Những bà mẹ ôm con tự tử: Giận thì giận, mà thương lại càng... giận

(Dân trí) - Hôm qua, khi tôi vừa ló mặt vào quán cắt tóc của cô em gái, nó bảo: “Chị đọc báo chưa, vụ bà mẹ ôm con tự tử, xót quá chị ạ...”.

Rồi cô em tôi bảo: “Em nói thật với chị, đời em không thiếu đắng cay, nhưng những lúc cùng quẫn nhất em lại nhìn vào hai đứa con em mà sống. Em chỉ luôn tự hỏi bản thân mình: Làm thế nào để vượt qua, tuyệt nhiên chưa từng nghĩ mình sẽ chết. Là do người ta quá yếu đuối, hay do em chưa bế tắc đến cùng đường?”.

Những bà mẹ ôm con tự tử: Giận thì giận, mà thương lại càng... giận - 1

Những nỗi khổ của em, không phải tôi không biết. Quen em đã bao năm nay, buồn vui gì em cũng kể. Cùng phận đất khách quê người, tủi hờn không dám về nhà chia sẻ với mẹ cha. Từ việc em bị chồng bạo hành ra sao, đến chứng kiến chồng dắt gái về ngủ trong nhà mình. Chồng em còn ép em phải từ bỏ quyền nuôi con vì công việc không ổn định. Nhưng sau tất cả, ba mẹ con em giờ đã có cuộc sống ổn định, vui vầy bên nhau.

Tôi không quên có hôm mưa gió em dắt hai đứa nhỏ đến gọi cửa nhà tôi, ba mẹ con ướt như chuột lột, trên mặt em có vài ba vết bầm. Em bảo: “Nếu không đi, em sẽ chết”.

Thật ra thì em không sợ chết, chết rồi thì còn biết gì nữa mà sợ. Nhưng có lần trong cơn tức tối em hét lên: “Anh không cho tôi đường lùi, tôi chết trước mặt anh cho anh xem”.

Chồng em hét lên: “Chết đi, mày chết đi cho tao nhờ”.

“Thế đấy chị ạ, em có chết thì chỉ thiệt mình, chỉ khiến mẹ cha đau lòng, con em khổ thôi chứ người đã không thương thì mình có sống chết với họ cũng chẳng ý nghĩa gì”. Cứ thế, em vượt hết nỗi đau đớn tủi nhục này ngày qua ngày cho đến khi hoàn toàn dứt bỏ được.

Thế nhưng, không phải người mẹ nào cũng đủ mạnh mẽ để sống mà bảo vệ những đứa con của mình. Vụ việc mẹ ôm ba con nhỏ nhảy suối tự tử vài tháng trước ở Hòa Bình còn chưa lặng sóng. Vài hôm trước lại thêm một bà mẹ ôm hai con, một đứa lên 4, một đứa chưa tròn tuổi tự tử ở Bắc Giang khiến ai ai nghe tin cũng xót lòng.

Thư tuyệt mệnh chị để lại có nói rằng do cuộc sống quá bí bách và những mâu thuẫn với gia đình chồng. Thông tin từ chị gái và chị dâu trong nhà đều cho rằng chị có tâm sự chuyện mâu thuẫn tình cảm trong gia đình. Chị hay suy nghĩ, từ những chuyện nhỏ nhặt mà sinh ra mệt mỏi. Và đa số cho rằng sự việc đến nông nỗi như vậy là do chị bị trầm cảm sau sinh. Vì lý do gì, đối với chị có lẽ giờ cũng không còn quan trọng nữa. Điều quan trọng chính là những người đang sống, chúng ta nhận ra những gì.

“Trầm cảm sau sinh ư? Phụ nữ ai mà không sinh con, các bà cứ bày vẽ” - Một ông chồng đã từng thốt lên như thế. Chuyện phụ nữ sau khi sinh con, vì đâu mà trở nên trầm lặng, vì đâu mà luôn có những suy nghĩ bế tắc tiêu cực, vì đâu mà đối với đời không còn những thiết tha, hình như rất ít ông chồng hiểu rõ. Họ coi sinh con là lẽ tự nhiên, là chức năng của đàn bà. Còn vì họ ít yêu thương, ít quan tâm, tệ bạc vô tình thì họ không nghĩ đến.

“Vợ chồng mâu thuẫn, gia đình không hòa thuận nên chết ư? Gia đình nào mà không có chuyện nọ chuyện kia. Hễ cứ có chuyện là chết thì loài người tuyệt chủng hết à? Còn những đứa trẻ, chúng nó có tội tình gì mà bắt chúng phải chết theo. Tàn nhẫn. Tội ác”. Trước một nỗi mất mát đớn đau người ta vẫn nói vậy. Nghe xong rồi mới hay, nếu mình không thương bản thân thì thật khó để chờ người khác xót thương mình.

Có đáng giận không? Đáng giận chứ! “Sông có khúc, người có lúc”. Cuộc sống chưa bao giờ là dễ dàng nhưng đâu phải chúng ta không có những điều đẹp tươi để mong chờ hi vọng. Những đứa con là mầm sống của chúng ta nhờ đẻ đau rứt ruột mà có. Chúng là mầm xanh, là hi vọng. Chúng có quyền được lớn lên để có cơ hội định đoạt cuộc sống của mình. Lẽ nào mình sinh con ra là mình có quyền không cho chúng sống? Lựa chọn sai lầm nào cũng có cơ hội sửa chữa, chỉ có lựa chọn cái chết là không!

Hai đứa con, một vừa biết nói tròn vành rõ chữ, một còn bồng bế trên tay sẽ không bao giờ có cơ hội để nhận ra mình đã từng tồn tại trên đời. Một người mẹ, trong giây phút đầu óc đã chẳng còn nghĩ suy bất cứ điều gì ngoài từ “chết đi cho khỏe”. Nghĩ đi nghĩ lại, thấy giận nhiều, càng giận càng thương, mà thương thì càng thêm giận!

Khi một người vì bất cứ lý do gì mà chọn con đường giải thoát cho mình bằng cách từ bỏ cuộc sống này, tôi vẫn nghĩ những người thân phải gánh một phần trách nhiệm. Nếu họ đủ yêu thương, đủ quan tâm, đủ nhạy cảm, đủ vững vàng để tìm đường dẫn lỗi, để đồng cảm sẻ chia thì chắc hẳn sẽ không có những sự bế tắc đến cùng đường tuyệt vọng như vậy.

Không có ai chán cuộc sống này. Chỉ có những người buồn chán những người xung quanh mình mà sinh ra nghĩ quẩn. Người đã đi rồi, tất nhiên chẳng còn gì vướng bận nữa. Nhưng những người đang sống đau lòng, cuối cùng là tại vì sao? Có còn kịp để cữu vãn nữa đâu, không bao giờ còn kịp nữa.

Sông Thương ngày hôm ấy đón nhận ba sinh mạng hẳn cũng rất đau lòng.

Lê Giang