Những cơn mưa đời người

Vài hạt mưa lác đác trên thềm nhà rồi càng lúc mưa càng mạnh dần. Má tôi nhìn trời khẽ thở dài: “Vậy là ba mày lại có việc để làm rồi đấy Bi”.

 
Những cơn mưa đời người


Hồi ấy tôi chỉ nghe vậy thôi. Còn bé xíu, lại mãi lăng xăng với những trò nghịch mưa, tôi nào có hiểu má nói gì. Chỉ biết, mỗi mùa mưa tới là má vừa lo vừa vui. Có lẽ, má vui vì ba sẽ có thêm công việc để làm.

 

Ba tôi làm cái nghề không có tên cụ thể, người ta hay gọi nôm na là nghề "bán sức lao động". Nói chung, cứ ai gọi là gì là làm nấy, bán sức lao động để kiếm miếng ăn. Mưa tới công việc của ba tôi nhiều lắm. Có lẽ vì mưa ai cũng lười, hoặc vì vào mùa mưa những công việc lao động chân tay thường dễ gặp nguy cơ tai nạn hơn nên người ta ngại làm. Còn ba tôi thì cứ vẫn cần cù, dùng sức lực của mình đội cả bầu trời mưa! Tôi thường đòi theo ba và được ba dẫn tới chỗ làm. Nơi ba làm là những công trường rộng lớn, hoặc có khi là những cái cống rãnh, có khi ba nhận bốc vác, thậm chí là đi xây vài thứ vớ vẩn nào đó. Tôi được ba cho ngồi một góc nghịch cát, thỉnh thoảng tôi lại chạy ra khoe ra một “chiến tích” nào đó, để nhận lại từ ba một nụ cười hiền. Người ba đẫm mồ hôi hay là mưa thấm ướt áo ba tôi cũng không rõ. Lần nào ba về cũng đã tối mịt, tôi đã ngủ say trên vai ba.Trong giấc ngủ của tôi có mùi mồ hôi nồng nồng của ba, có những đống cát tôi nghịch, những cái xẻng, cái cuốc và cả màn mưa ướt lạnh cuối chiều…

 

Tôi lớn lên cùng mưa, cùng những việc không rõ tên của ba, với những đống cát, xi măng và mùi vôi vữa, những người xắn quần đi trong mưa. Đã có lúc tôi ngốc nghếch hỏi ba: “Sao ba không núp vào để qua những cơn mưa rồi hãy làm tiếp?” Những lúc ấy ba lại cười xoa đầu tôi: “Phải tranh thủ làm hết việc nào đó rồi làm việc khác chứ con”. Mưa cứ rơi nặng hạt và ba vẫn đang lầm lũi đi xúc cát. Mắt tôi nhòe nước, những khi nhìn theo dáng ba trong mưa...

 

Tôi vào đại học, gánh nặng trên vai ba thêm oằn. Tự nhiên tôi đâm ra ghét cay ghét đắng cái nghề ba làm, vì nó cướp đi sức khỏe của ba. Tôi cũng ghét chính mình vì không thể giúp được gì cho ba. Những mảnh đạn thời chiến tranh làm chân ba thêm đau nhức, nhưng chưa khi nào tôi thấy ba nghỉ làm. Da của ba sạm đen vì gió, nắng; đôi tay chai sần, thô ráp.Tôi cũng từng phải chứng kiến cảnh những ông chủ quá đáng với ba, nói những lời nhục mạ ba, nhưng ba vẫn im lặng chịu đựng. Biết tôi uất ức, ba chỉ cười hiền: “Không phải ba không biết giận, nhưng quan trọng là phải kềm chế được cơn giận đó. Ba biết con nghĩ gì, miếng ăn là miếng nhục mà con! Đường đời không phải lúc nào cũng bằng phẳng, đừng để sĩ diện và tự ái làm mất đi những gì con đang cần cho cuộc sống”. Tôi im lặng, nuốt vào lòng từng lời ba nói…

 

Ba ngã bệnh vì mất sức. Má cắp nón đi làm thay ba. Tôi nghe tiếng ba khẽ thở dài ngao ngán. Tóc má như bạc hơn vì gánh nặng cuộc đời. Bàn tay má ngày càng chai đi, lưng cứ còng thêm. Dù gì cũng là đàn bà, gánh vác cái nghiệp của đàn ông sao mà kham nổi. Nhưng, chưa bao giờ tôi thấy má khóc. Dường như nước mắt làm yếu đuối con người nên má cứ giấu biệt nó đi.

 

Cuộc sống cứ thế trôi đi… Tôi không quá tự tin đón nhận những hứa hẹn tương lai tươi sáng, chỉ biết hạnh phúc với những gì mình đang có trong hiện tại. Và với tôi, thế cũng đủ rồi. Tôi nhìn ra mảnh sân giảng đường, cây hoa dâm bụt duy nhất đang nở những bông hoa màu đỏ rực rỡ dưới màn mưa, trong khi tán lá xanh của những cái cây cao lớn uy nghi khác đã chìm khuất vào trong mưa. Tôi khẽ mỉm cười như đang dậy lên trong lòng hy vọng.

 

Theo PNO