Những hơn thua lạnh lùng
Trong câu chuyện của họ, tình cảm vợ chồng như bát nước hắt đi, chỉ còn lại sự tính toán, tranh giành nhau tài sản. Và, như một tất yếu, ẩn mình trong sự sung túc, dư dả do cha mẹ mang lại, con cái họ vẫn là những đứa trẻ cô đơn, thiếu hụt tình thương.
Theo lời bà L., hạnh phúc đổ vỡ là do ông B. có người khác. Còn ông B. lại cho rằng, vợ là một người “ăn chơi”, không lo lắng cho chồng con, hung dữ, xấc xược với xóm làng và không được lòng khách đến sân thể thao nên gia đình thường xuyên nảy sinh xung đột, cãi vã. Họ quyết định ly thân. Bà L. ở với hai con trong ngôi nhà chung, còn ông B. dọn ra ngoài sống với… nhân tình. Không lâu sau, họ đồng lòng ký vào lá đơn ly hôn do ông B. yêu cầu. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân, đến nay, sau gần ba năm, vụ ly hôn giữa họ vẫn chưa được xét xử. Mới đây, bà L. gửi đơn đến Báo Phụ Nữ, nhờ can thiệp để phiên xử sớm diễn ra, để bà có điều kiện ổn định cuộc sống riêng.
Mặt khác, bà L. kiên quyết không đồng ý tách rời giữa giải quyết vấn đề ly hôn và phân chia tài sản hòng sớm bước ra cuộc hôn nhân. Qua tìm hiểu của chúng tôi, có nhiều nguyên nhân khiến cho thời gian thụ lý vụ án kéo dài. Ngoài thay đổi thẩm phán, vụ án còn nhiều lần bị gián đoạn do ông B. ngã bệnh, phải nhập viện điều trị trong một thời gian dài, không thể tham gia các phiên hòa giải. Hơn nữa, giữa ông B. và bà L. nảy sinh nhiều “nhập nhằng” trong thỏa thuận phân chia tài sản.
Trong quá trình vụ án được thụ lý, ông B. với lý do cần tiền chữa bệnh, đã bán mảnh đất đứng tên mình (tạo dựng trong thời kỳ hôn nhân). Cho rằng chồng cố tình “tẩu tán” tài sản, cộng với từ ngày sống ly thân, toàn bộ lợi tức, thu nhập từ sáu căn nhà cho thuê cũng như việc kinh doanh sân thể thao, ông B. không hề “chia” một đồng nào nên bà L. gửi đơn phản tố, yêu cầu tòa xem xét việc “tẩu tán” tài sản của chồng. Trong phiên hòa giải diễn ra đầu tháng 6/2013, bà L. trình bày nguyện vọng: được sở hữu căn nhà chung, mảnh đất do bà đứng tên (đều tạo dựng trong thời kỳ hôn nhân), 500 triệu đồng thay cho việc ông B. tự ý bán đất cũng như lợi nhuận phát sinh từ kinh doanh của ông B., cuối cùng là trợ cấp nuôi con mỗi tháng năm triệu đồng.
Ông B. cho xem tin nhắn của con gái “xin ba làm ơn chia tài sản cho mẹ”
Ông B. không đồng ý với yêu cầu này. Ông chỉ chấp nhận chia cho vợ căn nhà chung, mảnh đất do vợ đứng tên và 100 triệu đồng với điều kiện gửi góp mỗi tháng 10 triệu đồng. Do không đạt được thỏa thuận, ông B. quay sang… đòi chia căn nhà và mảnh đất đứng tên vợ (đều tạo dựng trong thời kỳ hôn nhân nhưng trước đó ông tuyên bố sẽ “cho” bà L.). Ông nói: “Đã sòng phẳng thì… sòng phẳng, xem ai thiệt!”. Hiện tại, cấp sơ thẩm đang tiến hành định giá các tài sản của hai người.
