Nơi bụi tre già
(Dân trí) - Mẹ gọi điện, nói “Bây khuyên cha tụi bây đi. Mẹ bảo chặt bụi tre trước ngõ rồi đổ bê tông cho sạch sẽ, không phải ngày hai buổi quét tước chi cho mệt người, vậy mà cha tụi bây không chịu. Hồi xưa còn dùng tre đan lát này nọ, bây giờ có còn cần nữa đâu”...
Tôi biết, nông thôn hóa đã đến tận xóm nhỏ của mình rồi, những con đường bê tông, những hàng rào bê tông đang mọc lên thay thế dần những bụi cây tỏa bóng. Nhưng cha tôi chắc có những nỗi niềm riêng.
Tôi chẳng biết bụi tre ấy án ngữ nơi con ngõ nhà tôi từ bao giờ. Bố tôi nói, từ khi bố còn nhỏ đã thấy bụi tre um tùm trước ngõ. Đó là nơi ông nội tôi mỗi ngày đều ra nhìn ngó, chọn những cây tre to nhất, thẳng và đẹp nhất rồi chặt ra, dùng con dao thật sắc tỉ mẩn chẻ thành từng thanh mỏng đan rổ, đan rá, đan sàng, đan nia.
Ông thường ngồi đan lát ở ngay gốc tre già, rồi khe khẽ nói với tôi bằng giọng khàn đục vì thuốc lào: “Tre có sức sống mãnh liệt lắm con. Con có thấy những mầm măng mới nhú kia không. Chẳng mấy chốc nó sẽ lại cao vút lên mạnh mẽ”.
Bụi tre ấy cũng gợi cho tôi nhiều ám ảnh bởi đòn roi mỗi lần mải đi chơi quên về nấu cơm hay trưa trốn ngủ đi bắt chuồn chuồn giữa trời nắng gắt. Khi trở về đã thấy mẹ tôi đứng đầu ngõ, tay cầm cành roi tre dài. Cái loài cây gì vừa dai vừa cứng, đánh là chỉ có đau.
Vào mùa rụng lá, lá tre cứ lả tả rơi, mỏng manh nhẹ nhàng vô cùng thơ mộng. Những chiếc lá vàng rụng dày như một tấm thảm, quét xong lượt này lại thấy những chiếc lá khác đã rụng sau lưng. Mẹ thường nhóm nó vào một góc ngõ rồi châm lửa đốt. Những chiếc lá kêu tí tách, mùi khói tỏa ra không gian chiều khét lẹt.
Nhưng tôi sợ nhất là mỗi mùa mưa bão đi qua lá tre lại rụng đầy. Những chiếc lá vàng lẫn trong lá xanh mỏng manh nằm bẹp dí xuống nền đất, dùng chổi quét kiểu gì cũng không đi. Chúng nằm đó, bám lấy mặt đất ẩm ướt một cách lì lợm vô cùng đáng ghét.
Có một lần trên đường đi học về tôi thấy bụi tre nhà ai đó nở hoa. Vốn dĩ tôi không bao giờ nghĩ loài cây đó có hoa. Trông nó cứng cáp, khô cằn thế kia, làm sao nở hoa được. Nhưng sự thật là những bông hoa cứ nở bung màu vàng lẫn với tím nhạt, li ti trông vô cùng gợi cảm. Cây thì cao mà hoa thì rất bé, mỏng manh, tựa như một cơn gió nhẹ cũng khiến chúng dễ dàng rơi rụng.
Ông tôi nói, chẳng dễ gì được nhìn thấy tre nở hoa vì thường thì trăm năm chúng mới nở duy nhất một lần. Hoa tre chỉ nở vào cuối đời, nở xong là chết, như một dấu hiệu báo rằng mình sắp tàn lụi không thể hồi sinh.
Nếu các loài cây khác, mỗi khi sắp chết sẽ úa vàng, rũ xuống mà chết đi thì tre hoàn toàn ngược lại. Chẳng ai biết tre sắp chết cho đến khi những bông hoa nở tưng bừng nơi những cành tre gầy guộc. Hoa nở như một lời chào sau những năm tháng đã vắt kiệt hết tinh hoa. Cả cuộc đời tre bất khuất hiên ngang trước bao cuồng nộ phong ba. Cho đến cuối cuộc đời, tre vẫn ra đi hiên ngang như thế. Không có gì buồn đau ủy mị, ngược lại, dùng hết sức bung nở một lần cuối trong đời.
Ông bảo tôi: "Con người, chỉ cần sống như tre là được con ạ, cứng cáp nhưng khi cần lại vô cùng mềm mại, gió có thể làm cho nó bật cả gốc lên nhưng hiếm khi nó gãy đổ giữa chừng, bề ngoài nhìn cứng cáp thế kia nhưng trong lòng lại rỗng không nhẹ nhàng. Dù ở trên mảnh đất nào, đá sỏi cằn cỗi đến đâu vẫn cứ lớn lên, sinh sôi mạnh mẽ, cho đến khi đi hết vòng đời của mình vẫn nở hoa, thản nhiên như không. Con người, chỉ cần khi sống hết mình, cố gắng hết mình thì khi chết đi có thể mỉm cười nhẹ nhàng không hối tiếc".
Hồi đó tôi còn nhỏ, nghe thôi chứ chẳng hiểu gì nhiều. Chỉ là ông nói quá hay nên mỗi câu chuyện ông kể tôi đều nhớ rõ. Cho đến bây giờ, khi ông tôi đã trở về cát bụi hai mươi năm, còn tôi đi qua chớm nửa đời người, tôi cũng không biết câu chuyện ông kể về hoa tre có đúng hay không. Có thật hoa tre chỉ nở vào lúc cuối đời, nở một lần rồi chết đi vĩnh viễn? Nhưng mỗi lần đi xa về nhà, bụi tre già vẫn lao xao đón tôi nơi đầu ngõ, vô cùng gần gũi, vô cùng yêu thương.
Tôi nghĩ mình hiểu vì sao cha tôi vẫn cố chấp giữ bụi tre trước nhà không chịu đào bỏ. Tre đã ở đó từ khi cha tôi còn nhỏ, chứng kiến ông lớn lên, trải qua bao thăng trầm rồi già đi. Tre như một người bạn, một người thân, dù chẳng nói chẳng cười vẫn ở đó bao nhiêu năm, ngay trước nhà, hết mùa nọ đến mùa kia, hết năm nọ đến năm kia đầy kiên trì gần gũi.
Với tôi, tre cũng là tuổi thơ với những trưa hè cùng bạn bè trốn ngủ ngồi chơi ở đó. Là những chiều ngồi chờ mẹ, hái lá tre thổi kèn, là những hẹn hò bịn rịn ngày biết mơ mộng thuở mười tám hai mươi, là tất cả những ấu dại đầy yêu thương nhung nhớ.
Nếu như bụi tre không còn nữa, con ngõ chắc sẽ nhìn thoáng đãng rộng rãi hơn, sân vườn sẽ sạch hơn, nhất là vào những mùa cây thay lá.
Nhưng nếu như bụi tre không còn nữa, mỗi lần tôi về hẳn sẽ thấy không quen. Bởi dù chỉ là một chiếc lá vàng rơi cũng đã hằn in trong một phần kí ức.
Lê Giang