Nhớ con chim quốc gọi mùa nước lụt
(Dân trí) - Đầu tháng năm, quốc đã kêu trên những cánh đồng xa. Quốc kêu đêm ngày, đến lúc khản cổ chỉ còn những tiếng tắc tắc. Nhất là buổi đêm, người ta đã đi ngủ hết rồi, quốc vẫn kêu: quắc…quắc…quắc…quắc. Tiếng của nó lọt thỏm giữa bao nhiêu thanh âm khác của làng quê.
Con ếch ngồi ở bờ ao kêu ếch ộp. Con uôm uôm trong búi khoai nước nhưng chẳng ai nhìn thấy bao giờ. Con dế kêu ri ri trên vườn. Nhưng chả hiểu sao tiếng quốc kêu nghe cứ vất vả thế nào.
Hai anh em tôi đứng ở sân. Thằng em tôi nghếch tai ra phía ao Lắn. Nó nghe một hồi rồi nói chắc như đinh đóng cột là con quốc này đang ở ao Lắn. Tôi giả vờ nghe rồi bảo nó là con quốc đang ở mé Đình. Nó bảo không phải. Tôi bảo từ nãy đến giờ nó chả lủi đến mé Đình còn gì. Ngu thế! Thế mà nó chịu.
Anh Điệp đi gặt lúa ở trại Tám. Buổi trưa, anh đứng ở cổng gọi với: “Thắng béo, Thế còi ơi! Ra mà xem con quốc này”. Thế là tôi biết con quốc. Lông nó màu đen. Chân nó gày khẳng khiu cũng màu đen. Duy chỉ có cái mỏ nó có một chút màu vàng. Anh Điệp buộc một sợi dây cước vào chân nó dốc ngược lên. Anh moi ở túi quần ra một lùm lùm rơm. Bên trong có một ổ trứng bằng ngón chân cái. Trứng quốc lấm tấm vết đen như hạt vừng. Anh chỉ cho chúng tôi xem thôi rồi lại đút lùm lùm rơm vào túi và treo ngược con quốc lên càng xe bò. Nhưng con quốc không kêu nữa. Nó chỉ chớp chớp mắt. Tôi đứng bần thần. Thằng Thắng phụng phịu:
- Tí nữa anh làm gì nó?
Anh ngoái cổ bảo:
- Tí nữa tao quay. Quốc quay!
Tôi nghe cái giọng anh biết là anh thèm lắm rồi. Anh đi khuất mà đợi mãi con quốc vẫn không kêu…
Nắng lắm mưa nhiều. Nắng như thiêu như đốt. Buổi sáng chưa kịp mở mắt dậy thì nắng đã xuyên qua khe cửa thốc vào mặt người. Ban đầu, nắng ở ngọn cau. Rồi nắng trĩu dần trĩu dần đến độ tràn ngập khắp sân. Nắng vắt từ sáng qua chiều. Ban tối, bầu trời xanh ngắt, vô vàn vì sao nhấp nháy. Bà chép miệng bảo thế này rồi lụt to.
Y rằng sáng hôm sau, tôi thức dậy thì thấy cây ổi to trong vườn đổ ngổn ngang. Lá tre ở đâu bị gió cuốn rụng tơi bời đầy sân. Nhìn ra phía rặng tre thấy nhiều ngọn măng gãy gập. Con mèo mướp chạy qua sân cắp ngang con cá rô đen trũi. Chắc nó vừa săn được dưới bờ ao. Mưa nước mới cá rô theo đường nước chảy có khi rạch lên tận sân nhà. Tôi tức tốc vác cái rổ tre. Thằng Thắng xách xô chạy theo ra phía Đình.
Nước từ đâu đổ tới mà nhiều đến thế. Ngút ngàn tầm mắt trắng nước là nước. Nước tràn qua những khoảnh đất mấp mô, ngập túp thân lúa. Tít ngoài xa đã bập bõm tiếng đuổi cá của ai giăng lưới. Vài chú rắn nước cắm cúi bơi, thỉnh thoảng ngẩng đầu thảng thốt tìm bến đậu. Những tổ kiến lửa tụ lại với nhau to bằng cả cái thúng con bập bềnh, bập bềnh theo sóng nước. Thằng em tôi nghịch ngợm lấy chân đá vung một tổ kiến. Kiến ùn ra đông khiếp. Nó sợ quá nhảy ùm xuống máng, cười khành khạch. Chợt ngoài bãi Gia vọng lại yếu ớt mấy tiếng tắc…tắc. Thôi chết! Mùa vải qua lâu rồi mà con quốc vẫn còn tìm tu hú. Mưa gió thế này, biết trú ở đâu…
Anh em tôi có trò đánh giậm bằng rổ. Một tay tôi cầm rổ ghé vào sườn máng, thường là những sườn máng có vồng cỏ cao. Tay kia bám vào bờ. Một chân tôi kẹp giữ chặt rổ tạo với máng thành hình múi bưởi rồi chân kia cứ thế xua nước vào trong. Cá cua theo đó mà bị đẩy vào. Nhấc rổ lên được con xí cờ là may. Sau này anh em tôi rủ nhau tích cóp rồi xuống tận chợ Kế mua được cái giậm. Có lần đánh một nhát được cả vốc cua càng.
Tôi chạy băng qua bờ máng mấp mô nước sang phía ruộng gần nhà anh Minh. Bác Vinh ngồi ở đầu bờ ao. Tôi hỏi anh Minh đâu không thấy bác trả lời. Chỉ thấy cái ao nhà bác bị vỡ toang hoác. Nước dập dềnh. Thoảng có con cá lách mình qua khe lạch tạch. Trời lại sắp mưa, bác cứ ngồi như thế ở đầu bờ ao.
Sau này cũng vào một ngày nước lụt thì phải, bác ngồi say rượu gật gù ở đầu bờ ao. Người ta đi qua thấy nước sủi tăm cá, vớt bác lên thì không kịp nữa…
Nguyễn Anh Thế