Những người mẹ chọn cái chết để sinh con: Quan trọng gì sống bao lâu, sống như thế nào mới đúng!
Bé Gấu, bé Bình An hay con gái thứ 2 của BS Nguyễn Thị Hạnh... chào đời bằng tình yêu của những người mẹ ung thư giai đoạn cuối. Nhưng họ đã bất chấp điều xấu nhất để được sinh con!
1. Gần 3 năm trước, tháng 7/2016, câu chuyện Thiếu uý công an Đậu Thị Huyền Trâm, người mẹ từ chối điều trị ung thư giai đoạn cuối để giữ thai, sinh con làm triệu triệu người xúc động.
Người mẹ khi đó mới 27 tuổi phát hiện ung thư phổi di căn hạch cổ, gan khi mang bầu tuần thứ 19. Để bảo vệ con, thai phụ đã bỏ ngoài tai mọi lời khuyên đình chỉ thai nghén để điều trị bệnh mà tiếp tục cùng đứa bé trong bụng chiến đấu với bệnh tật.
Mọi sự chịu đựng của người mẹ dũng cảm đó, đến tuần thai thứ 29 thì quá giới hạn. Các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện K đã mổ lấy thai. Bé trai chào đời nặng 1,2 kg và được chuyển thẳng sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương chăm sóc và điều trị.
Bé trai ấy, được đặt cái tên đáng yêu là Trần Gấu, được gửi gắm biết bao tâm tình của người phụ nữ trẻ tuổi lần đầu làm mẹ, rằng con hãy mạnh mẽ, tự tin...
Sinh con xong nhưng Trâm chưa từng được bế con. Nhiều người đến thăm chị ở bệnh viện, mang tặng em bé nhiều quần áo. Chị mân mê từng chiếc áo sơ sinh, từng chiếc khăn xô đã kịp đặt trên mạng vì không thể tự tay đi sắm sửa. Chị mong mỏi đến ngày được chạm vào con trai yêu thương bé bỏng.
Không ai có thể quên hình ảnh Trâm ngồi xe lăn, thều thào, khi được chồng đẩy xe đến gặp con, chỉ một tuần trước khi chị mất.
Thiếu uý công an Đậu Thị Huyền Trâm ngắm nhìn con qua chiếc lồng kính, chỉ có thể nhìn con và chạm tay vào tấm kính bên ngoài. Người mẹ ấy mắt sáng ngời, cố lấy hết sức căn dặn con những điều chị gửi gắm. Môi Trâm cắn lại, dằn tiếng khóc, nhưng nước mắt không ngừng rơi.
"Đã có mẹ đây rồi, con phải mạnh mẽ nghe chưa. Mạnh mẽ, đồng hành cùng mẹ nghe con. Dù mẹ không ở gần... nhưng mẹ con ta vẫn có thần giao cách cảm từ hồi em ở trong bụng mẹ đó!", bấy nhiêu lời thủ thỉ của chị Trâm với bé Gấu cũng khiến nhiều người không cầm được nước mắt.
Bé Gấu đã gần 3 tuổi, bụ bẫm, nhanh nhẹn, tinh nghịch. Ảnh: Võ Thu
Ít lâu sau lời tâm sự đó, chị Trâm được đưa về Hà Tĩnh và mất tại quê nhà. Mới đây, khi chúng tôi gặp lại, bé Gấu đã gần 3 tuổi, bụ bẫm, nhanh nhẹn, tinh nghịch đúng lứa tuổi của con. Bé được sinh ra bằng sự dũng cảm của mẹ, và lớn dần lên bằng tình yêu thương của bố, của ông bà hai bên và rất nhiều người xa lạ khác...
2. Đến bây giờ, nhiều đồng nghiệp vẫn nhớ về BS Nguyễn Thị Hạnh (SN 1985, khoa Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Bạch Mai) với hình ảnh nụ cười sáng, hiền, kiên định, và tinh thần làm việc kiên cường, hết lòng vì bệnh nhân. Đó cũng là người mẹ từ chối điều trị ung thư, đã lựa chọn cái chết để sinh con.
Số phận đã không mỉm cười với BS Hạnh khi vừa nhận xong tấm bằng tốt nghiệp bác sĩ nội trú được 1 năm, cuối năm 2015, chị Hạnh bị thai lưu em bé thứ hai khi có bầu gần 6 tháng.
BS Nguyễn Thị Hạnh - người mẹ từ chối điều trị ung thư để sinh con
Nỗi đau chồng chất nỗi đau khi 1 tháng sau nỗi đau mất con, BS Hạnh phát hiện có khối u và sau này xác định là ung thư tuyến vỏ thượng thận (một loại ung thư hiếm gặp không đáp ứng với hoá chất và xạ trị). Lúc đó, chị Hạnh mới có một đứa con gái.
BS Hạnh được phẫu thuật cắt bỏ khối u, lúc ấy đã có di căn, nhưng chị từ chối các phương pháp điều trị bổ trợ để thực hiện một công việc mà chị mong mỏi: Sinh thêm một đứa con.
Rồi chị Hạnh sinh thêm một cô con gái, nhưng khối u tái phát ngay sau đó và được phẫu thuật, ca phẫu thuật kéo dài gần 7 giờ đồng hồ. Khối u khi đó đã di căn khắp nơi...
Tưởng chừng cuộc sống chỉ thử thách bấy nhiêu thôi, sau phẫu thuật, chị Hạnh vẫn tiếp tục công việc là bác sĩ điều trị tại khoa Cơ xương khớp. Nhưng bệnh tật vẫn âm thầm tiến triển trong cơ thể chị.