Theo bà L., không tính đến tài sản chung, thì trong khối tài sản riêng của ông B., có công lớn của bà trong việc sửa sang, tu bổ cũng như góp sức kinh doanh mang về lợi nhuận, làm nguồn “sống” cho cả gia đình, lẽ nào khi ly hôn, bà không được một phần công sức. Trả lời câu hỏi này, ông B. kiên quyết: “Bà L. chỉ làm… vợ, lo chuyện gia đình và nuôi con, chứ có công sức gì trong khối tài sản riêng của tôi. Hơn nữa, khi sân thể thao thành lập, tôi đã cho bà chức danh phó giám đốc, trả lương mỗi tháng ba triệu đồng thì còn… muốn gì? Còn đất nhà, tài sản riêng của tôi, tôi chấp ai lấy được nó, tôi muốn cho hay không cho ai là tùy tôi!”. Để thêm phần thuyết phục, ông B. mở tủ lấy ra tờ di chúc của cha mẹ, hỏi: “Đây, xem trong tài sản của cha mẹ tôi, có cái nào ghi “để lại cho bà L.” không mà bắt tôi chia chác!”.
Điều đặc biệt, vẫn còn là vợ chồng, nhưng điều quan tâm lớn nhất giữa họ chính là tài sản, còn cuộc sống riêng, cả hai đều không đoái hoài đến nhau. Bàn chuyện chung sống cùng người phụ nữ khác là vi phạm Luật Hôn nhân - Gia đình, ông B. khẳng định: “Chúng tôi thuê nhà sống, nếu bị phát hiện hay có kiện tụng thì chúng tôi… chuyển đi, thuê nơi khác sống. Cứ thế, ai làm gì được?”.
Chỉ có những đứa trẻ là thiệt thòi. Khi cha mẹ ly thân, hai đứa con chọn sống với mẹ. Tuy nhiên, bà L. cho rằng “không có tiền và việc làm nên cuộc sống thiếu thốn”, trong khi ông B. quả quyết vợ không lo cho con được đầy đủ nên mới đây, cậu con trai bảy tuổi đã về sống với cha. Bên cạnh đó, cả ông B., bà L. đều nhận định: “Con gái lớn rất buồn chuyện cha mẹ, trở nên trầm tính”. Ông B. cho biết thêm: “Hồi đầu, con gái “theo” tôi lắm, nhưng vì không thích… cô mới (ý chỉ người tình chung sống với ông - NV) nên chuyển sang “theo” mẹ. Dù vậy, tôi luôn lo cho con, xin nhiêu tiền tôi đều cho hết. Cả tiền con học, lâu lâu cô giáo cũng ghé lấy ở tôi”.
Mải miết lao theo những hơn thua, toan tính đến lạnh lùng trong phân chia tài sản, họ không nhận ra nỗi cô đơn, chán nản, thậm chí tổn thương, tâm hồn vẩn đục khi bị kéo vào bài toán tranh chấp giữa cha mẹ của các con. Ông B. nói rằng, con gái sống với mẹ, được “chỉ dẫn” nên thường xuyên nhắn tin cho ông, xin ba… “làm ơn” chia tài sản cho mẹ!
Tòa sẽ xem xét khi giải quyết lợi nhuận phát sinh từ tài sản riêng Theo quy định tại điều 27 Luật Hôn nhân và Gia đình, tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra; thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có sự thỏa thuận. Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình đối với tài sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân, nhưng trong giấy chứng nhận chỉ ghi tên một người thì tài sản đó vẫn được xem xét là tài sản chung của vợ chồng (trừ trường hợp người vợ/chồng chứng minh được là tài sản riêng của mình). Do đó, bà L. có quyền yêu cầu được chia một nửa trị giá mảnh đất đã bán của chồng và ngược lại, ông B. có quyền được chia một nửa trị giá mảnh đất vợ đứng tên và căn nhà chung của hai người. Hoa lợi phát sinh từ tài sản riêng sẽ thuộc về người có tài sản. Trong trường hợp tài sản riêng của vợ hoặc chồng đã được đưa vào sử dụng chung mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản riêng đó phải được sự thỏa thuận của cả vợ chồng (khoản 5 điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình). Khi giải quyết ly hôn, tòa án sẽ xem xét đến hoàn cảnh mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên trong việc tạo lập, duy trì và phát triển tài sản. Về thời hạn chuẩn bị xét xử đối với vụ án tranh chấp dân sự về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về hôn nhân và gia đình quy định tại điều 25 và điều 27 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 được sửa đổi, bổ sung năm 2011 là bốn tháng. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì chánh án tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng theo nguyên tắc cũng không được quá hai tháng. Luật gia Nguyễn Văn Hưng (Hội Luật gia TP.HCM) |
Theo Ngân Du
PNCN