên hỏi: “Sao không kêu anh?” Vợ anh quắc mắt lên: “Bộ không biết giờ ăn cơm để tự xuống sao mà phải kêu?”. Anh nuốt cục nghẹn trong cổ bước ra ngoài đường.

 

Kể lại câu chuyện với tôi vào một chiều ngồi với nhau ở quán, chỉ có chút cay đắng nhẹ nhàng trong giọng nói, nhưng tôi đọc trong ánh mắt anh một nỗi buồn sâu thẳm. Nỗi buồn của người đàn ông đã nỗ lực, đã cố hết sức mình, nhưng vẫn bị coi thường, bị khinh miệt ngay trong chính ngôi nhà mình. Đã mười mấy năm quen anh, nhìn anh bươn chải lo toan xoay sở, tôi biết sức anh kiên trì, bền bỉ, dẻo dai và can đảm. Nhưng khi đọc nỗi buồn ấy trong mắt anh, lòng tôi chợt thấy lo lo. Lo cho hai đứa trẻ, lo cho một mái nhà mà chỉ khi mất đi, người phụ nữ mới hiểu. Tôi cũng lo khi nghĩ đến tan vỡ không tránh khỏi, nếu mai này, trái tim dù có nhân từ nhưng cũng tràn đầy kiêu hãnh của người đàn ông sẽ nứt toác!

 

Theo Hùng Mạnh

PNO