“Nợ tình”!
(Dân trí) - “Yêu nhau mấy sông cũng lội, mấy núi cũng trèo, mấy đèo cũng qua” thật chẳng sai, khi mà cả chàng và nàng ở xa nhau hàng trăm cây số…vẫn đều đặn làm những chuyến du hành.. rong chơi với tình!
1. Yêu nhau mấy sông cũng lội….
Huy học tại Hà Nội còn nàng của Huy thì ở tận trong Nam. Tuy hai người học chung từ thời cấp ba nhưng tình cảm thì mới chớm nở sau mùa hè đầu tiên “đội mác” sinh viên về thăm nhà. Chẳng bao lâu thì đã hết hạ, chia tay nhau trong lưu luyến bịn rịn, nàng méo mó xa xôi: “Vô trong đó, nếu lỡ có nhớ thì biết làm răng chừ?”. Lửa tình còn nóng hổi, Huy thổn thức: “Thì Huy sẽ sắp xếp vô thăm Lan, cứ yên tâm đi”. “Huy nói thật chứ?”, nàng nũng nịu - “Ừ, chắn chắn rồi”!
Thực thi lời hứa, hễ cứ nghĩ lễ là chàng lại khăn gói lên đường “Nam tiến” với tình yêu của mình. Lần đầu tiên gặp lại chàng, khỏi phải nói nàng xúc động đến cỡ nào, Huy cũng thấy hành động của mình thật vô vàn ý nghĩa! Và thế là sau mỗi chuyến đi, tình yêu như được thắp lửa. “Ai bảo xa mặt cách lòng chứ riêng Huy, Huy mà nghe được câu nói đó là Huy bắt bẻ lại liền à!”, Huy hồ hởi khoe.
Sơn cũng có người yêu học ở xa. Không đợi đến dịp nghỉ lễ, cứ chiều thứ 6, Sơn tranh thủ đáp chuyến xe từ Thanh Hóa vô Huế thăm Hoa. Hai người gặp nhau tay trong tay dạo vài vòng quanh bờ Sông Hương rồi la cà ghé hàng quán ăn uống, ngồi cà phê thủ thỉ tâm sự. Sơn thấy, Hạnh phúc với mình sao mà bát ngát đến vậy!
Mấy ngày ngắn ngủi cũng chóng vách trôi qua, tối Chủ nhật Sơn lại lên xe quay trở về với trường lớp mang theo lời hẹn: “Tuần sau anh sẽ đến”. Sơn đi rồi, Hoa được bạn bè không ngớt lời trầm trồ thán phục trước sức mạnh tình yêu của hai người, Hoa cũng thấy tự hào quá đỗi.
2. Nỗi thống khổ của những người trong cuộc
Sau, mỗi chuyến“đi sớm về trưa với tình” như thế, cả Huy và Sơn đều lo lắng bởi vấn đề hết sức tế nhị!
Ét-vê mà, đụng đến chuyện này là anh chàng nhăn mặt ra chiều kham khổ: “Hạnh phúc thật đó nhưng tiền thì… cứ rên khóc suốt. Hàng tháng ba mẹ chu cấp, thử hỏi có mấy ai cho vào cái khoản đi thăm người yêu đâu?!”
Để có tiền vô thăm nàng, H phải bóp bụng dè xẻn, bớt hội hè nhậu nhẹt, rồi viện đủ nghìn không trăm lẻ một lí do chính đáng để xin tiền bố mẹ, khi không thể giơ mặt mo ra xin tiền được nữa thì hỏi vay bạn bè, cứ thế nợ chồng chất mà… vẫn phải vào Nam!
“Không vô, chẳng lẽ thú thật với nàng “là bởi không tiền không vô” như thế còn đâu cái mặt thằng đàn ông nữa. Nhưng mỗi lần vô thì nội tiền tàu xe đã ngốn gần trọn 5 trăm ngàn rồi. Đó là chưa kể vô trong còn gặp bạn bè của nàng, cũng phải cà phê cà pháo nữa chứ, không lẽ “ngồi chay, uống không khí nói chuyện! Mà đất Sài Gòn thì biết rồi đó…”, Huy giãi bày nỗi thống khổ của mình. “Tiền nong là một chuyện, bình yên thì không sao chứ hễ có sóng gió một tí là khổ trăm lần, ngoài phí đi lại còn phải “hầm cháo điện thoại hàng giờ để nàng nguôi ngoa… Nghèo vần hoàn nghèo, nợ cứ đà gia tăng!?”, Huy nói thêm.
Còn nếu như Huy nợ tiền chồng chất thì Sơn có lợi thế hơn vì người yêu ở gần. Bù lại, chàng nợ điểm… triền miên!
“Ở gần nó có cái khổ của gần, mỗi lần đi về là mỏi nhừ người ra, phải cúp buổi học sáng ngày hôm sau để dưỡng sức! Đấy là chưa kể, có lúc thấy nàng ướt át quá, ra về không cầm lòng nên đành ở lại”, Sơn ra chiều suy tư.
Chưa hết học kì năm thứ 3 mà con số nợ điểm của chàng... tỉ lệ thuận theo số lần làm những chuyến rong chơi…với tình!?
3 .Thay lời kết!
“Sinh viên không yêu- phí đời sinh viên”! Câu “ngoa ngôn” này vẫn là điệp khúc muôn thuở để bọn ét-vê rỉ tai nhau.
Song, trước khi “ngoa ngôn”, bọn người kia chắc hẳn còn nhớ một tiên đề còn quan trọng hơn cả…tiên đề Ơ’clít nữa rằng: “Tình yêu luôn đi kèm với tình phí”!
Dù “tình gần hay tình xa” thì đều có những cung bậc yêu thương khác nhau và đều biết rằng “ai cũng có nguyên tắc và những điều tế nhị không thể?!”. Đừng để sau những chuyến “sớm tối về trưa với tình” rồi lại gồng mình ra để trả nợ- nợ tiền và nợ điểm- mà theo cách gọi của người trẻ hiện đại, họ gọi ấy là: “NỢ TÌNH”!
Đỗ Thu Lan