Nhìn chằm chằm vào mắt nhau 60 giây có thể rơi vào bể tình chóng vánh?
"Vừa nhìn đã yêu" có phải là lời bông đùa trêu ghẹo nhau của đôi lứa để thần thánh hóa mối tình của mình…".
Trong phim cổ trang thường hay có cảnh nữ chính bị đánh bay rồi mất trọng lực rơi xuống. Lúc đó, nam chính sẽ phi thân nhảy lên ôm lấy cô gái đó. Rồi hai người sẽ chăm chú nhìn sâu vào mắt đối phương, cả thế giới ồn ào dưới kia như tan biến, trong đầu ta chỉ còn khuôn mặt người nọ.
Khi xem đến đoạn này, có phải bạn sẽ nghĩ trong đầu: "Chỉ có phim ảnh người ta mới yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên như thế".
Nghĩ vui thế thôi nhưng kịch bản cũng được viết từ thực tế mà ra. Nghiên cứu phát hiện, nếu nhìn sâu vào mắt nhau trong một khoảng thời gian nhất định, mối quan hệ của đôi bên sẽ thăng hoa thật. Rất có thể, tình yêu cũng vì thế mà tới.
Giao tiếp ánh mắt đóng vai trò rất quan trọng trong giao tiếp xã hội. Thậm chí, trong đám đông nếu có người nhìn bạn nhiều thêm vài lần thì mối quan hệ của hai người nhất định sẽ không dừng ở bước xã giao cơ bản mà dẫn đến tình yêu.
Tuy nhiên, việc gì cũng phải có hạn độ nhất định, nếu bạn nhìn chằm chằm đối phương quá lâu ở lần đầu tiên gặp thì thiện cảm chưa sinh ra đã thay bằng nỗi lo ngại: "Người kia có ý xấu với mình hay sao?".
Nên câu hỏi đặt ra là, đối mắt bao lâu thì phù hợp và vừa đủ?
Năm 1989, một nhóm nhà khoa học người Anh đã dùng thí nghiệm với 498 người để trả lời câu hỏi này. Kết quả cho thấy, đa số mọi người đều cảm thấy thoải mái khi đối mắt 3.3s và rất ít người có thể chịu đựng ánh mắt của người gặp lần đầu quá 9s.
Ngoài ra, nghiên cứu này cũng phát hiện ra những công dụng khác của việc đối mắt như: Khiến đối phương cảm thấy mình đẹp hơn, nhất là khi nhìn thẳng, thời gian càng lâu càng thấy đẹp; Khiến đối phương tin tưởng và thân thiết với mình hơn.
Những nghiên cứu ấy sau đó được xuất bản ở Journal of Research in Personality (Tạp chí nghiên cứu về tính cách) với tiêu đề: "Nhìn và yêu: Những tác động của ánh mắt lẫn nhau lên cảm xúc của tình yêu lãng mạn".
Nhưng bạn có thắc mắc, sao trên đời lại có chuyện thần kỳ như vậy không? Chỉ nhìn nhau ít phút ít giây mà có thể thân thiết hơn với nhau thật sao?
Sau này, các nhà nghiên cứu của Đại học Phục Đán cũng phát hiện ra, có thể là do biến đổi sinh lý trong cơ thể.
Khi nhìn vào mắt nhau đủ lâu, hệ thần kinh sẽ tiết ra oxytocin (một loại hoocmon âu yếm) và phenylethylamine (một chất kích thích hệ thần kinh trung ương). Oxytocin sẽ khiến con người cảm thấy vui vẻ, yêu thương và muốn được gần gũi với người khác nhiều hơn. Còn phenylethylamine thì khiến chúng ta cảm thấy tim nhảy chân run, hô hấp dồn dập hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, hoàn cảnh xung quanh cũng rất quan trọng. Tiến sĩ Tâm lý học người Ý Giovanni Caputo phát hiện ra hai người nhìn chằm chằm nhau quá lâu (khoảng 10 phút) trong môi trường thiếu sáng sẽ dễ gây ra triệu chứng "phân liệt".
Với điều kiện thiếu sáng, thí nghiệm cho một nhóm người nhìn vào tường 10 phút và nhìn đối mắt với người khác ở khoảng cách 1m trong 10 phút đã chỉ ra, nhóm người nhìn đối mắt 10 phút với người khác dễ sinh ra nhiều loại cảm giác.
Những cảm giác đó được phân ra như sau: Cả thế giới dường như tan biến hoặc là bản thân đang cách thế giới này rất xa; Cảm giác thời gian trôi qua rất lâu, hoặc là cảm thấy tiếng động nhỏ nhất cũng trở nên ồn ào, hoặc là bỏ ngoài tai tất cả những âm thanh khác, chìm vào thế giới riêng của mình.
Nghiêm trọng nhất còn có trường hợp cảm thấy thế giới này mất đi màu sắc vốn có của nó và không biết bản thân có đang ở thực tại hay không.
Vì vậy, nhìn nhau lâu có thể nảy sinh tình cảm là có thật, nhưng nếu điều kiện xung quanh không thích hợp thì sẽ có rất nhiều tai hại đi kèm.
Nếu bạn muốn theo đuổi, muốn hâm nóng tình cảm với người mình thương, hãy thường xuyên nhìn vào mắt họ và mỉm cười trong lúc nói chuyện, trong lúc lơ đãng, hay cả lúc bạn đang rất bận và không muốn nói nhiều vì dễ mất tập trung.
Người ta bảo, ánh mắt hơn ngàn lời nói, một ánh mắt có thể dỗ dành và xoa dịu tâm hồn của đối phương rất lâu, đừng keo kiệt một ánh nhìn cho người quan trọng, bạn nhé!