Những đêm mưa

(Dân trí) - “…Tuấn đã về Bảo Lâm. Chắc có lẽ tụi em chia tay thôi”, nghe nàng cất tiếng rầu rầu tôi thấy lòng mình quặn thắt.

Nhường không xinh nhưng dễ thương nhất là cái bản tính hiền lành đảm đang, thứ hàng hiếm thời @. Còn Tuấn cũng không phải loại người trăng hoa gì, nó là mẫu người chồng lý tưởng: Thủy chung - chu toàn, vậy mà…

Quãng đường gần trăm cây số ngồi xe máy khiến lưng tôi đau ê ẩm, mặt đường nhựa được những cơn mưa gột rửa sạch bóng, hai bên đường những rặng dã quỳ tỏa hương hăng hắc, phố huyện mới được tái lập, những căn nhà mái ngói còn vương mùi vôi vữa, hàng quán lác đác, thi thoảng từ mấy quán karaoke vọng lại mấy ca khúc não tình khiến chiều phố núi buồn man mác.

Những đêm mưa



Tuấn tiếp tôi trong căn nhà trọ tuy nhỏ nhưng ấm cúng, đồ dùng vật dụng sang trọng, khá đắt tiền so với đồng lương công chức mới ra trường của nó. Xa nhau chưa đầy một năm mà tôi thấy nó như hoàn toàn xa lạ. Con người nó từ cách ăn mặc đến dáng điệu, cử chỉ toát lên vẻ kiêu kì, trịch thượng đến phát ghét. Gương mặt đỏ au, căng mịn, cặp mắt giảo hoạt lấp ló sau cặp kính trắng, khinh khỉnh, cái bụng bắt đầu phát tướng khác xa với cái dáng còm nhom ốm đói thời sinh viên.

Có tiếng dép lẹt xẹt rồi tiếng phụ nữ liến thoắng: “Các anh ăn cơm luôn chưa để em dọn? Nhậu ít thôi, anh Dũng đi đường xa mệt…”. “Nhằm nhò gì, ra dọn hàng rồi vào ăn luôn một thể” - nó cười giả lả.

Vừa thoáng nhìn nhưng tôi vẫn đủ nhạy cảm để nhận ra cô ta không phải tay vừa, già dặn, va chạm trên thương trường và giờ này nắm giữ huyết mạch kinh tế của thằng bạn tôi đây. Nhìn cái điệu cười nịnh nọt của nó thì biết. Kể cũng lạ, hình như ở đâu nó cũng phải có đàn bà. Hồi trước lên phòng trọ thấy nó và Nhường đứa nhặt rau đứa vo gạo quả thực tôi hơi bị choáng còn nó tỉnh như không, giờ đây mới vắng nhau vài bữa nó đã có ngay người khác điền vào chỗ trống.

Nó tợp ngụm rượu, khà một tiếng như ông cụ non: “Hạnh mà tao hay kể cho mày nghe đấy, hơi già so với tao nhưng được cái tiền bạc rủng rỉnh, ngày trước nàng cũng bình thường thôi, dành dụm, gom góp mở quầy tạp hóa ai dè vùng này quy hoạch phát triển thị trấn, đất có giá, đồ đạc này nàng sắm cả đấy chứ như tao, cháo còn không có mà húp…”.

Vậy ra! Nó đưa tay ngăn tôi lại, vậy ra những gì Nhường nói là đúng, phải không? Ôi dào! Mày hai lúa bỏ mẹ, tình yêu và cuộc sống là những phạm trù khác nhau, mày đang ăn lương do ông bà già chi trả nên còn mơ màng, ăn cơm đời như tao rồi sẽ biết.

Hình như có cái gì đó trong tôi đang vụn vỡ, chẳng lẽ đó là niềm tin, thằng bạn thân nhất, thật như đếm trong mấy năm Đại học giờ đã chết, trước mắt tôi là một con người thực dụng và lạ lẫm.

Để có chân trong văn phòng huyện ủy nó không ngần ngại rước thằng em từ quê vào ở không công cho ông trưởng phòng tổ chức, suốt ngày cắm đầu chăm mấy héc-ta cà phê.

Chén rượu mật sóng sánh thơm lừng trong tay tôi giờ lạnh tanh, đắng ngắt. Tôi bỗng nhớ tới Nhường, không hiểu giờ này em đang ở đâu. Giữa một bản làng xa lắc bồng bềnh trong sương núi, cũng những đêm mưa như thế này, nàng dành dụm từ những đồng nhuận bút ít ỏi tổ chức bữa ăn tươi. Suốt buổi nàng chỉ chống đũa gắp thức ăn cho hai chúng tôi đàm đạo chuyện văn chuyện đời. Từng ngọn gió lùa ầm ầm qua ô cửa khiến lòng tôi se thắt, cô độc giữa khung trời xa lạ.

Đình Dũng