Nhớ gã bình luận viên “đáng ghét”

(Dân trí) - Là bạn bè cùng lớp nhưng không hiểu sao tôi ghét hắn đến thế, ghét cay ghét đắng. Đàn ông đàn ang gì mà lúc nào cũng ba hoa chích chòe, thích gây chú ý, nhất là với bọn con gái lúc nào cũng xun xoe ra vẻ tốt bụng.

  

Học


Học hành không ra gì chỉ mỗi việc đầu giờ chạy lên trung tâm học liệu lấy micro cho thầy giáo là nhanh, sai đâu chạy đấy nhiệt tình ra phết…

 

Đặc biệt khi nào trường hay khoa tổ chức bóng đá thế nào hắn cũng xin cho được một chân bình luận viên, thái độ nịnh hót kèm theo một gói thuốc con mèo hối lộ anh phó bí Đoàn phụ trách thể dục thể thao - Trưởng ban tổ chức. Nhìn thái độ xu nịnh của hắn lại thêm người đỡ tay thay việc tội gì không cho. Nhìn hắn khệ nệ nào amply, micro…vv vừa tội nghiệp vừa buồn cười. Nghe hắn bình luận thì đúng là khốn nạn cho hai lỗ tai, cái chất giọng Bắc Trung Nam hỗn hợp, “tả pí lù” vừa nặng vừa méo tiếng. Trên truyền hình người ta nói chậm rải, có sức truyền cảm còn hắn nói lia xia như mấy cha bán thuốc dạo, chẳng ai nghe ra cái gì. Có đứa điếc tai nổi đóa chửi hắn thậm tệ thế mà hắn lại cười hề hề, rất vui. Nói năng không ra gì còn bày đặt pha trò, mọi người phì cười cái giọng vừa nặng vừa méo xẹo của hắn.

 

Một lần vào quán cà phê xem bóng đá, hôm đó là trận tranh siêu cúp giữa Thể Công với đội gì của Thành phố Hồ Chí Minh quên mất tên rồi (bóng đá Việt Nam đổi tên liên tục không nhớ nổi), mới vào đã nghe giọng hắn lia xia. Tôi gọi ly cà phê, kéo ghế ngồi cạnh vui miệng đưa ra phương án tấn công cho vui, nói năng không đóng thuế mất gì. Ai dè sau câu nói vu vơ của tôi Thể Công triển khai và ghi bàn. Từ đó hắn nể tôi lắm, gặp ở đâu cũng nói chuyện bóng đá. Lạ gì hắn muốn bổ sung vào kho kiến thức bóng đá để mỗi lần bình luận cho ra dáng đấy mà…

 

Mùa hè năm ấy tôi và hắn cùng ở lại. Ban ngày hắn đi làm thêm tối xem bóng đá. Hắn mừng lăm, rủ tôi về phòng trọ hắn ngủ lại tối cùng xem bóng cho vui… Căn phòng của tôi đã tội nghiệp về phòng hắn mới đúng là thảm hại, ở tít gần ngoại vi thành phố, đạp xe rã cả chân mà chưa đến nơi. Quanh nhà người ta trồng bắp cải, súp lơ mùa này cao nguyên bước vào mùa mưa, mưa dầm dề khiến mùi phân cá bốc lên nồng nặc. Thấy tôi chun mũi hắn cười giả lả “miễn phí mày ạ! Bà chủ về Sài Gòn với con gái, tao được toàn quyền, cứ hò hét cho đã mà không sợ ảnh hưởng đến ai…”. Nhìn vẻ mặt băn khoăn của hắn biết ngay là “viêm màng túi độ ba”. Một lúc sau hắn đánh liều ra hàng thực phẩm đầu ngõ, bà chủ ném cho hắn cái nguýt dài thườn thượt nhưng nhìn dáng điệu xun xoe, cái miệng ba hoa chích chòe bà đành chặc lưỡi phì cười “Nốt lần này thôi đấy”, một bó rau muống, mấy lạng thịt lợn, một cân gạo vậy mà hắn còn nài nỉ thêm lít rượu tối xem bóng đá cho bốc…

 

Nhìn hắn vô tư trên sân bóng cứ ngỡ hắn chắc có cuộc sống không đến nỗi nào ai ngờ… Trong cơn say hắn kể về miền quê đầy gió và cát trắng của hắn, mẹ hắn đã ngoài sáu mươi nhưng sáng sáng phải chạy nhanh ra bãi ngang đón tàu cá về xong tất tưởi chạy gần chục cây số cho kịp phiên chợ sáng, chắt bóp dè xẻn nhịn ăn nhịn mặc cho hắn đi học. Kể đến đây đôi mắt hắn đỏ hoe…

 

Năm học mới bắt đầu lũ bạn về nghỉ hè lũ lượt trở lại, tay xách nách mang nào là quà quê nào sách vở lích kích, chuẩn bị cho kỳ thi lại. Ngày đầu vào lớp không thấy hắn rồi tiếp mấy ngày sau cũng không. Quái! Thằng này nghỉ hè kiểu gì kỹ thế nhỉ? Chỗ hắn ngồi giờ trống huơ trống hoác, không có tiếng ba hoa chích chòe của hắn tự nhiên buồn kinh khủng. Không chỉ mình tôi mà đứa nào cũng thế. Thì ra từ bao giờ hắn đã trở thành phần không thể thiếu trong mỗi chúng tôi. Khi gần thấy sao mà đáng ghét nhưng khi xa rồi mới thấy nhớ miên man, mỗi lần điểm danh đọc đến tên hắn thầy giáo khẽ nhíu mày “Bỏ tiết nhiều thế này làm sao mà thi cử đây trời”.

 

Những trận bóng đá không có giọng bình luận của hắn buồn và tẻ nhạt kinh khủng, thì ra cái chất giọng “tả pí lù” khi bình luận của hắn khó phết, khối anh ti toe nhảy vào nhưng nói được hai câu là đỏ mặt tía tai phải nhào ra… Mãi sau này gặp thằng Trường, đồng hương hắn dò hỏi mới biết hắn bỏ học đi Li Bi xuất khẩu lao động, không biết hắn đã trở về chưa, trong đợt biến động chính trị vừa qua có nhanh chân theo đoàn mà về không?

 

Hôm nay xem bóng đá thấy mấy anh bình luận viên trẻ nói thao thao bất tuyệt nhớ hắn vô cùng, thì ra hắn cố đem lại chút niềm vui nho nhỏ cho mọi người dù trong lòng hắn trĩu nặng mối lo cơm áo. Không biết giờ này hắn đang ở đâu? Có xem bóng đá không hay còn thui thủi ở một nơi nào trên sa mạc Bắc Phi nóng bỏng?

 

Đình Dũng