BS Hạnh quyết định dừng điều trị, dành những ngày cuối cùng ở cuộc đời bên gia đình và hai cô con gái nhỏ. Nụ cười lạc quan trên môi chị đã tắt vào trung tuần tháng 11/2018, gần 3 năm sau khi phát hiện và từ chối điều trị ung thư để sinh thêm con.
3. Ở Trung tâm Chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương), 2 ngày nay ai cũng quan tâm tới bé Bình An. Đó là con trai của một sản phụ bị ung thư giai đoạn cuối - chị Nguyễn Thị Liên (28 tuổi, Hà Nam).
Hình ảnh mới nhất bé Bình An, con trai người mẹ ung thư giai đoạn cuối quyết sinh con sáng 24/5. Video: Võ Thu
Bình An "may mắn" hơn bé Gấu, khi chào đời "già hơn" 3 tuần thai, cân nặng cũng nhiều hơn 300gr. Em đang được các điều dưỡng chăm sóc, bởi mẹ em đang nằm điều trị tích cực ở Bệnh viện K, cách em 13km.
Đây không phải là lần đầu Trung tâm chăm sóc một đứa trẻ như thế, dù ai cũng biết, mọi đứa trẻ được đưa đến đây đều được chăm sóc "công bằng". Nhưng với một đứa trẻ sinh ra trong hoàn cảnh ấy, ai nấy cũng xót xa và có sức mạnh vô hình giúp em và mẹ chiến đấu với thời gian, bệnh tật.
Mẹ bé Bình An phát hiện bệnh ung thư vú giai đoạn cuối cũng là khi chị cảm nhận được những cử động thai máy đầu tiên trong bụng. Dù đau đớn nhưng chị lắc đầu rất nhiều lần trước những ý kiến khuyên giải "bỏ thai để giữ lấy mạng sống". Chị có lý do riêng của chị.
Chị Liên không thể sinh con trong tư thế nằm vì đau đớn bệnh tật
Người thân của chị Liên rất thấm nỗi đau mà người phụ nữ ấy phải chịu đựng trong suốt thai kỳ. Có những đêm đau đớn, chân chị phù nề, chị phải dậm chân mạnh xuống nền nhà mới đỡ khó chịu. Chị vét hết sức lực cuối cùng để ho. Những cơn ho kéo dài tới 10 phút, dừng một chốc, lại ho... Những đêm trường khó ngủ vì không thể ngủ nằm. 4 tháng nay, chị chưa biết cảm giác "đặt lưng xuống giường"...
Tiếng khóc của bé Bình An ngay khi chào đời khiến người mẹ phải "đẻ ngồi" ấy bừng tỉnh, mắt ngời sáng. Chị biết, ước nguyện của cuộc đời, bé Bình An sẽ lắng nghe, sẽ cảm nhận được. Ai cũng mong muốn chị đáp ứng điều trị, để sớm được gặp con trai...
4. Những cái lý của người mẹ, của tình mẫu tử. Tôi nghĩ nhiều đến cụm từ này khi chứng kiến những câu chuyện trên đây. Tôi tin mỗi người mẹ trong hoàn cảnh đó, quả cảm lựa chọn điều xấu nhất để sinh con, đều có những cái lý của riêng mình.
Nữ bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh từng tâm sự với đồng nghiệp, chị từ chối điều trị ung thư để sinh con, là bởi, lỡ chị ấy có ra đi thì các con có chị có em đỡ đần nhau. Khi đối diện với điều xấu nhất, chị vẫn chỉ nghĩ tới cho người khác, cho con mình, bởi hơn ai hết, là bác sĩ, chị hiểu điều trị có giá trị như thế nào với sức khoẻ bệnh nhân ung thư.
Bà Nguyễn Thị Oanh, mẹ chị Nguyễn Thị Liên nói với tôi bên hành lang buồng bệnh con gái bà, là chị Liên đã đau đớn biết bao khi mất đi đứa con đầu lòng. Cô con gái lớn hơn 2 tuổi, biết rất nhiều điều khiến mẹ ngạc nhiên, nhưng sẽ côi cút lắm nếu chỉ một mình... Bé Bình An đến với chị là món quà của ông Trời, sao chị nỡ từ chối, dù chị bệnh tật đến thế nào...
Trong bức thư tâm sự cuối cùng của cuộc đời ngắn ngủi, Thiếu uý Đậu Thị Huyền Trâm từng viết: "Nghĩ xem, quan trọng gì sống bao lâu, sống thế nào mới đúng. Nhưng nếu có phép màu, cho mình thêm 5 năm nữa, hoặc 1, 2 năm nữa khoẻ mạnh chút, mình chuẩn bị một vài thứ cho những người mình thương yêu, chứ đừng để ốm đau mãi rồi đi. Bây giờ trong tôi mọi thứ đã qua đều là kỷ niệm quý giá. Những gì đang có là tận dụng để cho mọi người biết tôi yêu mọi người thế nào".
"Quan trọng gì sống bao lâu, sống thế nào mới đúng!", Thiếu uý Huyền Trâm nói đúng. Nhưng tôi tin, cả chị Hạnh, chị Liên hay bất kỳ người mẹ nào trên cõi đời này, đều muốn thêm 1 ngày ở bên cạnh con, cho con thêm sức mạnh bằng tình mẫu tử thiêng liêng rất đỗi nhân bản của mình...
Theo Thu Nguyên
Gia đình và Xã hội