Những ông chồng bị “tra tấn”
Chuyện bạo hành phụ nữ trong cuộc sống, phụ nữ bị ngược đãi về tinh thân, thể xác, tình dục... thì được chứng kiến nhiều. Nhưng có lẽ ít ai đề cập đến chuyện những người gây ra bạo hành trong gia đình lại là phụ nữ.
Sáng ra, anh Long đi làm với đôi mắt quầng thâm, dáng vẻ phờ phạc. Lần đầu tiên anh kể cho tôi nghe về việc mất ngủ của mình. Mấy tuần nay, đêm nào vợ anh cũng tra tấn anh trước lúc đi ngủ. Nguyên nhân vì chị muốn anh dứt khoát trong việc ai là người nuôi mẹ trong số ba anh em anh. Thương mẹ, anh không dám đưa vấn đề này ra sợ mẹ tủi thân, nể vợ anh cứ im lặng không dám nói một lời. Anh cứ hy vọng, chỉ dăm vài bữa chị sẽ nghĩ lại, thương mẹ, yêu chồng, mọi chuyện sẽ trở lại như cũ...
Với anh Huy Phú, ngõ 29, phố Cát Linh thì anh sợ nhất là phải đối diện với vợ trong bữa cơm. Dường như những bực dọc, ấm ức, những khó khăn thiệt thòi trong cuộc sống đều được chị dồn vào lúc đó. Nhà cửa chật chội, những khi trời mưa to thấm nước vào nhà; con cái đi học tốn kém, không có điều kiện cho chúng đi học thêm; cái ti vi màn hình co lại, tiếng lúc to lúc nhỏ; quần áo của vợ đã cũ mà chị chẳng dám may lấy một bộ cho tươm tất... Mỗi lần đến bữa cơm, anh cúi gằm xuống ăn thật nhanh để thoát khỏi tình trạng ức chế khó diễn tả. Anh luôn cảm thấy bứt rứt, thấy mình vô tích sự và có lỗi trước những vất vả mà vợ mình đang mang.
Thực tình anh cũng cố gắng hết sức nhằm giảm bớt gánh nặng kinh tế cho vợ, nhưng kết quả vẫn chưa như mong muốn. Trong sâu thẳm tâm can, anh thầm cảm ơn chị chịu thương chịu khó chăm lo cho chồng con, nhưng giá như chị thông cảm, chia sẻ và ít "tâm sự" vào bữa cơm thì có lẽ anh đã thấy mình là người có diễm phúc nhất cuộc đời này.
Anh Minh Phương, trưởng phòng truyền thông ở một cơ quan xuất bản thường bị vợ lục túi và tra hỏi về các nguồn thu nhập, hôm nào anh về muộn vì công việc chị luôn gọi điện kiểm tra, nếu hôm đó không có phong bì hoặc thù lao bồi dưỡng thì chị cho là anh đi ngang về tắt. Tiếng chì chiết đeo đẳng anh từ lúc về đến lúc ngủ. Có lúc anh tức quá hét lên và đập bất cứ đồ gì ở ngay cạnh mình.
Anh Thắng ở A9, ngõ Văn Chương, cũng chỉ vì không chịu được sự phàn nàn của vợ nhất là khi chị thường lấy sự thành đạt, đầy đủ về vật chất của những người hàng xóm để ám chỉ sự yếu kém của anh, nên tối nào anh cũng lang thang khắp xóm đến khuya mới về. Và cũng từ những buổi tối lang thang như thế, anh đã nướng hết số tiền mà anh vất vả kiếm được vào các canh bạc đỏ đen...
Không bị tra tấn bởi những lời mè nheo về cơm áo gạo tiền, nhưng anh Đức Trung, tổ 31A, phường Ngọc Hà lại gặp những chuyện không biết chia sẻ cùng ai của vợ. Hằng ngày chị Lan vợ anh có thú để dành tất cả những chuyện diễn ra trong ngày mà chị được nghe, được chứng kiến kể cho chồng. "Hôm nay nhà lão Trí mua chiếc Piagiô cho vợ đẹp lắm, mụ vợ lão thế mà sướng, xấu như ma thế mà vớ được ông chồng ra trò, chiều vợ hết ý", "Này anh ngủ rồi đấy à, bộ phim "Gái nhảy" thấy bảo hay lắm, thứ bảy này đi xem nhá...". Vợ anh đảm đang, nấu ăn ngon, chăm sóc nhà cửa thì miễn chê, song nếu chị nói ít đi một chút thì thật tuyệt vời.
Trong cuộc sống gia đình không tránh khỏi những khó khăn về vật chất, cũng như những mâu thuẫn thường ngày, những người vợ hãy vun đắp hạnh phúc gia đình bằng tấm lòng vị tha, sự kiên nhẫn và đức tính quý báu của người phụ nữ. Đừng để những người đàn ông cảm thấy bị "tra tấn" ngay trong chính ngôi nhà của mình.
Theo Gia Đình & Xã Hội